Ngăn chặn sản xuất ma túy tổng hợp từ tiền chất

10/08/2012 Lượt xem: 249 In bài viết
Nguy cơ thực tế...

Trong cuộc hội thảo về kiểm soát tiền chất mới đây ở Hà Nội, Đại tá Nguyễn Công Sơn, Chánh Văn phòng Thường trực phòng chống ma túy Bộ Công an cho biết, do Đông Nam - Á là một trong những khu vực trọng điểm về ma túy của thế giới, lại nằm kề các cường quốc về hóa chất nên việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất và tăng cường đấu tranh với tội phạm buôn bán, sử dụng bất hợp pháp tiền chất đã được chính phủ các nước trong khu vực đặc biệt quan tâm. Kiểm soát tiền chất đã trở thành một nhu cầu cấp thiết và là một trong những nội dung quan trọng của chương trình quốc gia phòng chống ma túy ở nhiều nước.

Muốn sản xuất các chất MTTH và bán tổng hợp cần phải có tiền chất. Trong khi đó, tiền chất là các hóa chất rất cần thiết, thậm chí không thể thiếu được trong các ngành công nghiệp, y học, nghiên cứu khoa học và trong đời sống hàng ngày của con người. Các hoạt động từ khâu sản xuất, buôn bán, vận chuyển và sử dụng tiền chất được thực hiện hợp pháp, công khai trên phạm vi toàn quốc, do đó kiểm soát tiền chất là vấn đề mới và rất khó khăn. Kiểm soát tiền chất không phải là cấm sử dụng các chất đó mà đòi hỏi phải có cơ chế thích hợp, biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm chống thất thoát tiền chất từ các nguồn hợp pháp để sản xuất trái phép các chất ma túy.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam quy định 40 tiền chất nằm trong danh mục cần được quản lý và kiểm soát. Tiền chất chủ yếu được đưa từ nước ngoài vào nước ta qua hình thức nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất. Cả nước ta hơn 10.000 đơn vị có chức năng xuất, nhập khẩu, quản lý, sử dụng tiền chất (trong hai năm qua có 312 công ty xuất, nhập khẩu 21 loại tiền chất với 358.000 tấn và 275.000 lít; trong đó có 1.760 tấn tinh dầu xá xị). Sự gia tăng sản xuất, buôn bán và lạm dụng MTTH đã kéo theo tình trạng thất thoát tiền chất, nhất là Việt Nam có vị trí cận kề với hai cường quốc về tiền chất là Trung Quốc và Ấn Độ.

Qua theo dõi, kiểm tra cho thấy, thủ đoạn của bọn tội phạm về tiền chất thường tập trung vào một số khâu sau: Lợi dụng công ty khác, hoặc tạo công ty giả để buôn bán tiền chất; sửa đổi chứng từ (mã số, khối lượng, nồng độ tiền chất...). Hầu hết các nhà cung cấp không biết rằng các loại tiền chất bị lợi dụng để sản xuất ma tuý bất hợp pháp; tình hình kiểm soát càng trở nên khó khăn hơn khi việc mua bán, sử dụng tiền chất trong nước chưa có văn bản pháp luật quy định thích hợp.

Việc phát hiện ra nguồn tiền chất bị thất thoát với mục đích phi pháp là rất khó khăn, vì đối với một số loại tiền chất bọn tội phạm chỉ cần một lượng rất nhỏ để sản xuất ra một lượng rất lớn các chất ma tuý. Thí dụ lkg axit lysergic đủ để sản xuất 10 triệu liều MTTH dạng LSD (ma tuý gây ảo giác). Mặt khác, do tính công khai, hợp pháp và ảnh hưởng rất lớn của tiền chất đến nền kinh tế quốc dân nên đòi hỏi phải có cơ chế quản lý thích hợp, biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, nhất là những tiền chất có nguy cơ thất thoát cao.

Nguy hiểm hơn nữa, từ tiền chất cộng với các chất khác còn điều chế ra cả các loại ma túy bán tổng hợp (như heroin, loại ma túy đang chiếm đến 60-70% lượng ma túy bị thu giữ ở nước ta), điển hình là vụ Trịnh Nguyên Thuỷ sản xuất 140kg heroin từ thuốc phiện bằng cách sử dụng tiền chất anhydric axetic và các hóa chất khác, nên vấn đề quản lý và kiểm soát tiền chất càng cấp thiết hơn.

... Và những biện pháp kiểm soát

Theo văn phòng Thường trực phòng chống ma túy, Bộ Công an, để quản lý và kiểm soát tiền chất một cách hiệu quả, cần triển khai đồng bộ các biện pháp như hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng chống tội phạm ma túy liên quan đến tiền chất; kêu gọi sự giúp đỡ của các tố chức quốc tế, các nước qua các dự án...

Cần tạo được cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của một số Bộ, ngành trong công tác kiểm soát tiền chất, nhất là kiểm soát tiền chất trong nội địa (mua bán, sử dụng). Cần thiết xây dựng quy trình kiểm soát đến sản phẩm cuối cùng, bao gồm việc cho phép (cấp, thu hồi giấy phép), theo dõi, kiểm tra giám sát các hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, nhập khẩu, xuất khẩu, trong đó chú ý việc kiểm soát khâu mua bán, sử dụng tiền chất.

Trong thời gian tới, với cơ chế mở, hoạt động hợp pháp về tiền chất sẽ diễn ra sôi động và phức tạp. Vì vậy, cần chủ động ngăn chặn từ biên giới, cửa khẩu, kết hợp với các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ tiền chất lưu thông phân phối trong nội địa mới ngăn chặn được nguy cơ thất thoát tiền chất vào việc sản xuất trái phép các chất ma túy.

 

Nguồn: Công an nhân dân

[TT: TBC]