Hòa Bình: Quản lý đối tượng sau cai nghiện cần sự vào cuộc của cả cộng đồng
08/08/2012 Lượt xem: 272 In bài viếtTheo kết quả điều tra, rà soát của Sở LĐ-TB&XH, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 922 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở 109 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, toàn tỉnh có 1.244 hồ sơ đối tượng sau cai nghiện (SCN) trong danh sách quản lý. Hiện có mặt tại địa phương 869 đối tượng. Trong đó, số cai khỏi là 264 người, đạt tỷ lệ 30%, số có việc làm 257 người, đạt 29,5%.
Theo thống kê từ năm 2001 đến nay, Trung tâm Chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội (CB-GD-LĐXH) tỉnh đã tiếp nhận, quản lý, cai nghiện cho 4.665 người và 536 người được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Riêng năm 2010, Trung tâm tiếp nhận, quản lý, chữa trị phục hồi cho 689 học viên, số cai nghiện tại cộng đồng là 12 người. Tính đến thời điểm này, Trung tâm đang quản lý, chữa trị phục hồi cho hơn 370 học viên. Nhìn vào những con số trên thấy rõ sự cố gắng, nỗ lực cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội trong CNPH.
Tuy vậy, quản lý đối tượng sau cai nghiện (QLĐTSCN) tại cộng đồng còn một số hạn chế nên tỷ lệ tái nghiện vẫn cao. Theo thống kê, khảo sát, số đối tượng tái nghiện sau 6 đến 12 tháng được chữa trị, phục hồi còn chiếm đến 70%. Lý giải thực tế này, ông Nguyễn Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Phòng - chống TNXH tỉnh cho rằng, việc người nghiện sau khi đi cai trở về tái nghiện, ngoài lý do từ chính bản thân người nghiện không đủ quyết tâm, bị bạn bè xấu tiếp tục rủ rê, lôi kéo còn có một phần từ phía người thân của các đối tượng khi không có thái độ dứt khoát, cương quyết và sự kỳ thị, thái độ thờ ơ, lãnh đạm của cộng đồng xã hội. Ngoài ra, QLĐTSCN ở nhiều nơi còn hình thức, thiếu các biện pháp cụ thể, phù hợp. Tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy phức tạp, môi trường xã hội còn ma túy nên người nghiện dễ dàng tìm mua... cũng là tác nhân khiến tỷ lệ tái nghiện cao. Do đó đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả với loại tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy cũng là giải pháp quan trọng.
Để giải quyết vấn đề tái nghiện sau cai, theo ông Nguyễn Quốc Việt, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp nhưng mấu chốt vẫn là giải quyết, tạo việc làm cho người nghiện sau cai. Điều đó đã chứng minh qua thực tế ở thị trấn Cao Phong và một số địa phương trong tỉnh. Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Cao Phong Dương Đức Định cho biết: Những năm qua, với sự kiên trì, nỗ lực và quyết liệt, thị trấn Cao Phong đã thành công trong việc giảm số người nghiện, đảm bảo ổn định về ANTT trên địa bàn. Thị trấn đã tổ chức cai nghiện thành công cho nhiều đối tượng, mở lối cho những người lầm lỡ trở về đường thiện. Thị trấn Cao Phong đã cho hàng chục lượt đối tượng nghiện vay vốn ưu đãi; ưu tiên tạo việc làm, thu nhập ổn định bằng cách tổ chức đội vệ sinh môi trường, tạo việc làm ổn định cho 3 đối tượng nghiện, gia đình người nghiện và đối tượng sau cai nghiện. Cụ thể như gia đình Nguyễn Sỹ Bằng ở khu 4, sau khi cai nghiện, 2 vợ chồng đã được nhận vào làm công nhân Đội vệ sinh môi trường, đến nay cuộc sống đã cơ bản ổn định. Cũng như ở thị trấn Cao Phong, xã Tử Nê (Tân Lạc), thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) cũng đã hỗ trợ vốn vay cho gia đình, cá nhân người nghiện ma túy phát triển kinh tế hoặc như ở xã Trung Minh, phường Chăm Mát (TPHB), xã Hòa Sơn (Lương Sơn) đã quan tâm đến quản lý, tạo việc làm cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng.
Có thể nói, để giải quyết vấn đề QLĐTSCN, ngoài nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cùng với những hành động cụ thể thực chất như hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện, gắn liền quá trình cai nghiện với quản lý, giáo dục, giám sát, tạo việc làm trên cơ sở phát huy nguồn lực của cộng đồng trong giúp đỡ người sau cai hòa nhập cộng đồng. Có như vậy, công tác cai nghiện mới đạt hiệu quả, chất lượng cao.
Theo baohoabinh.com
[TT: TBC]