Vai trò cựu chiến binh trong cai nghiện ma tuý
16/08/2012 Lượt xem: 209 In bài viếtTrước đây, nói tới bản Hữu Văn (xã Châu Kim, huyện Quế Phong), ai cũng giật mình khiếp sợ vì bản có 136 hộ/630 nhân khẩu nhưng lại “sở hữu” những gia đình có đến 3 - 5 người phạm tội đi tù, trong bản lúc nào cũng thường trực từ 5 - 7 con nghiện Nguyên do địa bàn có nhiều hang sâu, vực thẳm, núi rừng hiểm trở, có nhiều đường tiểu ngạch qua lại biên giới Việt - Lào. Nơi đây trong thời gian dài là địa bàn trung chuyển buôn bán, là tụ điểm tiêm, chích, hút, hít ma túy. Chính quyền có những lúc bất lực, người dân thì luôn trong tâm trạng bất an bởi tình trạng mất ANTT. Người dân im lặng trước sự hoành hành của bọn xấu vì sợ bị trả thù, làng xóm vắng vẻ, hiu quạnh, bà con không ai còn bụng dạ nào chăn nuôi, trồng trọt vì sợ bọn nghiện lấy mất.
Trước thực trạng đó, đề án mô hình phòng chống ma túy của Hội cựu chiến binh (CCB) huyện Quế Phong ra đời đã lấy chi Hội CCB bản Hữu Văn làm "điểm" bởi đây là lực lượng kiên trung, có uy tín trong cộng đồng dân cư, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi đó hội viên CCB và dân bản vô cùng phấn khởi, nhưng cũng xác định đây là việc làm vô cùng khó khăn, đòi hỏi các cấp các ngành phải cùng "xắn tay" vào cuộc, bởi có huy động được sức mạnh tổng hợp thì mới đẩy lùi được tệ nạn ma túy khỏi đời sống dân bản.
Để thực hiện tốt đề án, chi Hội CCB đã tiến hành phối hợp với chi bộ, ban quản lý, các ngành, đoàn thể bản triển khai họp dân về chủ trương PCMT; Tuyên truyền cho mọi người dân hiểu về tác hại của ma túy, tổ chức cho từng gia đình ký cam kết nói "không" với ma túy; Phát động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự, phát hiện tố giác tội phạm...
Từ năm 2007 đến nay, dân bản đã cung cấp nhiều thông tin cho lực lượng chức năng điều tra, xử lý 5 vụ /9 đối tượng về tội phạm ma túy. Đáng chú ý là bản còn 4 con nghiện (3 con nghiện đã đi tù). Chi Hội CCB xác định các con nghiện cũng là nhân tố phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và nguy cơ lây truyền cho các đối tượng khác nên đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, họ hàng, gia đình để cai nghiện cho các đối tượng.
Ban đầu chi hội cử người có uy tín đến động viên, tuyên truyền đối tượng và gia đình đồng ý cai nghiện, khi đã đồng ý thì tiến hành vận động bà con trong bản ủng hộ mỗi gia đình một ít gạo, tiền để giúp đỡ người nghiện trong thời gian cai. Bản thân đối tượng, vợ con, gia đình đều viết cam kết quyết tâm cai bằng được.
Bắt đầu cai, những người thân trong gia đình đều được phổ biến, nắm được cách thực hiện, mỗi người cai trung bình từ 7 - 10 ngày. Thuốc ngủ, thuốc xoa bóp giao cho y tá bản chịu trách nhiệm quản lý. Hàng ngày 2 lần (buổi sáng vào lúc 9 giờ, buổi chiều vào lúc từ 4 giờ - 5 giờ) dùng lá có tinh dầu để xông cho đối tượng. Tiếp đó, dùng nước xông tắm rửa cho đối tượng, sau đó, động viên ăn uống, vợ con xoa bóp, y tá bấm huyệt…
Ba ngày đầu thì thật là vất vả đối với cả người cai và người theo dõi, sau đó thì quen nên cũng đỡ. Qua theo dõi thấy người nghiện không thèm thuốc nữa. Qua 10 ngày thì giao lại cho vợ con, gia đình theo dõi trông canh, đối tượng đi đâu cũng có người nhà giám sát trong thời gian từ 3 - 5 tháng. Đặc biệt, là chú ý cách ly với các con nghiện khác và bạn bè xấu trước đây.
Cứ như vậy đến nay, tại bản Hữu Văn đã tổ chức cai nghiện thành công cho 4 người. Đặc biệt, trong đó có anh Lô Văn Chung sau 1 năm cai nghiện được bà con tín nhiệm cử làm công an viên. Sau đó, anh được bồi dưỡng, tạo nguồn, kết nạp vào Đảng, rồi tiếp tục được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng bản.
Đến nay, nhờ đoạn tuyện với ma tuý, chí thú làm ăn gia đình đã có của ăn của để, có nhà cửa khang trang, trong nhà luôn có từ 5 - 6 con trâu bò sinh sản. Anh được mọi người dân trong bản ngợi khen là có ý chí.
Như vậy tại bản Hữu Văn nhờ mô hình “điểm” của các CCB đã có 4 người cai nghiện thành công trở lại với cuộc sống cộng đồng, hơn nữa họ còn không ngừng phấn đấu, trở thành những người có uy tín, có ích cho xã hội.
Theo congannghean.vn
[TT: TBC]