Người nhiễm HIV sẽ chỉ uống duy nhất một viên thuốc mỗi ngày thay vì 3 viên thuốc khác nhau như hiện nay. Bà bầu nhiễm HIV cũng sẽ được điều trị ngay từ tuần thứ 14 thay vì đợi đến tuần thứ 28 để dự phòng lây từ mẹ sang con.
Đây được coi là những nét mới nhất trong phương pháp điều trị HIV 2.0, lần đầu thí điểm tại Điện Biên và Cần Thơ. Cũng theo đó, việc sàng lọc và xét nghiệm HIV, trả kết quả cũng sẽ diễn ra ngay tại xã phường trong ngày chứ không phải đợi ít nhất là một tuần như trước. Nhờ đó, người bệnh sẽ được bắt đầu điều trị sớm hơn rất nhiều, giúp giảm các nhiễm trùng cơ hội và nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Tất cả các phụ nữ mang thai sẽ được xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu.
Phương pháp điều trị HIV 2.0 là một sáng kiến phối hợp của Tổ chức y tế thế giới và Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS. Phó giáo sư Bùi Đức Dương, Phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, trọng tâm thí điểm điều trị HIV 2.0 là phân cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị toàn diện xuống đến tuyến xã. Đây là bước đột phá nhằm tăng số người nhiễm HIV được chẩn đoán và điều trị sớm, hướng tới loại bỏ lây truyền từ mẹ sang con.
Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS, 80% các ca nhiễm HIV tại Điện Biên là do lây truyền qua đường máu. Tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai tại đây cao gấp 7 lần so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Có tới hơn một nửa số người nhiễm HIV tiếp cận tới chương trình chăm sóc điều trị rất muộn. Tiến sĩ Fabio Mesquita, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cũng nhấn mạnh, việc triển khai điều trị 2.0 sẽ giúp mở rộng độ bao phủ của chương trình điều trị HIV và giúp Điện Biên có thể thực hiện được việc loại bỏ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Điện Biên và Cần Thơ thí điểm triển khai sáng kiến điều trị 2.0 từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2012.
Theo Vnexpress
[TT: TBC]