Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ Y tế cho biết, qua 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 (Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg, ngày 17/3/2004), hiện chúng ta đã cơ bản hoàn thành việc khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3% trong cộng đồng dân cư năm 2010.
Đến nay Việt Nam đã tròn 20 năm đương đầu và đối phó với đại dịch HIV/AIDS. Tính đến cuối năm 2010, cả nước có 183.938 người nhiễm HIV đang còn sống, trong đó có 44.022 người ở giai đoạn AIDS. Kể từ đầu vụ dịch đến nay đã có 49.477 người tử vong do HIV/AIDS.
Qua các số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS đã xuất hiện ở 100% tỉnh, thành phố từ năm 1998, đến cuối năm 2010, 97,9% số quận, huyện và trên 75,23%, số xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS được báo cáo.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã bộc lộ những khó khăn, thách thức như một số đơn vị, địa phương, Chiến lược này chưa được triển khai triệt để, nhất là tuyến quận huyện, xã phường.
Một số địa phương chưa huy động được cộng đồng, xã hội tham gia. Mức đầu tư cho chương trình HIV/AIDS còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào đầu tư của nước ngoài vì thế không chủ động được nguồn lực, địa bàn và các hoạt động.
Vì vậy, Bộ Y tế cho biết, việc tiếp tục xây dựng Chiến lược quốc gia về lĩnh vực này cho giai đoạn tiếp theo là hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn tới nhằm đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ năm 2015 và hưởng ứng kêu gọi của Liên Hợp Quốc phấn đấu xã hội không có người nhiễm HIV mới, không có người tử vong do HIV/AIDS và không có phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS.
2 vấn đề ưu tiên trong phòng, chống HIV/AIDS
Bởi vậy, theo Dự thảo Bộ Y tế đang xây dựng, công tác phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và phức tạp cần phải tăng cường quản lý, chỉ đạo, phối hợp liên ngành và huy động mọi người dân, toàn xã hội tham gia.
Đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là đầu tư góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của đất nước mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp và gián tiếp.
Theo Dự thảo, có 2 vấn đề cần ưu tiên trong phòng chống HIV/AIDS. Trong đó, ưu tiên thứ nhất là coi dự phòng lây nhiễm HIV là chủ đạo cho công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới, tiếp tục coi trọng và phát huy vai trò công tác thông tin, giáo dục và truyền thông, các hoạt động can thiệp giảm tác hại cho dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam.
Ưu tiên thứ hai là chăm sóc toàn diện cho người nhiễm HIV/AIDS và giảm tác động của đại dịch HIV/AIDS lên người nhiễm HIV/AIDS, gia đình của họ và giảm tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
Trong đó công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nằm trong nhóm giải pháp về công tác chăm sóc toàn diện và giảm tác động của đại dịch HIV/AIDS. Đó bao gồm các hành động cụ thể như khuyến khích xét nghiệm HIV trước khi kết hôn, xét nghiệm sớm trong thời gian mang thai để được tư vấn; thực hiện quản lý sớm thai nghén để phát hiện nguy cơ và điều trị sớm các thai phụ nhiễm HIV; cung cấp xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai vào giai đoạn sớm của thai kỳ theo các mô hình phù hợp...
Cùng với đó, giải pháp còn là cung cấp sữa đến 6 tháng tuổi cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; cung cấp đủ thuốc cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV để điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV...
Theo Chinhphu.vn
[TT: TBC]