Phòng chống ma túy ở đồng bào dân tộc thiểu số

09/08/2012 Lượt xem: 272 In bài viết

Là tỉnh thuộc khu vực vùng cao biên giới, vị trí địa lý phức tạp, có nhiều cửa khẩu và đường tiểu ngạch thông với nước bạn Lào, lại hội tụ nhiều dân tộc, bên cạnh thuận lợi trong trao đổi, buôn bán và giao lưu văn hoá với nước bạn, Điện Biên đang được xem là điểm nóng về ma túy. Tệ nạn ma tuý ở đây diễn biến khá phức tạp, tội phạm ma tuý hoạt động ngày càng tinh vi, nhất là ở những khu vực biên giới trên tuyến Việt - Lào như: Na Ư, Pa Thơm, Thanh Luông, Mường Nhà (huyện Điện Biên); Pú Nhi, Sa Dung, Phình Giàng (Điện Biên Đông); Búng Lao, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng), Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Nhé... gây ảnh hưởng không nhỏ đến ninh trật tự trong khu vực, sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhận thức rõ nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng chống ma tuý, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực phòng ngừa, đấu tranh tố giác, lên án tội phạm và tệ nạn ma túy. Trong 2 năm 2009 và 2010, Ban Dân tộc tỉnh đã mở được 10 lớp tuyên truyền phòng, chống ma túy tại 6 huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Điện Biên và huyện Tuần Giáo cho các trưởng bản, công an viên, tổ mặt trận, già làng, tổ trưởng phụ nữ và phó các ngành, đoàn thể xã, với sự tham gia của 600 học viên. Các học viên trở về địa phương tham gia tích cực công tác phòng, chống ma túy như: tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống ma tuý. Các học viên phối hợp với gia đình, dòng họ vận động anh, em, con, cháu... không hút, tiêm chích ma tuý, tuyên truyền giúp đỡ con cháu họ đi học, việc làm và thu nhập đảm bảo đời sống. Chính quyền và các đoàn thể xã tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân để mọi người thấy được hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy và vận động đồng bào các dân tộc phá bỏ cây thuốc phiện, thay thế việc trồng cây thuốc phiện bằng trồng các loại cây nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao; đưa chương trình phòng chống ma túy vào chương trình hoạt động thường xuyên, xã hội hóa công tác tuyên truyền đi đôi với việc xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa... Đánh giá về hiệu quả của lớp học, ông Lường Văn Pánh, Bí thư Đảng ủy xã Na Sang, huyện Mường Chà, cho biết: "Cùng với các đơn vị khác như Công an, Bộ đội biên phòng, Sở Tư pháp... năm nay công tác đấu tranh phòng chống ma túy có thêm sự tham gia của Ban Dân tộc. Chúng tôi hiểu hơn về tác hại của ma túy và sẽ về phổ biến tới bà con trong bản tác hại của ma túy, tình hình tội phạm ma túy, những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của bà con. Ông Lò Văn Thoạn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cũng cho biết: Thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 08/2008/QĐ-UBDT ngày 18/12/2008 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (2008 - 2012). Trong đó chú trọng vào một số nội dung như: tăng cường sự phối kết hợp phổ biến pháp luật giữa Ban Dân tộc với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an huyện và các đồn biên phòng đóng trên địa bàn; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống ma túy với nhiều nội dung, hình thức phù hợp với từng địa bàn, từng vùng; vận động nhân dân không trồng, không tái trồng cây thuốc phiện, cây có chứa chất ma túy; tăng cường cán bộ của Ban Dân tộc xuống cơ sở, nhất là những địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy; cử cán bộ đi học lớp tập huấn, bồi dưỡng về phòng chống ma túy góp phần từng bước nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các địa phương vận động quần chúng nhân dân phát hiện, tố giác hộ gia đình, cá nhân trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn; thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc.

 

Theo Đienbienphu.com.vn

[TT: TBC]