Một số đặc điểm cơ bản của tội phạm ma túy sử dụng vũ khí nóng và giải pháp phòng ngừa
16/08/2012 Lượt xem: 838 In bài viếtTrong những năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm về ma tuý, các lực lượng đấu tranh chống tội phạm về ma tuý (Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển) đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp. Nhờ đó, tỷ lệ phát hiện, bắt giữ tội phạm ma tuý được tăng lên; đã xoá bỏ hàng ngàn tụ điểm ma túy phức tạp trong nội địa; phát hiện và triệt phá nhiều tổ chức, đường dây tội phạm ma túy lớn, xuyên quốc gia, liên quan đến quốc tế.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm sử dụng vũ khí nóng chống lại các lực lượng đấu tranh chống tội phạm về ma tuý (gọi tắt là lực lượng chức năng) lại diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho các lực lượng. Năm 2010 là năm tội phạm sử dụng vũ khí nóng chống lại các lực lượng chức năng diễn ra quyết liệt nhất, gây thiệt hại lớn nhất về người và tài sản cho các lực lượng (làm 6 đồng chí cán bộ, chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng bị hy sinh và nhiều đồng chí bị thương).
Qua nghiên cứu, phân tích các vụ tội phạm sử dụng vũ khí nóng chống lại lực lượng chức năng trong những năm qua cho thấy bản chất, hành vi sử dụng vũ khí nóng của các đối tượng không diễn ra độc lập mà luôn gắn chặt với hành vi phạm tội; trong đó mục đích chính của hành vi này là nhằm làm tê liệt, giảm sức chiến đấu của các lực lượng chức năng, từ đó có thể ngăn chặn, cản trở hoạt động nghiệp vụ của các lực lượng. Đây là đặc điểm chính, cơ bản nhất và chi phối, quyết định các đặc điểm khác, gồm:
1. Đặc điểm về điều kiện, hoàn cảnh phạm tội. Tội phạm sử dụng vũ khí nóng chống lại lực lượng chức năng thường xảy ra trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định với một số tình huống phổ biến sau:
- Tình huống 1: Đối tượng phạm tội là người đang trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội về ma tuý thì bị các lực lượng chức năng phát hiện, truy bắt nên đã sử dụng vũ khí nóng chống trả. Điển hình như vụ sáng ngày 25/9/2010, khi các đối tượng đang mua bán, giao nhận ma tuý tại nhà của đối tượng Đào Minh Huệ (ở gần khu vực trạm thu phí cầu Lường Mẹt, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) thì bị Công an Thành phố Lạng Sơn tấn công, bắt giữ. Bọn chúng đã bắn trả lực lượng truy bắt làm đồng chí Hứa Văn Tấn bị thương nặng và hi sinh vào hồi 14 giờ cùng ngày. Hay vụ án hồi 10h ngày 21/5/2010, tại bản Nà Ngoà, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Tổ công tác gồm 03 đồng chí thuộc Đồn Biên phòng Tân Thanh phục kích bắt quả tang 02 đối tượng là Hoàng Văn Trường (1982) và Hoàng Văn Thịnh (1980), trú tại Tân Thanh, Văn Lãng đang vận chuyển trái phép chất ma tuý qua biên giới. Trong quá trình bắt giữ, đối tượng Hoàng Văn Thịnh đã sử dụng súng thể thao bắn lại làm Trung uý Ngô Văn Vinh hi sinh…
- Tình huống 2: Đối tượng là người đã có hành vi phạm tội về ma tuý, cơ quan điều tra đã có đủ tài liệu, chứng cứ xác định hành vi phạm tội của đối tượng và tổ chức bắt giữ (theo các hình thức như: bắt khẩn cấp, bắt tạm giam hoặc bắt truy nã) để xử lý theo quy định của pháp luật. Điển hình trong tình huống này là vụ vây bắt đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt về tội vận chuyển trái phép chất ma tuý Vàng A Khua, sinh năm 1956, trú tại Bản Hang Kia 1, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình. Khi bị vây bắt, đối tượng cố thủ trong nhà, sử dụng súng tiểu liên AK bắn lại làm 03 đồng chí công an hy sinh, 04 đồng chí bị thương; vụ Công an quận Long Biên, Hà Nội bắt giữ đối tượng Bùi Mạnh Hà (ở Hải Phòng vào ngày 20/10/2010, trong khi bị vây bắt, đối tượng Hà đã dùng súng K59 bắn lại lực lượng cảnh sát và dân phòng …
- Tình huống 3: Đây là tình huống mà bản thân đối tượng không phạm tội về ma tuý, nhưng đã sử dụng vũ khí nóng chống lại lực lượng chức năng nhằm ngăn chặn, cản trở không cho các lực lượng chức năng bắt giữ, dẫn giải đối tượng phạm tội về ma tuý (là đồng bọn hoặc người thân). Tuy nhiên tình huống này không nhiều và chủ yếu xảy ra khi lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng phạm tội về ma tuý tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, nơi chính quyền cơ sở còn yếu kém, các đối tượng trong thôn bản là người dân tộc thiểu số và có quan hệ họ tộc. Điển hình của tình huống này là vụ chống lại Tổ công tác của Phòng PC47 – Công an tỉnh Nghệ An, ngày 26/5/2010 tại khu vực rừng núi bản Cò Phào, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Sau khi Tổ công tác bắt quả tang 3 đối tượng đang vận chuyển trái phép chất ma tuý, thu được 2 bánh heroin, 01 quả lưu đạn mỏ vịt, thì bị nhóm người (gồm đồng bọn và người thân của các đối tượng) đã dùng súng bắn trả quyết liệt nhằm giải thoát cho các đối tượng. Hay vụ Công an quận Long Biên, Hà Nội trong khi dẫn dải một đối tượng phạm tội ma túy đã bị đồng bọn của y đuổi theo, dùng súng bắn vào xe ô tô.
2. Đặc điểm về loại vũ khí mà tội phạm sử dụng:
Xuất phát từ mục đích sử dụng vũ khí chống lại lực lượng chức năng của tội phạm là nhằm làm tê liệt, giảm sức chiến đấu của các lực lượng chức năng, nên loại vũ khí mà tội phạm sử dụng thường là vũ khí có khả năng gây sát thương cao. Điển hình là các loại súng quân dụng K54, K59, AK 47, súng bắn đạn hoa cải, hoặc loại vũ khí gây sát thương cho nhiều người (lựu đạn).
3. Đặc điểm về địa điểm xảy ra tội pham:
Địa điểm xảy ra tội phạm thường rất đa dạng, chủ yếu là ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc, đặc biệt là ở khu vực giáp biên giới - những nơi thường diễn ra các hoạt động mua bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới. Trong một số trường hợp, địa bàn xảy ra chính là nơi cư trú của các đối tượng như đối tượng Vàng A Khua, Sồng A Chớ, Bùi Mạnh Hà.v.v…
4. Đặc điểm về lực lượng bị chống lại:
Về lý luận thì tất cả các lực lượng tham gia phát hiện, bắt giữ các đối tượng phạm tội về ma tuý đều có thể bị các đối tượng sử dụng vũ khí nóng để chống lại. Tuy nhiên, do đặc điểm đặc thù về tính chất công việc, địa bàn quản lý, công tác đấu tranh có thể thấy trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát (gồm Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Cảnh sát giao thông đường bộ, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội…) và Bộ đội Biên phòng là lực lượng thường xuyên bị các đối tượng chống trả.
Qua việc nghiên cứu những đặc điểm cơ bản của tội phạm sử dụng vũ khí nóng chống lại lực lượng đấu tranh chống tội phạm về ma tuý, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa nhằm góp phần hạn chế thương vong cho lực lượng chức năng cũng như nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh như sau:
Giải pháp chung: nâng cao hiệu quả quản lý vũ khí, vật liệu nổ
Hiện nay, lượng vũ khí, vật liệu nổ ngoài xã hội còn nhiều, đặc biệt là ở khu vực biên giới, các vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ của các lực lượng chức năng còn bộc lộ những sơ hở, thiếu sót. Đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ tội phạm hình sự, ma tuý tự trang bị vũ khí nóng để chống lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, vây bắt. Vì vậy, các lực lượng được trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng (Công an, Quân đội, Hải quan, Kiểm lâm,…) cần làm tốt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, không để sơ hở, thiếu sót và làm thất thoát ra ngoài xã hội; đồng thời cần phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác phát động quần chúng, vận động giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ còn đang tàng trữ, sử dụng trái phép.
Giải pháp cụ thể: đối với các lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý
Thứ nhất, tổ chức tốt công tác trinh sát nắm tình hình trước khi xây dựng và thực hiện kế hoạch bắt giữ đối tượng. Do đặc điểm đặc thù của tội phạm về ma tuý (hình thành những đường dây, tổ chức chặt chẽ, thường là trên cơ sở mối quan hệ gia đình, dòng tộc và có sự ràng buộc lẫn nhau; hoạt động rất tinh vi, bí mật từ việc khai thác nguồn ma tuý đến việc cất dấu, vận chuyển, tiêu thụ) nên bằng các biện pháp thông thường rất khó phát hiện. Vì vậy, cần phải tổ chức thực hiện tốt công tác trinh sát để nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm, đường dây tổ chức tội phạm, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch với các phương án tác chiến phù hợp.
Thứ hai, chú trọng công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch bắt giữ đối tượng. Công tác này có ý nghĩa rất quan trọng bởi khi có kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, trong đó xác định được đầy đủ những tình huống có thể xảy ra thì các lực lượng chuyên trách mới có thể xác định được các biện pháp cần tiến hành; lực lượng, phương tiện, vũ khí cần huy động và phân công nhiệm vụ cho các lực lượng phù hợp với từng tình huống cụ thể. Quá trình xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến, cần dự kiến tình huống đối tượng có mang theo vũ khí và sử dụng vũ khí để chống lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.
Thứ ba, ưu tiên đầu tư trang bị phương tiện, công cụ hiện đại cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý. Do tính đặc thù của tội phạm và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm rất tinh vi, manh động nên cùng với nghiệp vụ sắc bén, lực lượng trinh sát cần có sự hỗ trợ của trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Để hạn chế thương vong có thể xảy ra đối với lực lượng chức năng khi bị đối tượng sử dụng vũ khí nóng tấn công, các phương tiện hỗ trợ an toàn như: áo giáp, găng tay, mũ chống đạn… cũng cần được trang bị đầy đủ.
Thứ tư, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện cho lực lượng chức năng. Xuất phát từ đặc điểm đặc thù của tội phạm, do đó quá trình phá án, bắt giữ đối tượng phạm tội luôn đòi hỏi phải có quá trình tiếp xúc trực tiếp giữa lực lượng bắt giữ với đối tượng bị bắt giữ. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ tham gia bắt giữ đối tượng là phải có thể lực tốt; vũ thuật tốt; nghiệp vụ giỏi và hợp đồng phối hợp phải đồng bộ, nhịp nhàng. Do đó, việc thường xuyên tổ chức bỗi dưỡng, huấn luyện cho các lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý là rất cần thiết.
Theo phongchongmatuy.com.vn
[TT: TBC]