Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma tuy tại khu vực biên giới

16/08/2012 Lượt xem: 221 In bài viết

Trong thời gian qua, do tác động mạnh mẽ bởi tình hình ma tuý trên thế giới và khu vực; đặc biệt nước ta nằm gần khu vực "Tam giác vàng" - trung tâm sản xuất ma tuý lớn của khu vực và trên thế giới, bọn tội phạm ma túy (TPMT) lợi dụng địa bàn Lào, CamPuChia để vận chuyển ma tuý vào Việt Nam và đi nước thứ 3. Nhân dân các dân tộc hai bên biên giới có mối quan hệ dân tộc, thân tộc và th­ường xuyên qua lại biên giới thăm thân, trao đổi hàng hoá; điều kiện cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới còn thấp kém, giao l­ưu hàng hoá chưa phát triển, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề còn lúng túng; công tác giáo dục tuyên truyền vận động nhân dân và chất l­ượng hệ thống chính trị cơ sở ở một số địa bàn thuộc tuyến biên giới bộ còn có những hạn chế nhất định...

Đó là những điều kiện để TPMT lợi dụng hoạt động. Ở một số nơi, có lúc TPMT đã lôi kéo quần chúng, kể cả cán bộ chính quyền địa phương tham gia các đường dây ma túy hoặc tiếp tay cho hoạt động của chúng. Do vậy, tình hình ma tuý diễn biến phức tạp trên cả 3 lĩnh vực: mua bán, vận chuyển qua biên giới; trồng và tái trồng cây có chứa chất ma tuý và sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó đặc biệt hoạt động mua bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới gia tăng, tính chất manh động, có lúc nghiêm trọng. Khoảng 90% ma túy tiêu thụ ở nội địa là từ bên ngoài vận chuyển vào Việt Nam.

TPMT hình thành nhiều đường dây xuyên quốc gia, mua bán, vận chuyển với số lượng lớn, hoạt động manh động. Trên tuyến biên giới Việt - Lào, ở phía ngoại biên, phát hiện nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy về tập kết tại hơn 60 tụ điểm sát biên giới, sau đó móc nối với các đối tượng người Việt, hình thành nhiều đường dây ma túy vận chuyển vào Việt Nam. Hiện có 128/183 xã biên giới của ta có hoạt động của TPMT. Hầu hết các đường dây ma túy đều trang bị vũ khí nóng, chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Có trường hợp, khi BĐBP bắt giữ đối tượng vận chuyển ma túy, người nhà và đồng bọn đã kéo đến đồn biên phòng gây áp lực, làm mất ổn định tình hình địa bàn. Trên các tuyến khác, tuy không phức tạp như tuyến Việt - Lào song quy mô hoạt động và tính chất manh động cũng đáng báo động.

Trước tình hình trên, Bộ tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng. Lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, phối hợp có hiệu quả với lực lượng Trinh sát, Kiểm soát hành chính và Tuần tra vũ trang. Đồng thời, Cục Phòng, chống ma túy đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành điều tra cơ bản lĩnh vực xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; tăng cường số lượng, chất lượng mạng lưới mật, trong đó đột phá vào việc tuyển chọn, sử dụng mạng lưới mật ngoại biên.

Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác phối hợp với Công an Lào, CamPuChia nên đã chủ động nắm được tình hình một cách toàn diện, từ xa, từ ngoài biên giới. Nhiều đường dây ma tuý xuyên quốc gia có qui mô lớn đã bị triệt phá ngay từ “sào huyệt” của chúng. Số vụ bị bắt giữ trên biên giới tăng 25 - 30%. Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, các đơn vị BĐBP đã bắt giữ, xử lý 1.156 vụ với 1.360 đối tượng (tăng 43 vụ/67 đối tượng). Thu 131 bánh, 28,52kg, 3.123 liều, gói heroin; 197.617 viên, 21,6kg ma tuý tổng hợp các loại; 10,4kg thuốc phiện; 5 tấn cần sa tươi, 234kg cần sa khô; 300 viên tân dược gây nghiện; 1.000 gói thuốc dân tộc cứu nhân vật; 1kg, 8.780 viên thuốc APC; 38 ô tô; 212 xe máy; 176 ĐTDĐ; 49 súng các loại…Phá nhổ 19,4ha cây thuốc phiện, 2,3ha cây cần sa. Nhiều đơn vị đã được Chính phủ, Bộ Quốc phòng khen thưởng.

Những kết quả trên không chỉ là những con số, nó còn có ý nghĩa hết sức thiết thực. Đó là: Góp phần cùng các lực lượng chức năng và các Bộ, ban, ngành, các đoàn thể của hệ thống chính trị, ngăn chặn làm giảm thiểu cơn lốc ma tuý thẩm lậu vào nước ta. Điều đáng nói là mặc dù phải đối mặt thường xuyên với những hiểm nguy và cám dỗ, những mối đe doạ, khống chế, khủng bố của TPMT nhưng lực lượng PCTP ma tuý BĐBP đã vượt lên chính mình, đảm bảo trong sạch nội bộ.

Nhiều trinh sát nội tuyến, hàng chục lần hoá thân vào các tổ chức tội phạm, có những giây phút bị đối tượng gí súng vào đầu hoặc bắt hút, hít, tiêm chích heroin... nhưng vẫn bình tĩnh, dũng cảm và không hề nao núng. Một số đồng chí đã dũng cảm hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc. Những chiến công đó đã góp phần giữ vững An ninh chính trị, Trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững sự bình yên và cuộc sống lành mạnh cho quần chúng nhân dân các dân tộc ở biên giới, xây dựng được lòng tin cho Đảng và Nhà nước, góp phần làm rạng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Trong thời gian tới, hoạt động của TPMT trên biên giới còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và sẽ diễn biến phức tạp; quy mô, mức độ và tính chất nguy hiểm của TPMT tiếp tục gia tăng, phạm vi hoạt động ngày càng rộng kéo theo sự liên kết nội địa - biên giới với nước ngoài. Xu hướng hoạt động theo toán, nhóm có vũ trang, khống chế, lôi kéo quần chúng lạc hậu ở khu vực biên giới tham gia vào hoạt động phạm tội sẽ vẫn diễn ra, có thể sẽ phổ biến ở một số địa bàn, tuyến trọng điểm. Để phòng ngừa và từng bước ngăn chặn hoạt động ủa TPMT trên các tuyến biên giới, cần chỉ đạo làm tốt các nội dung cơ bản sau:

Một là: Tiếp tục đổi mới các hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân khu vực BG với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với trình độ, nhận thức và phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng miền để quần chúng tích cực tham gia PCMT; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt ở những xã, bản phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma tuý, từng bước tạo "phòng tuyến" vững chắc trong PCMT ở khu vực biên giới.

Hai là: Sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng, trong đó lấy biện pháp phòng, chống TPMT làm nòng, cốt. Đổi mới các biện pháp công tác nghiệp vụ, bên cạnh công tác cơ bản cần mạnh dạn triển khai các biện pháp đột phá như: trinh sát xã hội hoá, chức nghiệp hoá, tăng cường công tác trinh sát ngoại biên... để nắm tình hình phục vụ cho việc tấn công TPMT từ xa, từ ngoài biên giới.

Ba là: Tăng cường khả năng tác chiến vũ trang cho lực lượng PCTP ma túy để đối phó có hiệu quả tình trạng toán nhóm ma túy có vũ trang trên các tuyến biên giới. Với các tỉnh trọng điểm, cần huấn luyện kỹ, chiến thuật và trang bị cho các đội đặc nhiệm đủ sức hoạt động cơ động trong trấn áp tội phạm, đặc biệt các toán, nhóm có vũ trang.

Bốn là: Tăng cường phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng chức năng trong nước để phát huy sức mạnh chung. Tiếp tục và tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng của Lào, CamPuChia và Trung Quốc để truy quét TPMT ở hai bên biên giới, đặc biệt phải phát huy mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với bạn Lào để phối hợp triển khai các hoạt động nghiệp vụ ở ngoại biên nhằm ngăn chặn ma túy từ khu vực "Tam giác vàng" qua Lào vào Việt Nam, ngăn chặn hoạt động của các toán nhóm ma túy có vũ trang trên biên giới.

Năm là: Đảm bảo đoàn kết nội bộ tốt, chấp hành nghiêm kỷ luật, kiên quyết giữ trong sạch nội bộ. Với cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng PCTP ma túy phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với tổ chức, kiên quyết tấn công TPMT, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, “thắng không kiêu, bại không nản”, mưu trí dũng cảm trong chiến đấu; kiên trì, bền bỉ trong công tác, luôn luôn thể hiện tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn, nòng cốt của BĐBP trong đấu tranh phòng, chống TPMT.

 

Trần Văn Phương

(Đại tá, Trưởng phòng TM-TH, Cục PCTP ma tuý Bộ đội Biên phòng)

Theo phongchongmatuy.com.vn

[TT: TBC]