Chế độ với người chưa thành niên cai nghiện tại Trung tâm
13/08/2012 Lượt xem: 203 In bài viếtÔng Nguyễn Thành Vinh (Nghệ An) hỏi, trường hợp cháu ông Vinh 16 tuổi đang cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội bị mắc bệnh hiểm nghèo có được đưa về nhà chữa trị và miễn thi hành đối với thời gian còn lại không?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Vinh như sau:
Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh (nói chung) và người chưa thành niên chữa trị, cai nghiện (nói riêng) trong Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (GD-LĐXH) phải chịu sự quản lý, giáo dục, tuân theo chế độ lao động trị liệu, học tập và cai nghiện, chữa trị do Trung tâm GD-LĐXH quy định, tuân thủ nội quy của Trung tâm và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tại Điều 46 và các Điều 40, Điều 41, Điều 42, Điều 44, Điều 45 Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định các chế độ như: chế độ trợ cấp; chế độ ở, chế độ mặc và sinh hoạt; chế độ học văn hoá; chế độ lao động trị liệu; chế độ khám, chữa bệnh đối với người chưa thành niên trong Trung tâm GD-LĐXH như sau:
Về chế độ trợ cấp: Người chưa thành niên bị đưa vào Trung tâm GD-LĐXH được trợ cấp tiền học văn hoá, tiền học nghề, tiền chữa bệnh, tiền ăn hàng tháng, tiền mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết và các chi phí khác theo quy định trong thời gian chấp hành quyết định.
Về chế độ ở, chế độ mặc và sinh hoạt: Người chưa thành niên trong Trung tâm GD-LĐXH được sắp xếp chỗ ở phù hợp với lứa tuổi, tính chất, mức độ vi phạm và giới tính. Phòng ở phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông, hợp vệ sinh môi trường. Diện tích nằm tối thiểu cho mỗi người là 2,5 m2. Được nằm riêng giường hoặc mặt sàn bằng gỗ, có chiếu, màn.
Các cơ sở ở phía Nam, mỗi người được cấp 1 tấm đắp. Các cơ sở ở phía Bắc, mỗi người được cấp 1 chăn bông nặng 2 kg và 1 áo ấm. Hàng năm, mỗi người được cấp 2 chiếc chiếu, 2 bộ quần áo dài, 1 bộ quần áo đồng phục, 2 bộ quần áo lót, 2 khăn mặt, 2 đôi dép nhựa, 2 bàn chải đánh răng, 1 áo mưa ni lông, 1 chiếc mũ cứng. Hàng quý, mỗi người được cấp 1 túyp thuốc đánh răng 90 gr và 1 kg xà phòng. Người chưa thành niên là nữ được cấp tiền vệ sinh phụ nữ hàng tháng theo quy định.
Về chế độ học văn hoá: Người chưa thành niên trong Trung tâm GD-LĐXH được học văn hoá theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc học văn hoá đối với người chưa phổ cập giáo dục tiểu học là bắt buộc; đối với những đối tượng khác thì tùy thuộc khả năng và điều kiện thực tế của Trung tâm mà tổ chức học tập theo quy định của pháp luật.
Về chế độ lao động trị liệu: Ngoài giờ học tập, chữa bệnh, người chưa thành niên phải tham gia lao động trị liệu do Trung tâm GD-LĐXH tổ chức. Trung tâm có trách nhiệm sắp xếp công việc lao động trị liệu phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ của người chưa thành niên để bảo đảm sự phát triển bình thường về thể chất, trí tuệ và đạo đức của người chưa thành niên. Không được sử dụng người chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.
Thời gian lao động trị liệu của người chưa thành niên không được nhiều hơn thời gian học tập, chữa bệnh. Thời gian lao động và học tập không quá 7 giờ trong 1 ngày. Người chưa thành niên được nghỉ lao động trong các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết theo quy định của pháp luật về lao động.
Về chế độ khám, chữa bệnh: Người chưa thành niên trong Trung tâm GD-LĐXH được khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng 1 lần. Trong trường hợp bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng điều trị của Trung tâm GD-LĐXH thì được chuyển tới bệnh viện của Nhà nước hoặc đưa về gia đình để chữa trị, chăm sóc. Thời gian chữa bệnh được tính vào thời gian chấp hành quyết định. Đối với trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng chữa khỏi thì được miễn thi hành phần thời gian còn lại trong quyết định.
Chi phí y tế trong thời gian nằm viện do Trung tâm GD-LĐXH chi trả từ ngân sách nhà nước. Trong trường hợp người chưa thành niên bị tai nạn lao động hoặc bị chết thì Ban Giám đốc Trung tâm GD-LĐXH phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan y tế gần nhất đến lập biên bản xác nhận nguyên nhân chết, có người làm chứng (là những đối tượng trong Trung tâm). Trong trường hợp cần thiết có thể trưng cầu giám định pháp y. Đồng thời, thông báo cho thân nhân người chết biết để mai táng.
Trong trường hợp người chết không có thân nhân hoặc thân nhân không đến trong vòng 24 giờ thì Ban Giám đốc Trung tâm GD-LĐXH có trách nhiệm tổ chức mai táng, chi trả giám định pháp y, chi phí mai táng. Chi phí giám định pháp y và chi phí mai táng do ngân sách nhà nước cấp.
Trường hợp ông Nguyễn Thành Vinh có người cháu chưa thành niên (16 tuổi) đang bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm GD-LĐXH. Nếu cháu ông bị mắc bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng điều trị của Trung tâm thì được chuyển tới bệnh viện của Nhà nước hoặc đưa về gia đình để chữa trị, chăm sóc. Thời gian chữa bệnh được tính vào thời gian chấp hành quyết định. Đối với trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng chữa khỏi thì được miễn thi hành phần thời gian còn lại trong quyết định.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
Theo Chinhphu.vn
[TT: TBC]