Mở rộng mô hình điều trị bằng Methadone
16/08/2012 Lượt xem: 214 In bài viếtĐược chính thức đưa vào áp dụng thí điểm tại Việt Nam từ năm 2008 đến nay chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được mở tại 9 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiệu quả bước đầu của việc điều trị này đang được đánh giá cao và nhân rộng ra các tỉnh, thành phố.
Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (điều trị Methadone) là một trong những biện pháp điều trị cai nghiện ma túy góp phần làm giảm bớt những ảnh hưởng của tệ nạn này đến đời sống kinh tế, xã hội. Phương pháp điều trị này đã được trên 70 nước trên thế giới triển khai thực hiện với khoảng 780.000 bệnh nhân đang được điều trị. Ở Việt Nam, chương trình được triển khai thí điểm từ năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng, sau đó là Hà Nội. Hiện nay đã có 9 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai 30 điểm với 4.904 bệnh nhân đang được điều trị. Trong quá trình triển khai chương trình điều trị Methadone đã nhận được sự ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân.
Qua triển khai, chương trình đã mang lại nhiều lợi ích cho bản thân bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và xã hội. Đa số các bệnh nhân sau khi tham gia điều trị Methadone đã có thay đổi về thể chất, mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội được cải thiện. Đa số bệnh nhân trước khi điều trị đều lười lao động, không có công việc, thu nhập không ổn định. Nhưng sau khi tham gia chương trình, bệnh nhân đã mong muốn có việc làm ổn định, tìm kiếm việc làm và tham gia hỗ trợ gia đình trong công việc hàng ngày. Bên cạnh đó các bệnh nhân đều có xu hướng giảm các hành vi vi phạm pháp luật, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị giảm do không còn tiêm chích ma tuý. Việc điều trị Methadone kết hợp với tư vấn, hỗ trợ tâm lý xã hội và các biện pháp giáo dục, quản lý, hỗ trợ hướng nghiệp tạo việc làm ổn định lâu dài có thể giúp bệnh nhân từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng các chất dạng thuốc phiện.
Mặc dù chương trình điều trị Methadone tại Việt Nam bước đầu thu được những kết quả khả quan nhưng là một chương trình mới nên còn gặp nhiều khó khăn, như: trình độ chuyên môn của cán bộ còn hạn chế; chế độ, chính sách cho nhóm cán bộ này chưa phù hợp; nhu cầu điều trị lớn nhưng khả năng đáp ứng thấp; chưa chủ động về thuốc cho bệnh nhân; thiếu kinh phí duy trì, ổn định chương trình... Trước tình hình đó, Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng Đề án “Sản xuất và sử dụng thuốc Methadone”. Căn cứ trên những kết quả đã đạt được của Đề án thí điểm, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương mở rộng Chương trình điều trị Methadone ra các tỉnh/thành phố trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS. Dự kiến đến năm 2015 chương trình sẽ được triển khai trên 30 tỉnh/thành phố trên cả nước, phấn đấu đạt mục tiêu điều trị cho khoảng 80.000 người nghiện chích ma túy. Lộ trình mở rộng cụ thể như sau:
- Giai đoạn I (2010-2012): triển khai thêm tại 11 tỉnh/thành phố, gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Điện Biên, Nam Định, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, An Giang và Cần Thơ. Kinh phí cho giai đoạn này là 250.399.000.000 đồng;
- Giai đoạn II (2013-2015): Triển khai thêm tại ít nhất 17 tỉnh/thành phố, dự kiến gồm: Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kan, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Giang, Hoà Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Bình, Ninh Bình, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Kinh phí cho giai đoạn này là 1.024.839.000.000 đồng;
Để triển khai mở rộng chương trình điều trị Methadone, các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện các công việc sau: Bộ Y tế: Thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo triển khai đề án; Chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, cấp phát thuốc Methadone; Làm đầu mối tiến hành nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện đề án; Lựa chọn doanh nghiệp sản xuất thuốc Methadone tại Việt Nam; Cấp phép nhập khẩu nguyên liệu, thuốc thành phẩm Methadone; Hướng dẫn việc sản xuất, bảo quản, phân phối, cấp phat thuốc; Chịu trách nhiêm đầu mối trong việc kiểm tra định kỳ các cở sở sản xuất thuốc; Hỗ trợ các đơn vị sản xuất nghiên cứu, đăng ký lưu hành và sản xuất thuốc; Phối hợp với các đơn vị triển khai đề án, hỗ trợ các cơ sở điều trị. Kiểm tra giám sát hoạt động điều trị Methadone; Chỉ đạo các trường thuộc khối ngành Y đào tạo về chẩn đoán và điều trị Methadone; xây dựng kế hoạch ngân sách cho đề án trình Chính phủ phê duyệt; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch ngân sách trình Chính phủ phê duyệt. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, quản lý, sử dụng kinh phí. Chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính tiến hành thẩm định, phê duyệt giá thuốc Methadone sản xuất trong nước.
UBND tỉnh, thành phố: chịu trách nhiệm phê duyệt Kế hoạch của địa phương; Chỉ đạo UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Bố trí cơ sở vật chất, kinh phí, nguồn nhân lực cho Đề án.
Sở Y tế tỉnh, thành phố: có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trình UBND. Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện công tác chuẩn bị cho việc triển khai Đề án. Tổ chức các hội nghị vận động chính sách tuyến tỉnh, huyện và tuyến xã. Chỉ đạo việc tổ chức hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone theo đúng quy định chuyên môn của Bộ Y tế. Chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch thuốc Methadone tại địa phương, thông báo cho Bộ Y tế và Công ty dược phẩm chịu trách nhiệm cung cấp thuốc. Chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở để hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở điều trị Methadone. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc triển khai điều trị
Methadone tại địa phương.
Trách nhiệm của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh/thành phố: là đơn vị thường trực, làm đầu mối để triển khai các hoạt động của Chương trình. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn và đánh giá hiệu quả của Chương trình. Tham gia huy động, quản lý và điều phối các nguồn kinh phí cho Chương trình. Làm đầu mối tổng hợp và báo cáo kết quả hoạt động của Chương trình.
Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã: có trách nhiệm hỗ trợ người tham gia chương trình tuân thủ điều trị. Tham gia xét chọn người nghiện chích ma tuý tại huyện tham gia Chương trình điều trị Methadone. Chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị có liên quan hỗ trợ người bệnh trong việc tạo việc làm và tái hòa nhập cộng đồng. Có trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở điều trị Methadone.
Minh Đức
Theo phongchongmatuy.com.vn
[TT: TBC]