Tăng cường lãnh đạo, trao quyền và thực hiện phòng, chống HIV/AIDS

14/08/2012 Lượt xem: 253 In bài viết

Tại sao phải :”Tăng cường lãnh đạo, trao quyền và thực hiện phòng, chống HIV/AIDS”?

Năm 2008 là năm thứ 20 kể từ khi ngày 1 tháng 12 hàng năm được chọn là Ngày thế giới phòng, chống AIDS vào năm 1988. Từ đó đến nay, các nhà lãnh đạo và mọi người dân trên toàn thế giới được cổ vũ đi tiên phong trong việc ngăn chặn AIDS. Có rất nhiều hoạt động, nhiều sự kiện đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và cũng đã có rất nhiều cam kết của các nhà lãnh đạo và nhiều đáp ứng với đại dịch HIV. Hầu hết các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã nhận thức được mối đe doạ của đại dịch HIV/AIDS và rất nhiều nhà lãnh đạo đã cam kết hành động để phòng, chống HIV/AIDS. Đến năm 2007, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đã có chính sách quốc gia về HIV/AIDS.

Hàng năm cứ vào dịp Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) Các cơ quan Liên hợp quốc phối hợp với các Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự đều phát động Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu với các chủ đề khác nhau nhằm đáp ứng tốt hơn những vấn đề mấu chốt trong phòng, chống AIDS của năm đó và trong năm tiếp theo. Và chủ đề chính được duy trì lâu nhất chính là "Giữ vững cam kết: Quyết tâm ngăn chặn Aids". Nó được phát động lần đầu tiên vào năm 2005 và sẽ được "giữ vững" đến năm 2010.Mặc dù, chủ đề trên được duy trì trong thời gian dài như vậy, nhưng hàng năm vẫn có khẩu hiệu riêng biệt bám theo chủ đề xuyên suốt. Ví dụ, chủ đề năm 2005 nhấn mạnh vào "Hãy cam kết". Năm 2006 là "Hãy giải trình" (tức là ta phải giải trình những gì mà ta đã làm được để thực hiện những điều mà ta đã cam kết trong phòng, chống AIDS). Năm 2007 thì tập trung vào việc tăng cường lãnh đạo. Còn năm nay (2008) thì tập trung vào việc "Lãnh đạo, Trao quyền và thực hiện".

Chúng ta chỉ còn 2 năm để hoàn thành “Mục tiêu tiếp cận phổ cập với chương trình dự phòng toàn diện, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị đến năm 2010”.

Để đạt được mục tiêu này, sự lãnh đạo và hành động bây giờ là hết sức cần thiết. Chính phủ các nước cần phải thực hiện những cam kết mà họ đã hứa. Các cộng đồng cần phải được khuyến khích tăng cường sự lãnh đạo của chính các thành viên trong cộng đồng của họ. Mỗi cá nhân đều phải được tạo điều kiện, được trao quyền để tiếp cận với các dịch vụ điều trị, để biết về quyền của họ và họ phải hành động chống sự kỳ thị và phân biệt đối xử, biết cách dự phòng và bảo vệ cho chính bản thân họ, gia đình họ và cộng đồng của họ tránh khỏi lây nhiễm HIV..

Chính vì vậy, bây giờ, hơn lúc nào hết là thời điểm: ”Tăng cường lãnh đạo, trao quyền và thực hiện phòng, chống HIV/AIDS”

Thực hiện khẩu hiệu: "Tăng cường lãnh đạo, trao quyền và thực hiện phòng, chống HIV/AIDS" tại Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) khẳng định, Việt Nam là một trong các quốc gia mà việc lãnh đạo, trao quyền và thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS được tiến hành mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống AIDS trên phạm vi toàn cầu. Việc này đã được triển khai từ rất lâu ở nước ta. Chúng ta đã triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS trên 3 mặt: Chính sách và pháp luật, huy động nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.

Theo ông, trong lịch sử, chưa có loại dịch bệnh nào mà khiến cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt như HIV/AIDS. Và cũng chưa có dịch bệnh nào mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ phải ban hành các văn bản có tính pháp lý cao nhất để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện như HIV/AIDS.

Ngay từ những năm đầu xuất hiện dịch HIV/AIDS tại Việt Nam, vào năm 1995 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về việc "Lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS". Đến năm 2005, sau khi đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị 52, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) tiếp tục ban hành Chỉ thị 54-CT/TW về việc "Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới". Năm 1995, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh PC HIV/AIDS, ngày 29/6/2006, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống HIV/AIDS và luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Ngày 17/3/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 36/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và Tầm nhìn 2020". Bộ ba văn bản pháp lý này có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Nó thể hiện sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng, Nhà nước ta trong việc thực hiện cam kết phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu.

Cùng với những văn bản nêu trên, hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được các cơ quan có thẩm quyền (như Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Chính...) ban hành đã thể hiện sự lãnh đạo của cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, các địa phương trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của đất nước.

Trong tất cả các văn bản Luật, dưới luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đều đã thể hiện được sự trao quyền để các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân cùng tham gia. Ví dụ: Chỉ thị 54-CT/TW về việc "Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới nhấn mạnh: "Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS. Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tạo điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình họ thấy rõ trách nhiệm, tự giác tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; khuyến khích các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia phòng, chống HIV/AIDS; tiến tới thành lập tổ chức xã hội phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam". Bên cạnh đó, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS trong cả nước đã tổ chức nhiều rất nhiều họat động nhằm thu hút sự tham gia của toàn thể cộng đồng, phát huy sự sáng tạo của mỗi cá nhân vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Năm 2007, nhân tháng Chiến dịch truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức Ngày sáng tạo Việt Nam phòng, chống HIV/AIDS. Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 150 ý tưởng sáng tạo. Chúng tôi đã chọn lọc và hỗ trợ kinh phí thực hiện cho 31 ý tưởng với mức 10 ngàn USD/ý tưởng. Qua cuộc thi này đã cho chúng tôi một bài học kinh nghiệm quý báu là: Nếu được tạo điều kiện thì cộng đồng sẽ "hiến" được nhiều"kế hay" cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Về sự tham gia của cộng đồng, chúng ta đã tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức đoàn thể, tôn giáo, cộng đồng và các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, kể cả thông qua các tổ chức phòng, chống HIV/AIDS cấp quốc gia; ủng hộ những người sống chung với AIDS được tham gia đầy đủ và bình đẳng. Mới đây nhất, ngày 6/10/2008, Bô Y tế - Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nhau ký kết Kế hoạch liên tịch phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư" đến năm 2012. Bản kế hoạch này nhấn mạnh đến việc Huy động toàn dân tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Một sự kiện đặc biệt nữa mà ông muốn nhắc tới. Đó là từ năm 2008, Chính phủ đồng ý tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (diễn ra từ 10/11 đến 10/12 hàng năm). Đây có thể được xem là một sự thay đổi hoàn toàn về chất. Thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ đối với công tác này. Nếu như trước đây, cứ vào dịp hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), chúng ta thường tổ chức Tháng Chiến dịch truyền thông. Nghĩa là trong tháng này, những ưu tiên tập trung là tuyên truyền nâng cao nhận thức về HIV/AIDS. Với Tháng hành động quốc gia, thì tuyên truyền chỉ đóng một phần trong rất nhiều hoạt động sẽ được tập trung đẩy mạnh trong dịp này. Chúng tôi kỳ vọng qua tháng hành động này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo, mỗi người dân và cộng đồng về HIV và các biện pháp dự phòng, chăm sóc HIV/AIDS, tạo nên một phong trào rộng khắp trong cả nước và huy động sự tham gia, hưởng ứng của người dân trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

 

Theo: tin247.com

[TT:TBC]