Tổ Chuyên gia của UBQG: Để cai nghiện hiệu quả hơn
17/08/2012 Lượt xem: 207 In bài viếtTrước nhiều lựa chọn cho công tác cai nghiện ma túy hiện nay, những vấn đề trong công tác cai nghiện ma túy cần được nhìn nhận và đánh giá một cách khoa học và thực tiễn. Đó là ý kiến được Tổ chuyên gia của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Tổ chuyên gia) nêu lên tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012 tại Hải Phòng đầu tháng 3/2012.
Tại nước ta hiện nay, bên cạnh một số biện pháp điều trị nghiện mới, việc cai cho người nghiện ma túy chủ yếu áp dụng theo 2 hình thức là: cai nghiện tập trung và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Một buổi tham gia lao động trị liệu của các học viên cai ngiện ma túy. (Nguồn internet)
Theo các chuyên gia đánh giá, trước đây khi chưa có nhiều lựa chọn trong việc cai nghiện ma túy thì mô hình cai nghiện tập trung là cần thiết, có nhiều đóng góp trong việc cai nghiện, góp phần giảm sức ép đối với trật tự xã hội, giảm số tội phạm, giảm căng thẳng, mệt mỏi cho nhiều gia đình.
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động cho 1 trung tâm cai nghiện tập trung tương đối lớn. Để một trung tâm hoạt động có hiệu quả, tối thiểu phải đầu tư quỹ đất khoảng vài chục ha, tuyển dụng và đào tạo hàng trăm cán bộ nhân viên, chưa kể đến kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu có thể đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi chỉ điều trị được cho trên dưới 1.000 người nghiện ma túy.
Với hình thức cai nghiện tại cộng đồng, theo quy định, tại địa phương 1 cơ sở điều trị cắt cơn cai nghiện tại cộng đồng cần phải có 3 phòng chức năng: phòng khám cấp cứu, phòng lưu bệnh nhân, phòng thường trực của cán bộ y tế và phải có tối thiểu 4 cán bộ điều trị gồm 1 y sỹ, 1 bác sỹ, 1 điều dưỡng viên… Quy định này đối với một số tỉnh có kinh tế khó khăn rất khó thực hiện. Ngoài ra, với mô hình cai nghiện này, sau khi tiến hành cắt cơn cho người nghiện, cần phải có sự giám sát và quản lý chặt chẽ từ phía gia đình và chính quyền mới đem lại hiệu quả.
Tỷ lệ tái nghiện cao
Qua khảo sát thực tế tại một số địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy trên toàn quốc, các chuyên gia nhận định, công tác cai nghiện tập trung tại các trung tâm, cũng như công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng mặc dù đã được các ban, ngành, địa phương tích cực triển khai trong nhiều năm, nhưng tỷ lệ tái nghiện vẫn còn tương đối cao.
Hỗ trợ điều trị cắt cơn. (Nguồn internet)
Nhiều học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tại các trung tâm, trở về tái hòa nhập cộng đồng, lập tức tìm ngay đến các tụ điểm ma túy để hút, chích. Cá biệt có trường hợp gia đình học viên còn chuyển cả ma túy vào… trung tâm.
Như trường hợp gia đình ông T.X.T tại Hải Phòng, có con nghiện ma túy hơn 10 năm, nhiều lần đưa con vào trung tâm, thậm chí còn đưa sang Trung Quốc cai nghiện 2 năm nhưng vẫn tái nghiện, hiện ông lại tiếp tục đưa con vào trung tâm cai nghiện của thành phố. Hay trường hợp anh N.V.T tại TP. Hồ Chí Minh, quyết tự cai bằng cách nhờ em gái xích mình vào chân giường, khóa cửa, nhốt trong nhà. Vậy mà từ sáng đến trưa, cô em gái về nhà đã thấy anh trai phá khóa xích, bẻ chấn song sắt ở cửa sổ rồi tụt ống máng từ tầng 4 xuống đường đi tìm “thuốc”.
Theo đánh giá, hiện nay tỷ lệ tái nghiện tại các địa phương vào khoảng từ 80 – 90%, đây là tỷ lệ mà căn cứ vào số lượt người quay trở lại trung tâm cai nghiện, còn thực tế số đang ở ngoài xã hội còn chưa đánh giá hết. Nguyên nhân một phần do hiện nay chưa có phương pháp nào giúp cai nghiện ma túy dứt điểm mà mới chỉ hỗ trợ cắt cơn.
Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cũng gặp rất nhiều vấn đề khó khăn. Những người tham gia cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chủ yếu là được hỗ trợ cắt cơn. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân lại tiếp tục sống trong môi trường cũ, gần các tụ điểm về tệ nạn ma túy, dễ bị rủ rê, lôi kéo trở lại con đường nghiện ngập. Điều này khiến cho gia đình và Chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, hỗ trợ.
Cần điều chỉnh phù hợp
Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ tái nghiện cao như hiện nay một phần là do quan điểm của xã hội chưa có sự thống nhất, những vấn đề mới chưa được cập nhật đầy đủ. Một số địa phương chưa bám sát được tình hình thực tế nên công tác cai nghiện chuyển biến chậm. Phác đồ điều trị hỗ trợ cắt cơn đã được áp dụng từ hơn 10 năm vẫn chưa được đánh giá, điều chỉnh lại…
Ngoài ra, tại nhiều địa phương thời gian cai nghiện khá ngắn khiến cho quy trình cai nghiện không được thực hiện đầy đủ; một số trung tâm thiếu cán bộ y tế, cán bộ có kiến thức, kỹ năng cai nghiện phục hồi; học viên sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng không tìm được công ăn việc làm phù hợp… những vấn đề này đã phần nào tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cai nghiện và là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu, khảo sát, chuyển đổi mô hình hoạt động của các trung tâm cai nghiện theo hướng tự nguyện, thân thiện trên tinh thần “coi người nghiện là người bệnh”. Ngoài ra, cần xem xét chương trình dạy nghề cho phù hợp yêu cầu thực tế, để khi hoàn thành thời gian cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng, các học viên có thể sống được bằng nghề đã được học tại trung tâm. Đối với những phác đồ hoặc phương pháp điều trị đã triển khai thực hiện nhiều năm mà vẫn không đem lại hiệu quả, cần được xem xét để có biện pháp mới hiệu quả hơn trong công tác cai nghiện, phục hồi.
Phan Hoàng
Theo ubqg-hiv-mt-md.chinhphu.vn
[TT: TBC]