Báo động thực trạng HIV/AIDS ở Tam Nông
24/09/2012 Lượt xem: 260 In bài viếtHuyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp hiện có 452 trường hợp nhiễm HIV; trong đó, có 186 người chuyển sang AIDS và tử vong 177 người. Điều đáng quan tâm là đã có 205 phụ nữ từ 15 - 49 tuổi và 15 trẻ em bị nhiễm HIV. Phần đông, người nhiễm căn bệnh chết người này là những đối tượng sử dụng các chất ma túy, gái mại dâm và người mua dâm có tuổi đời từ 13 đến 49. Đa số người nhiễm HIV/AIDS đều được đưa về cộng đồng quản lý và đã có không ít người nhiễm HIV/AIDS không có địa chỉ rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế số người nhiễm HIV/AIDS ở Tam Nông chưa phát hiện có thể còn cao hơn. Điều nguy hiểm nhất ở huyện vùng Đồng Tháp Mười này là người dân còn thiếu hiểu biết về tác hại của đại dịch HIV đến đời sống - sinh hoạt và sức khỏe của mọi người và của mỗi gia đình; làm ngăn cản sự phát triển của nền kinh tế; gây mất an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở địa phương…
Hãy nghe một bệnh nhân AIDS ở xã An Long tâm sự: “Tôi đã mang trong cơ thể căn bệnh thế kỷ, cái chết đã cận kề. Thôi muộn mất rồi! Tôi chỉ mong muốn những ngày tháng còn lại của mình sẽ sống sao cho có ích lợi cho gia đình và xã hội… Tôi đã sai! Xin mọi người đừng đi theo vết xe đổ của tôi, đừng để chết vì thiếu hiểu biết như tôi !”. Một bệnh nhân AIDS ở xã Phú Thành A bày tỏ: “Lúc mới phát hiện mình nhiễm HIV do một lần quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm, tôi rất buồn chán định trả thù đời rồi tự tử. Nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ: Nhiễm HIV chưa phải là hết, quảng đời còn lại của mình phải làm sao sống có ích và có ý nghĩa thiết thực… Với suy nghĩ trên, tôi không còn thất vọng, buồn chán nữa… tôi tự nguyện xin tham gia vào lực lượng tình nguyện viên phòng chống HIV/AIDS để tuyên truyền về những tác hại ghê gớm của căn bệnh chết người chưa có thuốc trị này và vận động, giáo dục mọi người có biện pháp phòng chống lây nhiễm hữu hiệu căn bệnh HIV/AIDS…”.
Thời gian qua, các xã - thị trấn của huyện Tam Nông đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, không phân biệt đối xử, tạo điều kiện cho đối tượng này học nghề, giới thiệu việc làm để kiếm sống hòa nhập vào cộng đồng… Song, kết quả vẫn còn rất khiêm tốn, bởi các nghề được hướng nghiệp không phù hợp với đặc thù ở địa phương. Hầu hết người nhiễm HIV đều có trình độ học vấn thấp, nhận thức còn hạn chế, “bất cần đời”, có lối sống buông thả… nên việc vận động tránh lây bệnh cho người khác không phải là chuyện dễ thực hiện.
Tác giả Trần Trọng Trung
Nguồn: Báo VN Đồng Tháp
[TT: TBC]