Nỗ lực phòng chống ma tuý tại một huyện nghèo
16/08/2012 Lượt xem: 187 In bài viếtLà một trong 62 huyện nghèo nhất nước, Mường Lát với 33 bản làng của các dân tộc Mông, Thái, Dao, Khơ Mú... hiện chiếm hơn 74% hộ nghèo. Cuộc sống của người dân vùng đất biên ải này cứ chạy theo hành trình khó khăn chồng chất: trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn… nhưng tệ nạn ma tuý cũng một là trong những nguyên nhân dẫn đến tình cảnh đói nghèo của đồng bào các dân tộc của huyện vùng cao này.
Dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong phòng, chống ma tuý nhưng nơi đây vẫn là địa bàn trọng điểm về các hoạt động ma tuý của tỉnh Thanh Hoá. Hiện nay toàn huyện vẫn còn gần 350 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Song trên thực tế, số người nghiện không có hồ sơ có thể cao hơn. Nằm trên địa bàn phức tạp, việc buôn bán, chích hút ma túy ở đây đang là điểm “nóng” của tỉnh.
Những năm về trước trên địa bàn này đã hình thành một số đường dây buôn bán, vận chuyển ma tuý với số lượng lớn và có tổ chức chặt chẽ, có trang bị vũ khí nóng như: súng, lựu đạn, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện vây bắt... Trong đó, có nhiều đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn đã cấu kết với bọn tội phạm bên kia biên giới buôn bán, vận chuyển cái "chết trắng” về gieo rắc lên cuộc sống của đồng bào.
Mường Lát được xác định là địa bàn trọng điểm về ma tuý và chính tệ nạn này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự nghèo đói của đồng bào các dân tộc nơi đây. Với địa hình chủ yếu là rừng núi hiểm trở, lại có đường biên giới giáp nước bạn Lào, do đó tình hình hoạt động của tội phạm ma tuý ở Mường Lát trở nên phức tạp và tinh vi. Sáu tháng đầu năm 2011, lực lượng phòng, chống ma túy của Công an huyện Mường Lát (Thanh Hóa) và các đồn biên phòng đóng trên địa bàn đã bắt giữ 15 vụ, 17 đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, thu nhiều tang vật liên quan đến hành vi phạm tội. Số vụ án buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma tuý chiếm gần 90% các vụ án được đưa ra xét xử. Hầu hết các bị cáo trong các vụ án ma tuý đều là người dân tộc, không biết chữ, không biết tiếng phổ thông.
Theo số liệu của Công an huyện Mường Lát, hiện nay toàn huyện có gần 350 đối tượng nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý. Song trên thực tế, số người nghiện có thể còn cao hơn nhiều lần. Chính vì vậy, các vụ án về tội phạm ma tuý diễn ra trên địa bàn khá nhiều và phức tạp. Để ngăn chặn và giảm dần tội phạm ma tuý trên địa bàn, Công an huyện Mường Lát phối hợp tích cực với Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an ninh biên giới và đấu tranh mạnh mẽ với các loại tội phạm hoạt động buôn bán, vận chuyển ma tuý.
Đồng thời, Công an huyện Mường Lát thường xuyên phối kết hợp với các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua đó nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số không trồng cây thuốc phiện, không vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma tuý và không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào các hoạt động ma tuý. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác vận động quần chúng, tranh thủ sự ủng hộ của những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc trong công tác đảm bảo ANTT.
Trưởng Công an huyện Mường Lát - Đại tá Lê Thành Nghị chia sẻ: thời gian qua với tinh thần thường xuyên bám bản, bám địa bàn, thực hiện “4 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào, tôn trọng lắng nghe ý kiến của đồng bào các dân tộc, thông qua đó nắm chắc tình hình, chủ động giữ vững ANTT ngay từ cơ sở, bản thân mỗi cán bộ, chiến sỹ cũng không ngừng học hỏi, tìm hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ, lối sống của người dân bản địa để có cách ứng xử, giao tiếp đúng mực.
Cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong huyện đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh PCTP và tệ nạn ma tuý, trong đó coi trọng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mỗi khu dân cư, mỗi gia đình và mỗi người dân. Đối với các đối tượng nghiện ma tuý, nhất là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước thì được các cơ quan, đơn vị chủ quản động viên, tạo điều kiện để đi cai nghiện. Nếu không cai, không chịu hoàn lương thì bị buộc thôi việc. Đồng thời, kiên quyết xử lý không khoan nhượng đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm.
Xóa đói giảm nghèo, chống tái trồng cây thuốc phiện, chống tội phạm ma túy trên địa bàn Mường Lát là cuộc chiến cam go và hiểm nguy và sẽ còn lâu dài. Xác định rõ yêu cầu cấp thiết trong cuộc đấu tranh PCMT đầy cam go này, chính quyền huyện Mường Lát nói riêng và tỉnh Thanh Hoá nói chung đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu việt để nâng cao đời sống cho người dân vùng cao. Trong đó, chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh PCMT với phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội, tập trung phát triển trồng trọt và chăn nuôi, xây dựng các làng, bản văn hoá, gia đình văn hoá, các khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn ma tuý.
Nguyễn Phương
Theo phongchongmatuy.com.vn
[TT: TBC]