Những mô hình sát thực tiễn trong công tác phòng chống ma túy

08/08/2012 Lượt xem: 291 In bài viết

Tập trung, thống nhất, toàn dân, toàn diện

Nhìn lại 5 năm về trước, tỉnh Sơn La được xác định là địa bàn trọng điểm về ma túy trên địa bàn toàn quốc. Nhiều biện pháp phòng chống tệ nạn được triển khai, nhưng tệ nạn ma túy vẫn diễn ra phức tạp, số người nghiện tăng lên nhanh, nhất là lứa tuổi thanh niên. Theo thống kê cuối năm 2005, toàn tỉnh có 173/203 xã, phường, thị trấn; 1.074/3.142 bản, tiểu khu, tổ dân phố có điểm mua bán ma túy. Bên cạnh đó tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy diễn ra tại nhiều địa bàn, lúc cao điểm lên tới hàng trăm ha; con số thống kê năm 2005 gần 9,5 nghìn người nghiện ma túy.

Với quyết tâm cao nhất, đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, ngày 17/2/2006, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kết luận số 03 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác phòng chống tệ nạn ma túy. Ban chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy được thành lập từ tỉnh đến cơ sở (gọi tắt là Ban chỉ đạo 03) có quy chế hoạt động và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy. Từ tính chất phức tạp của tệ nạn ma túy nên trong quá trình triển khai tỉnh ta đã thực hiện chủ trương "Tập trung thống nhất, toàn dân, toàn diện kiên trì phòng chống tệ nạn ma túy" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Công tác phòng chống tệ nạn ma túy trở thành phong trào rộng khắp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây là đợt triển khai quyết liệt nhất tấn công mạnh nhất vào tệ nạn ma túy từ trước đến nay với các chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực, tạo nên sức mạnh tổng hợp và đã giành được nhiều thành quả quan trọng trên mặt trận phòng chống tệ nạn ma túy.

Những Mô hình sát thực tế

Xác định công tác phòng, chống ma túy là của tất cả mọi người, mọi nhà, mọi cấp, mọi ngành nên đã tạo nên sự đồng thuận xã hội rất lớn, tạo nên sức mạnh của cả xã hội để đẩy lùi ma túy. Đặc biệt bằng việc vận dụng, sáng tạo sát với điều kiện thực tiễn địa phương và mỗi một quy trình triển khai đến nay đã được đánh giá là một mô hình tiêu biểu trong công tác phòng chống ma túy trên địa bàn.

Trước tiên phải kể đến Mô hình phát động nhân dân tham gia tố giác tội phạm ma túy, phát giác người sử dụng trái phép ma túy để thống kê, lập hồ sơ quản lý chính xác đối với người nghiện ma túy, được coi là biện pháp thành công nhất tại tỉnh ta. Điều đó được chứng minh bằng thực tiễn, năm 2005 theo tổng hợp toàn tỉnh có 9.478 người nghiện ma túy. Nhưng năm 2006 qua tổ chức họp dân, lập hòm thư tố giác, phát giác số người nghiện tăng lên con số hơn 22.000 người bị nhân dân phát giác là có hoặc nghi có sử dụng chất ma túy trái phép. Với cách làm này, gần như 100% số người nghiện, nghi nghiện hoặc có biểu hiện liên quan đến buôn bán, sử dụng ma túy đều không lọt qua tai mắt của quần chúng nhân dân.Qua các biện pháp sàng lọc, nhất là biện pháp tư vấn của các cơ quan chức năng hầu hết người nghiện ma túy đã tự nhận nghiện hút ma túy và có đơn xin được hỗ trợ cắt cơn và cai nghiện. Thành công lớn của mô hình này là sau 5 năm thực hiện số người nghiện ma túy mới trên địa bàn toàn tỉnh hầu như không có. Biện pháp tổ chức họp dân để phát giác là biện pháp chính xác nhất, hiệu qủa nhất, tạo được lòng tin của quần chúng nhân dân.

Từ phát giác con số hơn 22.000 người có sử dụng ma túy trái phép đến con số được lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy là kết quả của Mô hình tư vấn, vận động người bị phát giác liên quan đến ma túy tự nhận nghiện và viết đơn xin cai nghiện. Việc triển khai mô hình này được tiến hành giao cho ban chỉ đạo 03 các cấp cùng với cán bộ các tổ chức chính trị xã hội cấp bản, cấp xã trực tiếp gặp gỡ, tư vấn. Biện pháp này vừa tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ về tác hại của ma túy, các chủ trương của Đảng và Nhà nước của tỉnh trong công tác phòng chống ma túy không chỉ đối với người nghiện ma túy mà với cả cộng đồng xã hội, từ đó người nghiện nhận thức được để thay đổi hành vi. Biện pháp này tiết kiệm được một khoản kinh phí khá lớn qua biện pháp thử test nhanh sử dụng trong thời gian trước đây.

Mô hình hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện, quản lý tại công đồng qua thực hiện được đánh giá khá hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán và tính cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái của đồng bào các dân tộc. Mô hình này đã giải quyết tình thế hơn 16.500 người nghiện ma túy phải giải quyết cùng một lúc, trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ cán bộ thiếu và nguồn kinh phí để đáp ứng cho công tác quản lý, cai nghiện tập trung. Có thể nói, thực hiện mô hình này đã đem lại hiệu quả rõ rệt.

Bên cạnh đó, Mô hình xây dựng, củng cố, kiện toàn các mô hình tổ chức quần chúng tham gia phòng chống tội phạm ma túy; mô hình thẩm định, công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn không có ma túy, bàn giao và hỗ trợ kinh phí cho địa phương quản lý cũng đã được đánh giá cao, đem lại hiệu quả rõ rệt, hiện đang tiếp tục được triển khai, nhân rộng. Quy định tiêu chuẩn đơn vị, địa phương không có ma túy hoặc cơ bản đạt tiêu chuẩn 4 không về ma túy được tiến hành hàng năm; gắn việc trao cấp bằng công nhận “đơn vị không có ma túy” và “công nhận đơn vị cơ bản đạt 4 không về ma túy” kèm theo kinh phí hỗ trợ để giữ vững danh hiệu đạt được; đồng thời gắn với quy định trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương cũng được đánh giá là mô hình hiệu quả trong phong trào phòng chống ma túy.

Mỗi mô hình tiêu biểu là thành quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai sát thực tế và hợp với lòng dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp đẩy lùi ma túy ra khỏi cộng đồng. Tệ nạn ma túy được khống chế, không phát sinh thêm người nghiên ma túy và đặc biệt đến nay toàn tỉnh có 4.052 đơn vị đạt tiêu chuẩn không có ma túy và 526 đơn vị cơ bản đạt tiêu chuẩn bốn không về ma túy là thành quả quan trọng phòng chống tệ nạn ma túy suốt 5 năm qua công tác phòng chống ma túy đã góp phần thiết thực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Theo baosonla.org.vn

[TT: TBC]