Xã Thanh Chăn, là một trong những xã có số người nghiện ma túy, số người nhiễm HIV/AIDS cao của tỉnh Ðiện Biên. Tính đến hết năm 2011, số tích lũy người nhiễm HIV/AIDS là 143 người; số người nghiện ma túy được quản lý là 120 người. Là một xã biên giới, địa hình phức tạp có nhiều đường tiểu ngạch thông thương với nước bạn Lào, nên các đối tượng thường lợi dụng địa hình để buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng ma túy. Ngoài ra, trên địa bàn của xã gồm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, đời sống nhân dân còn gặp không ít khó khăn. Trong khi đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên có lối sống buông thả, đua đòi, lười lao động..., được xem là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Năm 2010, tỉnh Ðiện Biên phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư", xã Thanh Chăn đã được Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Ðiện Biên chọn để xây dựng mô hình điểm của phong trào. Thực hiện kế hoạch, Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS của xã đã thành lập "Nhóm nòng cốt" tại tất cả 17 thôn, bản của xã. "Nhóm nòng cốt" ra đời, với mục đích nhằm huy động cao nhất sức mạnh, nguồn lực của các cấp chính quyền, ban, ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng tại địa phương trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong 17 "Nhóm nòng cốt" của xã, "Nhóm nòng cốt" thôn 2 và thôn 18 được chọn làm "Mô hình điểm" với sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí, tài liệu..., từ Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh.
Tại mỗi nhóm này sẽ có 15 thành viên tham gia, gồm có ba thành phần chính là: Trưởng các ban, ngành, đoàn thể của thôn, bản; thành viên gia đình có người nhiễm HIV/AIDS và người tiêm chích ma túy; người nhiễm HIV. Các thành viên trong nhóm được phân công theo dõi, giám sát, hỗ trợ từng nhóm đối tượng, từng khu vực cụ thể trên địa bàn thôn, bản. Hằng tháng, nhóm đều tổ chức giao ban để đánh giá các hoạt động đã triển khai, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, cũng như đề xuất những kiến nghị. Nhiệm vụ của các thành viên trong nhóm, là thường xuyên đến với các hộ gia đình có người nghiện ma túy, có người nhiễm HIV/AIDS, cũng như các gia đình khác nơi mình được phân công phụ trách nhằm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các biện pháp dự phòng HIV. Nhóm còn cấp phát tài liệu, nhắc nhở các đối tượng có nguy cơ cao đi xét nghiệm, uống thuốc định kỳ tại các cơ sở y tế, cũng như động viên, chia sẻ đối với thành viên các gia đình không may có người nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS.
Ông Nông Văn Phịn, một cán bộ về hưu, hiện là thành viên của "Nhóm nòng cốt" thôn 18 chia sẻ: Trước đây, khi nói đến HIV/AIDS ai cũng sợ, rất nhiều người kỳ thị, xa lánh không chỉ với cộng đồng, mà còn cả với những người thân của người bị nhiễm. Nhiều người trong gia đình, không dám ăn chung, hay sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt của gia đình. Nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi, nhất là từ khi "Nhóm nòng cốt" đi vào hoạt động, sự kỳ thị, sự xa lánh của cộng đồng, cũng như người thân trong gia đình không còn nữa. Mọi người đã gần gũi, giúp đỡ và chia sẻ nhiều hơn đối với những người nhiễm HIV/AIDS. Ðiều quan trọng nhất, những người nhiễm HIV/AIDS đã xóa đi được những mặc cảm, những định kiến, họ sống hòa nhập hơn, vui vẻ hơn và sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ của người thân, bà con lối xóm, đồng thời thường xuyên tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS do thôn, bản, xã tổ chức.
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn Nguyễn Văn Vĩnh đánh giá: Kể từ khi được thành lập, "Nhóm nòng cốt" đã có những đóng góp rất lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của xã. Năm 2011, các nhóm đã vận động được 18 trường hợp đi uống thuốc Methadone, 24 trường hợp đi cai nghiện, điều trị tại các trung tâm 05, 06 của tỉnh. Ðiều quan trọng nhất "Nhóm nòng cốt" đã làm thay đổi lớn về nhận thức, không chỉ với nhóm đối tượng có nguy cơ cao, mà cả với cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ðiều đó được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, qua những nghĩa cử cao đẹp về sự yêu thương, đùm bọc của cả cộng đồng. Giờ đây, khi trong thôn, bản có người chết do AIDS, các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn đều tự nguyện đóng 20 nghìn đồng, hai kg gạo cho gia đình người xấu số. Sự giúp đỡ đó đã được đưa vào quy ước, hương ước tại tất cả các thôn, bản. Ðã có nhiều người nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, trở thành thành viên tích cực của nhóm, bởi chính họ mới là người dễ tiếp cận, dễ chia sẻ nhất đối với những người bạn của mình. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ có những chính sách cụ thể, nhằm từng bước nâng cao đời sống của người dân, nhất là việc định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lực lượng lao động trẻ của xã. Đây là một trong những yếu tố góp phần làm giảm tỷ lệ người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS ở Thanh Chăn.
Theo báo Nhân dân
[TT: TBC]