Vì một xã hội trong lành, không ma túy

10/08/2012 Lượt xem: 218 In bài viết

Về giải pháp giảm cầu ma túy, luật pháp của các nước trên thế giới xử lý người nghiện ma túy theo nhiều cách khác nhau. Một số nước coi người nghiện là tội phạm và nếu bị bắt (khi dùng hoặc mang ma túy trên người) sẽ bị đưa ra tòa xét xử tù giam hoặc đưa vào các trung tâm cai nghiện và cưỡng bức lao động.

Một số nước khác khuyến khích người nghiện nhẹ tự nguyện cai nghiện tại các cơ sở của nhà nước hoặc tư nhân, tổ chức phi chính phủ, của các tôn giáo; người nghiện nặng sẽ bị cưỡng chế cai tập trung từ hai đến ba năm và khi về cộng đồng bị giám sát, giảm thúc ba năm tiếp theo.

Theo tinh thần Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, chúng ta coi người nghiện ma túy vừa là người bệnh, vừa là người có hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, cần phải kết hợp việc xử lý vi phạm và chữa bệnh cho họ.

Người nghiện ma túy cần được xem xét dưới ba góc độ: là người bệnh (bị một loại bệnh về tâm thần do sử dụng ma túy), người có hành vi vi phạm pháp luật (do sử dụng trái phép chất ma túy) và là người sa ngã vào tệ nạn xã hội (bị lệch lạc cả về nhận thức, nhân cách và hành vi). Ða số người nghiện là lầm đường, lạc lối và họ cần được xã hội cứu vớt khỏi con đường sa ngã.

Họ rất cần những bàn tay nhân ái, rộng lượng của cả cộng đồng và xã hội giúp đỡ. Chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước đối với người nghiện là tuyên truyền, giáo dục và động viên, khuyến khích họ đi cai nghiện đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người cai nghiện được học tập, rèn luyện, từng bước giúp họ thoát khỏi bàn tay ác độc của ma túy, làm lại cuộc đời. Ðương nhiên luật pháp sẽ xử lý nghiêm khắc với những kẻ cố tình tái phạm, không chịu phấn đấu, rèn luyện để tiến bộ.

Thực tế cuộc sống đã khẳng định ma túy là hiểm họa, nhưng không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ điều này. Không phải ngẫu nhiên, trong Thông điệp của ba năm 2007-2009, Liên hợp quốc đặt ra câu hỏi "Ma túy có chi phối (ảnh hưởng) tới cuộc sống của bạn không?".

Trong số gần 140 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý hiện nay ở nước ta (chưa kể số người nghiện phạm tội đang ở trong các cơ sở của ngành Công an quản lý), lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm từ 70 đến 80%. Tỷ lệ cao trên đây do nhiều nguyên nhân.

Bên cạnh sự tò mò, tính hiếu thắng, thích khám phá và ưa tìm cảm giác mạnh cùng với sự đua đòi ăn chơi thái quá của lứa tuổi, một yếu tố không kém phần quan trọng là nhận thức và hiểu biết về ma túy, về tác hại và bản chất quá trình nghiện ma túy của nhiều người còn hạn chế, sai lệch. Không ít người nghiện do suy nghĩ giản đơn là thử cho biết và họ đâu hay rằng với ma túy, làm quen thì dễ nhưng giã từ nó thì cực kỳ khó khăn.

Trên thế giới hiện nay chưa có phương pháp, loại thuốc nào làm cho người nghiện có thể quên và từ bỏ được ma túy. Các loại thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ quá trình cắt cơn giải độc (khi người nghiện lên cơn vật do "đói thuốc") hoặc góp phần tăng khả năng chống tái nghiện sau khi cai một thời gian. Nghiện ma túy là một loại "bệnh" đặc biệt bởi vì người nghiện đồng thời bị lệ thuộc cả về sinh lý và tâm lý vào ma túy.

Mặt khác cũng vì ma túy và do ma túy mà người nghiện có những sai lệch về nhận thức, từ đó thay đổi cả hành vi và nhân cách. Cai nghiện, phục hồi là quá trình đồng thời tiến hành việc chữa trị, điều chỉnh và phục hồi cho người nghiện trên cả ba phương diện: xử lý sự ngộ độc mãn tính và điều trị, phục hồi sự rối loạn về sinh lý do tác động của ma túy đối với cơ thể người nghiện bằng các biện pháp y tế; giải quyết những vấn đề về tâm lý, nhận thức và điều quan trọng là điều chỉnh hành vi, nhân cách người nghiện bằng các biện pháp giáo dục, tư vấn, tâm lý trị liệu và rèn luyện, phục hồi sức khỏe, học nghề, hướng nghiệp và tham gia lao động sản xuất, tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao... Tách rời các giải pháp đồng bộ nói trên hoặc chỉ nhấn mạnh, coi trọng một yếu tố, hiệu quả công tác cai nghiện không cao, thậm chí là thất bại.

Kinh nghiệm thực tế đã chứng minh nếu trung tâm nào có cơ sở vật chất tương đối hoàn chỉnh và áp dụng nghiêm ngặt đồng bộ và đầy đủ quy trình trên, chất lượng và hiệu quả công tác cai nghiện, phục hồi của nơi đó sẽ cao, học viên cai nghiện yên tâm, phấn khởi và tiến bộ rõ rệt.

Mới đây, triển khai NQ 16/2003/QH11 của Quốc hội về thí điểm việc tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại bảy địa phương trong cả nước gồm: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Ninh, Tây Ninh, Long An và Bình Dương, thời gian cai nghiện, phục hồi, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người nghiện từ 1-2 năm đã được nâng lên bốn hoặc 5 năm theo hai giai đoạn (giai đoạn cai bắt buộc theo quyết định xử lý vi phạm hành chính và giai đoạn quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm sau cai nghiện).

Kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và các Ðề án sau cai của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là khả quan, đáng mừng. Theo báo cáo của TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có gần 14 nghìn người nghiện sau 4 - 5 năm cai nghiện và tham gia Ðề án sau cai trở về tái hòa nhập cộng đồng, trong đó hơn 70% đã có việc làm ổn định, mới phát hiện 687 người tái nghiện (tỷ lệ 6%). Kết quả trên đây tuy là bước đầu nhưng đã tạo tiền đề để Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy trong kỳ họp vừa qua.

Song song với công tác giảm cầu phải kết hợp đồng bộ, chặt chẽ với các hoạt động giảm cung, làm trong sạch môi trường, truy quét, triệt phá mạnh các ổ nhóm, tổ chức buôn bán ma túy, đặc biệt là mạng lưới bán lẻ ma túy, tổ chức sử dụng ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp góp phần tích cực xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội, trong đó trọng tâm là tệ nạn ma túy.

Ðồng thời quan tâm giúp đỡ, hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người nghiện sau cai khi tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ những mặc cảm với người đã cai nghiện để họ vui vẻ, quyết tâm làm lại cuộc đời, đoạn tuyệt với ma túy.

 

Theo nhandan.com.vn

[TT: TBC]