Xóa cây trồng có chứa chất ma túy ở Lạng Sơn
16/08/2012 Lượt xem: 237 In bài viếtTrong năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện một mô hình chuyển đổi thay thế cây có chứa chất ma tuý tại xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan với 130 hộ tham gia bằng nguồn vốn của Cục Kinh tế, Bộ NN và PTNT và Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN và PTNT tỉnh Lạng Sơn.
Để thực hiện mô hình này, trong Sở NN và PTNT đã phối hợp cùng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần phòng, chống tội phạm ma tuý. Công tác tuyên truyền được tiến hành bằng nhiều hình thức như: tổ chức xuống đường tuyên truyền, phát tờ rơi, băng rôn khẩu hiệu, pa nô áp phích, băng hình… ở các địa bàn trọng điểm để cán bộ và nhân dân nhận biết về cây thuốc phiện, cây cần sa và tác hại của các loại cây đó. Qua đó nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân đã từng bước nâng cao và động viên được sự vào cuộc của cộng đồng tham gia đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma tuý nói chung cũng như phòng, chống trồng và tái trồng cây có chất ma túy.
Công tác chống trồng, tái trồng loại cây này còn được lồng ghép tuyên truyền với các chương trình giảm nghèo, đề án đào tạo cán bộ xã, cộng đồng, chương trình nước sạch nông thôn, hỗ trợ vật tư sản xuất… nhằm giúp đồng bào có nhận thức sâu sắc về tác hại của của ma tuý ngày và các tệ nạn xã hội. Trong quá trình thực hiện mô hình, việc kiểm tra giám sát địa bàn được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên trong năm qua vẫn còn một số hộ lén lút trồng cây thuốc phiện với diện tích nhỏ lẻ ở tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, đời sống còn khó khăn, dân trí thấp thuộc các huyện: Bình Gia, Văn Quan, Tràng Định.
Tính đến hết tháng 6/2011, đã có 6/11 huyện, thành phố phát hiện 16 hộ vi phạm tái trồng cây có chứa chất ma tuý với diện tích 136,96 m2, trong đó cây thuốc phiện là 119,46 m2, cây cần sa là 17,5 m2. Địa bàn tái trồng trước đây là các địa bàn vùng sâu, vùng xa nhưng hiện nay đã có ở cả ngay trong thành phố, thị trấn với nhiều thủ đoạn tinh vi nên việc quản lý và ngăn chặn hết sức khó khăn.
Thực trạng này xuất phát từ nhận thức của đồng bào còn thấp nên việc vận động xoá bỏ cây thuốc phiện, thay thế cây trồng khác cũng gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất xuống cấp trong khi thời tiết khắc nghiệt gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt phục vụ đời sống của người dân. Thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn bếp bênh. Công tác tuyên truyền vận động chưa nhiều nơi chưa đến được với người dân ở vùng sâu, vùng xa hẻo lánh ít có điều kiện tiếp cận với thông tin đại chúng nên chưa trở thành phong trào, chưa thu hút được sự tham gia của đông đủ các cấp, các ngành. Nhiều nơi còn coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành Công an, NN và PTNT. Việc phát hiện và phá nhổ chủ yếu vẫn do chính quyền cấp xã, bản thực hiện. Công tác đấu tranh chưa thật sự kiên quyết. Thực tế nơi nào lơi lỏng kiểm tra, quản lý thì ở đó có tái trồng cây có chứa chất ma tuý.
Từ thực tế trên trong những năm tiếp theo, tỉnh Lạng Sơn đã rút ra kinh nghiệm trong chú trọng vào tăng cường đẩy mạnh các mặt công tác trong đó tập trung vào các mặt:
- Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong địa bàn thực hiện đề án nhằm thực hiện mục tiêu của chương trình dự án với việc xoá bỏ cây chứa chất ma tuý.
- Nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyển, giáo dục phòng, chống ma tuý; tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp với từng loại đối tượng, địa bàn
- Xử phạt nghiêm minh đối với những hộ cố tình tái trồng và vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý. Tổ chức bình bầu khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân, hộ gia đình thực hiện tốt chuyển đổi cây trồng thay thế cây có chứa chất ma tuý.
- Huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực phát hiện, tố giác và đấu tranh phòng, chống ma tuý.
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền, giáo dục, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống ma tuý tại cộng đồng dân cư; vận động nhân dân đăng ký cam kết không trồng cây có chứa chất ma tuý; đẩy mạnh phong trào “Xây dựng xã, phường, thị trấn, khu dân cư không có tệ nạn ma tuý” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” nhằm xây dựng thế trận phòng, chống ma tuý từ cơ sở.
Xuân Long
Theo phongchongmatuy.com
[TT: TBC]