Phú Yên: Phát huy vai trò truyền thông trong phòng, chống buôn bán người

17/08/2012 Lượt xem: 204 In bài viết

Theo Ban chỉ đạo Liên ngành Phòng, chống buôn bán người Việt Nam, tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em (BBPN, TE) ở Việt Nam đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đáng nói là phần lớn vụ việc liên quan đến tội phạm BBPN, TE chỉ được phát hiện sau khi nạn nhân trốn thoát hoặc đã được giải cứu. Trong khi đó, số nạn nhân may mắn này rất ít so với thực tế. Nạn nhân chủ yếu là những phụ nữ, trẻ em ở các gia đình nghèo, nhận thức còn hạn chế, thiếu vốn, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, có hoàn cảnh khó khăn. Họ rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lường gạt…

Với phương châm “Phòng ngừa là cơ bản, hướng về cơ sở, phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở phường, xã, thôn”, các cấp hội Phụ nữ ở Phú Yên đã phối hợp với các cơ quan ban, ngành đẩy mạnh truyền thông, giáo dục phòng, chống buôn bán người tại cộng đồng.

Thực hiện đề án “Tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng về phòng chống tội phạm BBPN, TE” trong năm 2010, các cấp hội Phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức truyền thông trực tiếp cho 34.056 cán bộ, hội viên, phụ nữ kiến thức về phòng chống tội phạm BBPN, TE; đề cao cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của tội phạm buôn bán người, nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội. Đồng thời, phổ biến các chính sách, luật pháp liên quan đến quyền của phụ nữ và trẻ em cho hàng chục ngàn phụ nữ.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2011, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức truyền thông nhóm tại cộng đồng về nội dung phòng chống tội phạm buôn bán người cho trên 750 cán bộ, hội viên, phụ nữ ở 15 xã, thị trấn ở các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Đồng Xuân, Tuy An, Sông Hinh và thị xã Sông Cầu; cấp phát trên 1.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống tội phạm cho phụ nữ ở những địa phương này. Đợt truyền thông chủ yếu tập trung vào các nội dung như: vai trò của gia đình trong công tác phòng chống BBPN, TE; những biện pháp phòng ngừa, cách nhận biết thủ đoạn tinh vi của bọn buôn bán người...

Đồng thời, vận động người dân và cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm BBPN, TE; giúp đỡ phụ nữ, trẻ em gái ở những địa bàn có nguy cơ cao bị buôn bán nâng cao tinh thần cảnh giác để không trở thành nạn nhân “sa bẫy” bọn buôn người.

Tuy nhiên, có một thực tế là mặc dù đã được tuyên truyền rất nhiều, nhưng vẫn còn không ít phụ nữ, nhất là phụ nữ khu vực nông thôn, miền núi chưa thực sự quan tâm đến vấn nạn này. Chính vì điều này mà các cấp hội luôn dành nhiều thời gian tuyên truyền cho phụ nữ ở những địa bàn có nguy cơ để họ biết cách tự bảo vệ mình, con em và gia đình.

Chị Nguyễn Thị Chức ở xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu) thổ lộ: “Phụ nữ vùng biển quanh năm lo làm ăn, ít để ý đến chuyện này. Bây giờ nghe cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh tuyên truyền về phòng chống tội phạm BBPN, TE mà tôi “giật mình” tỉnh ra. Nếu bản thân người vợ, người mẹ trong gia đình không nâng cao cảnh giác về loại tội phạm nguy hiểm này thì hậu quả thật khôn lường. Những buổi truyền thông thực sự bổ ích, vì từ những hiểu biết thực tế cuộc sống phức tạp như vậy, chúng tôi sẽ bảo vệ con gái mình sống an toàn hơn, tốt hơn”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Nga chia sẻ: “Để ngăn ngừa tình trạng BBPN, TE một cách có hiệu quả thì truyền thông xã hội phải lấy cha mẹ làm đối tượng chính để tuyên truyền vận động. Họ chính là những người có vai trò quan trọng tác động, định hướng vào đời cho con cái và đưa ra những lựa chọn an toàn để bảo vệ con mình trước nạn buôn bán người. Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành chức năng trong công tác phòng, chống BBPN, TE như tuyên truyền để mọi người nâng cao cảnh giác, phát hiện đối tượng; gắn kết với các chương trình kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền. Để làm được điều này đòi hỏi sự chung tay, góp sức của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội”.

Theo Báo Phú Yên

[TT: TBC]