Thôn nữ bị lừa lấy chồng nhiễm HIV

08/08/2012 Lượt xem: 270 In bài viết
Nhiễm bệnh mà không biết

Bác sỹ Bùi Thị Chút, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã trực tiếp khám, xét nghiệm, tư vấn cho hàng ngàn người bệnh trong suốt mấy chục năm làm thầy thuốc, nhưng có những bệnh nhân mà bà không thể quên vì hoàn cảnh quá éo le: Bị lừa lấy chồng nhiễm HIV mà không hay biết gì.

Người trẻ nhất rơi vào tình cảnh này là một thiếu nữ 17 tuổi, quê ở Nam Định. Khi được làm mai mối để lấy một người chồng ở thành phố, có đầy đủ nhà cửa, xe cộ, lại trẻ trung, cao to đẹp trai, cả gia đình, họ hàng lẫn thiếu nữ này nhanh chóng đồng ý kết hôn. Cho đến ngày cưới cô cũng mới biết mặt chồng mình.

Lấy chồng được một thời gian, cô gái có bầu. Có thai được hơn 1 tháng, bà mẹ chồng đưa cô đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám thai, làm các xét nghiệm. Cầm kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, cô gái mới biết mình nhiễm bệnh.

Cô gái cho biết chồng là người đàn ông đầu tiên và duy nhất cô quan hệ. Khi đề nghị đưa chồng đến xét nghiệm một thể thì bác sỹ Chút “choáng” khi bà mẹ chồng thản nhiên đáp: “Con tôi bị nhiễm HIV lâu rồi!”.

Lý do khiến bà mẹ chồng cố lừa cô gái 17 tuổi lấy con trai mình là vì muốn có cháu bế. “Tôi chỉ có một đứa con trai duy nhất, nếu không lấy vợ cho nó để đẻ con thì tôi mất giống à?”, bác sỹ Chút thuật lại lời bà mẹ chồng.

Ngoài trường hợp mới 17 tuổi này ra, người “lớn tuổi” nhất rơi vào tình cảnh tương tự cũng mới 19 tuổi. Điều trái khoáy còn nằm ở chỗ khi biết mình nhiễm HIV, các cô gái này cũng không… sốc lắm!

“Bởi vì họ còn không biết HIV nó là cái gì, có nguy hiểm không. Có nhiều cô khi tôi hỏi chỉ nói là “cháu cũng nghe nói đến bệnh đó”, ngoài ra không có phản ứng gì nữa. Tức là chính họ cũng không hiểu gì về bệnh để mà sốc”, bác sỹ Chút nói.

Theo những thông tin mà bệnh nhân chia sẻ, thì việc họ quyết định lấy một người giàu có ở thành phố nhưng không qua tìm hiểu là để “đổi đời”. Trước sự cám dỗ quá lớn về vật chất, lại thêm lời ngon ngọt “con gái thành phố ăn chơi, không biết vun vén gia đình, tôi chỉ muốn lấy con gái ở quê để còn đảm đương công việc” từ các bà mẹ chồng tương lai khiến các thiếu nữ này cùng gia đình dễ dàng rơi vào cái “bẫy” đã được giăng sẵn. Mặt khác, việc lấy các cô gái nông thôn sẽ giảm nhiều “bất lợi” cho bà mẹ chồng nếu sau này sự việc bị “phát giác”.

Cách thức để giảm khả năng khiến HIV lây từ mẹ sang con

Hiện nay, không chỉ riêng các trường hợp bị lừa như trên, đã trót mang thai khi mình đã nhiễm HIV mới cần tìm hiểu các biện pháp dự phòng để tránh lây bệnh sang con, mà ngay cả những người chung sống tự nguyện với nhau, biết mình có HIV và vẫn muốn sinh con cũng cần phải tìm hiểu kỹ các biện pháp này.

Theo bác sỹ Chút, khi người mẹ mang thai bị nhiễm HIV thì chưa chắc thai nhi cũng bị nhiễm nếu sử dụng thuốc kháng virus HIV đến lúc đẻ và sau đẻ.

"Nếu dự phòng đúng chỉ dẫn của bác sỹ và phát hiện càng sớm càng tốt thì tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con chỉ là 5%, trong khi tỷ lệ lây nhiễm khi không dự phòng lên đến 35-40%", bác sỹ Chút thông tin.

Ngau sau khi sinh con, đứa trẻ cần được xét nghiệm và điều trị đầy đủ theo chỉ dẫn. Đến hết tháng thứ 18, nếu kết quả xét nghiệm vẫn là âm tính thì có thể khẳng định chắc chắn cháu bé đó không bị nhiễm HIV từ mẹ.

 

Cần luật hóa việc khám sức khỏe trước khi kết hôn Từ những câu chuyện đau lòng và hết sức đáng thương này, bác sỹ Chút cho rằng việc khám sức khỏe, xét nghiệm tổng thể trước khi kết hôn cần được luật hóa, coi như đó là một trong những thủ tục, điều kiện bắt buộc trước khi cưới (nhất là trong bối cảnh người HIV ở Việt Nam chưa có ý thức tự giác).

Việc này càng cần thiết trong xã hội hiện nay, khi mà ngân hàng tinh trùng đang ngày càng đông khách. Dù giấu hoàn toàn thông tin cá nhân người hiến tinh trùng nhưng rất có thể cuộc sống và số phận đưa đẩy khiến hai anh em cùng cha khác mẹ yêu nhau, nếu không kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân, không xét nghiệm ADN thì không thể phát hiện điều này.

Hiện nay, các loại thuốc kháng virus HIV (thuốc ARV) được tài trợ từ rất nhiều các tổ chức trong và ngoài nước nên những thai phụ nhiễm HIV được sử dụng thuốc ARV miễn phí.

Người bệnh cần hết sức lưu ý: Phải tìm đến các nơi có địa chỉ đàng hoàng, đến các bệnh viện chuyên ngành của Bộ Y tế để đảm bảo nhận được thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt và có chỉ dẫn cụ thể, chính xác từ thầy thuốc.

Ngoài ra, những người có HIV nếu muốn có con có thể sử dụng các kỹ thuật y tế hiện đại như lọc rửa tinh trùng để giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV từ cha mẹ sang con cái.

HIV là căn bệnh gây nên hậu quả nặng nề cho mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Từ thực tế khám chữa bệnh cho các thai phụ nhiễm HIV (thụ động), bác sỹ Chút cho rằng ngành y tế còn nhiều việc phải làm để nâng cao kiến thức về bệnh cho nhân dân, nhất là những người ở vùng sâu vùng xa. Các cô gái bị lừa lấy chồng nhiễm HIV ở trên đều xuất phát từ các miền quê cách Hà Nội không xa là mấy nhưng kiến thức về HIV thì gần như mù tịt.

 

Tội lây truyền HIV cho người khác

1. Người nào biết mình bị nhiêm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt từ từ 3 năm đến 7 năm: đối với nhiều người; đối với nhiều người chưa thành niên; đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình; đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

(Điều 117 - Bộ luật hình sự)

Tội cố ý truyền HIV cho người khác

1. Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 117 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: có tổ chức; đối với nhiều người; đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; lợi dụng nghề nghiệp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

(Điều 188 - Bộ luật Hình sự)

 

Theo vietnamnet.vn

[TT: TBC]