Châu Á-Thái Bình Dương thành công lớn trong cuộc chiến chống AIDS

13/08/2012 Lượt xem: 243 In bài viết

Một khẩu hiệu phòng chống HIV/AIDS tại Papua New Guinea. (AFP: Torsten Blackwood)

Các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã tập trung tại New York vào ngày thứ Hai, 6/6/2011, để tiếp tục bàn bạc phương hướng đối phó với ‘căn bệnh thế kỷ’. Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, kết quả phòng chống dịch HIV-AIDS trên toàn cầu đã có những kết quả khả quan và tỉ lệ bệnh nhân nhiễm mới đã giảm đáng kể.

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực thu được nhiều thành công nhất trong việc ngăn chặn số lượng người nhiễm HIV. Tuy nhiên, đây vẫn tiếp tục là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Bà Jane Wilson, quyền Giám đốc tổ chức UN AIDS khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết tỷ lệ người nhiễm HIV vẫn duy trì ở mức ổn định. Số ca nhiễm mới trên thực tế giảm 20% so với năm 2001. Các nước đã có những nỗ lực nhằm giảm dịch bệnh đồng thời cung cấp các dịch vụ chất lượng tốt cho bộ phận dân số có nhiều nguy cơ nhất.

Theo bà Wilson, Cam-pu-chia đã rất thành công trong việc đối phó với HIV/AIDS và đây là một trong số 8 nước trên khắp thế giới đạt được tỉ lệ 80% dân số tiếp cận được với liệu pháp chống retrovirus (điều trị ARV). Thái Lan cũng đạt được tỉ lệ phòng ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con là 80%.

Ấn Độ, đặc biệt là khu vực miền Nam nước này đã đạt tiến bộ đáng kể. Tính từ năm 2001 tới năm 2009, trong khi tổng tỉ lệ nhiễm mới trên khắp toàn cầu đã giảm 25% thì riêng ở Ấn Độ, tỉ lệ nhiễm mới giảm trên 50%. Xét về quy mô dân số, tỉ lệ này của Ấn Độ rất ‘đáng nể’. Sở dĩ Ấn Độ đạt được thành tích này là nhờ chính phủ đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nhiều chương trình lớn đã được đưa vào thực hiện, số điểm phục vụ người dân tăng lên, các cộng đồng tham gia tích cực hơn và sự phối hợp giữa người dân và chính phủ chặt chẽ hơn.

Những thành tích Ấn Độ đạt được đã góp phần giúp khu vực Châu Á Thái bình Dương tiến bước khá rõ rệt trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS.

Bà Wilson nêu ra một vài con số đáng lưu ý về khu vực Thái Bình Dương: trong khoảng thời gian từ năm 2001 tới năm 2009, từ 28 ngàn, số người nhiễm HIV đã tăng lên 57 ngàn người. Nếu so với Châu Á, con số này không lớn. Tuy nhiên, đối với khu vực Thái Bình Dương, đây là con số đáng phải quan tâm. Số người nhiễm bệnh tăng là do lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là ở Papua New Guinea. Hơn nữa, hiện tượng chích ma túy cũng khá phổ biến. Đây được xem là một yếu tố nhỏ nhưng là nguyên nhân quan trọng và đang ngày càng đáng báo động trong một số cộng đồng hay một số nước trong khu vực.

Tuy nhiên, nếu xét đến các yếu tố kinh tế xã hội và mức độ phát triển không đồng đều ở các nước Châu Á, mặc dù đã có những thành tựu đáng kể trong cuộc chiến chống AIDS, Châu Á vẫn là một nơi có nguy cơ nhiễm cao.

Tỉ lệ bệnh nhân được điều trị chung trên toàn cầu là 31% và tỉ lệ này ở Đông Nam Á là 43%. Việc duy trì tỉ lệ bệnh nhân được điều trị và những tiến bộ đạt được rất quan trọng. Những người dễ nhiễm HIV nhất là người hành nghề mại dâm, người tiêm chích ma túy, người đồng tính nam và người chuyển giới.

Theo bà Wilson, chính quyền các nước cần tiếp tục cung cấp các chương trình điều trị và phòng chống HIV/AIDS cho những người nhiễm bệnh hoặc có nguy cơ cao bị nhiễm.

Luật pháp và vấn đề phòng chống HIV/AIDS ở một số nước Nhiều nước Châu Á có những điều luật nghiêm khắc chống ma túy và tình dục đồng giới cũng như tệ nạn mại dâm. Vậy liệu những điều luật này có gây khó khăn cho những người nhiễm HIV hay không?

Theo bà Wilson, đây là những yếu tố có ảnh hưởng lớn. Bà cho rằng các chính phủ đang dần nhận thức được các yếu tố này và chính phủ các nước Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia có những thay đổi đáng kể trong chính sách. Các nước này đã thực hiện một số chương trình phòng chống HIV/AIDS như sử dụng thuốc methadone để cai nghiện hoặc phát kim tiêm miễn phí. Các quan chức y tế cần nhận thức rằng tệ nạn mại dâm là một nghề đã có từ lâu, kể từ khi con người xuất hiện trên trái đất. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vẫn có những điều luật lỗi thời. Một số luật có từ thời thuộc địa. Các điều luật và chính sách chưa cập nhật cần được thay thế để mọi người có thể đi lại tự do trong khu vực. Những người nhiễm HIV hay những người cần được điều trị, chăm sóc, hỗ trợ cũng như phòng bệnh cần phải được đối xử bình đẳng và không bị kỳ thị.

Trước câu hỏi của phóng viên Sen Lam thuộc Đài Úc: “Hầu hết các quỹ dành cho điều trị HIV/AIDS cũng như những chương trình tuyên truyền phòng chống căn bệnh này đều do nước ngoài tài trợ. Liệu đây có phải một thử thách mới trong tương lai?”

Bà Wilson cho rằng đây là vấn đề hết sức đáng lo ngại, đặc biệt ở các nước như Việt Nam. Trước đây, Việt Nam phụ thuộc vào các nhà hảo tâm quốc tế để đối phó với HIV/AIDS. Nay Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và vì vậy không còn tiếp cận các chương trình hỗ trợ quốc tế như trước. Những người hiện đang được điều trị theo liệu pháp chống retrovirus (điều trị ARV) phải được tiếp tục điều trị cho đến cuối đời. Nếu ngừng điều trị, các bệnh nhân này sẽ có vấn đề về sức khỏe do bị kháng thuốc. Nếu muốn tái điều trị, họ phải sử dụng các loại thuốc dòng hai đắt tiền hơn. Đây là phương pháp ngăn chặn lây nhiễm HIV hiệu quả nhất.

Theo: tieng chuong.vn

[TT:TBC]