Những đường dây ma túy ngoại biên
08/08/2012 Lượt xem: 316 In bài viếtViệt Nam có đường biên giới đất liền dài 4.610km, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia với 20 cửa khẩu quốc tế, 20 cửa khẩu phụ; tuyến biên giới biển dài 3.260km, có 37 cửa khẩu cảng và 147 cảng. Với đặc điểm là “biên giới mở”, hệ thống các công trình bảo vệ biên giới đất liền, biển đảo còn rất sơ sài, bất kỳ nơi nào thuận lợi, người và phương tiện thô sơ đều có thể qua lại hai bên biên giới. Thời gian gần đây, với chính sách thu hút đầu tư, khu vực biên giới ngày càng sầm uất, nhộn nhịp với 34 khu kinh tế cửa khẩu và thương mại tự do, hàng năm có 6 - 7 triệu lượt khách và hàng trăm ngàn lượt phương tiện xuất nhập cảnh vào Việt Nam với nhiều lý do. Đây là một điều kiện cực kỳ thuận lợi cho các loại tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng. Ngày càng nhiều những đường dây ma túy lớn ở ngoại biên, và như những chiếc vòi bạch tuộc, chúng tìm mọi cách thọc sâu vào nội địa, gieo rắc thảm họa cho đồng loại.
Tuyến biên giới Việt Nam - Lào chính là một trọng điểm phức tạp nhất về tội phạm ma túy của nước ta từ trước đến nay. Đường biên giới đất liền dài 2.067km với 10 tỉnh của Việt Nam tiếp giáp với 10 tỉnh của Lào dọc biên giới. Trung tá Khăm Tăn Bun Thon Ụ Thay, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, Bộ An ninh Lào cho biết, do đặc điểm địa lý của Lào giáp Tam giác vàng, nơi sản xuất ma túy lớn nhất thế giới, cho nên vấn đề rất nhức nhối nhiều năm nay là các tỉnh Bắc Lào như Bo Kẹo, U Đôm Xay, Luông Nậm Thà, Xay Nha Bu Ly luôn phải chịu áp lực lớn về ma túy với số lượng cung lớn, giá cả chênh lệch rất cao. Các tổ chức mafia đẩy mạnh việc mở rộng thị trường tiêu thụ để thu lợi nhuận và chúng mua bán ma túy liên quan đến hoạt động buôn bán vũ khí quân dụng, giết người, mại dâm...Tội phạm ma túy ở Lào có quan hệ với chính quyền và cả lực lượng chuyên trách. Nhiều nơi, cả trưởng công an quận, huyện cũng buôn ma túy hoặc có quan hệ với tội phạm ma túy. Nhiều bản người Mông, cả bản cùng buôn bán ma túy, mỗi nhà có 1,2 chiếc ô tô đắt tiền, họ tự bỏ tiền làm đường nhựa, kéo đường dây điện về dùng. Khi lực lượng chức năng đến truy bắt tội phạm ma túy, dân bản đổ ra vây chặt, không cho ra. Trong khi đó, hệ thống pháp luật của Lào còn hạn chế, lực lượng chức năng chống ma túy còn mỏng, kinh nghiệm, phương tiện, kinh phí đảm bảo cho công tác phòng chống ma túy cũng khó khăn. Ma túy từ khu vực Tam giác vàng được bọn tội phạm ma túy, chủ yếu là người Mông (chiếm 15% dân số Lào) ở các tỉnh Bắc Lào và thủ đô Viêng Chăn móc nối với các đối tượng ở các tỉnh giáp biên giới Việt Nam như Phong Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt... tổ chức mua bán vận chuyển vào Việt Nam qua các tuyến biên giới Tây Bắc, Đông Bắc miền Trung, tuyến Tây Nam... Chúng tạo nên nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với đối tượng nước ngoài như Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và người gốc Phi. Tội phạm ma túy chiếm 70 - 80% tổng số tội phạm các loại ở Lào. Với số đối tượng người Việt Nam, chúng móc nối, lợi dụng mối quan hệ dân tộc, thân tộc, dòng họ của cư dân hai bên biên giới gắn bó chặt chẽ, lâu đời, thường xuyên qua lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hoá, thông thạo địa hình, các đường mòn, đường tắt qua lại biên giới, khó khăn về kinh tế để lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc họ tham gia vận chuyển ma túy qua biên giới, hình thành đường dây khép kín vận chuyển ma túy vào Việt Nam và đi nước thứ ba tiêu thụ. Bên cạnh đó, chúng còn tổ chức thành từng toán, nhóm có trang bị vũ khí quân dụng để tự vệ và chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Ở Lào, ai mua ma túy nhiều đều được tặng súng, mua 2 bánh được tặng súng ngắn, 10 bánh được tặng AK. Báo cáo của Cục Cảnh sát PCTPMT - Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh Lào cũng cho biết, nếu năm 2009 đã phá tổng số 404 chuyên án ma túy, bắt giữ 730 đối tượng, trong đó có 25 người nước ngoài, thu giữ 2.396,5kg MTTH, 30,43kg heroin, 3.184kg cần sa khô, hơn 7 triệu viên tiền chất (khoảng 4.665kg)... thì riêng 6 tháng đầu năm 2010, đã phá 164 vụ, bắt giữ 265 đối tượng, trong đó có 13 người nước ngoài và riêng số MTTH tang vật cũng xấp xỉ số lượng cả năm trước: 2.280,72kg. Trung tá Bun Thon cũng cho biết thêm, ở đất nước Triệu Voi này, việc bắt được vài chục ký MTTH hay vài tấn heroin là bình thường. Các anh mới nhận được nguồn tin, bọn tội phạm ma túy mang 4 tấn heroin đi đổi vũ khí!
Qua công tác nghiệp vụ cơ bản, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy - Bộ đội Biên phòng đã phát hiện ở địa bàn ngoại biên có 273 đối tượng có tài liệu nghi vấn tham gia hoạt động trong các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy; 57 tụ điểm phức tạp về ma túy ở các bản giáp biên như Na Luông, Huổi Hịa, Pa Hốc thuộc tỉnh Phong Xa Lỳ đối diện với tỉnh Điện Biên; bản Muống, bản Huổi Hiềng, bản Pưng, bản Nậm Tớp, bản Tà Điếng thuộc tỉnh Hủa Phăn đối diện tỉnh Sơn La; bản Khằm Nàng, Na Hàm, Viêng Xay thuộc tỉnh Hủa Phăn, đối diện tỉnh Thanh Hoá; bản Nậm Bống, Phà Đánh thuộc tỉnh Hủa Phăn đối diện tỉnh Nghệ An; bản Sốp Tông, Mường Chằm, khu vực thị trấn Lắc Xao thuộc tỉnh Bô Ly Khăm Xay đối diện tỉnh Quảng Trị; khu vực Đen Sa Vẳn, bản Na Bô thuộc tỉnh Sa Vẳn Na Khệt đối diện tỉnh Quảng Trị. Trong số 22 tuyến mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới vào Việt Nam, một số tuyến đặc biệt phức tạp là Pa Hốc, Mường Mày - Na Ư (Điện Biên); Na Luông, Mường Mày - Pa Thơm, Điện Biên; Pa Háng, Xiềng Khọ - Lóng Sập, Mộc Châu (Sơn La); Nậm Bống - Tri Lễ, Châu Thôn thuộc huyện Quế Phong (Nghệ An); Phà Vén - Nậm Cắn, Mường Xén của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An); Lắc Xao, Bô Ly Khăm Xay - Cầu Treo (Hà Tĩnh); Nhuôm Ma Lạt, Khăm Muộn - Cha Lo (Quảng Bình); Sa Vẳn Na Khệt - Lao Bảo, Đông Hà (Quảng Trị). Đáng lưu ý, theo báo cáo của Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an, hiện nay có gần 100 đối tượng là người Việt Nam đang có lệnh truy nã trốn sang Lào vẫn tiếp tục buôn bán ma túy tại các địa bàn trọng điểm.
Ở nội biên, tình hình tội phạm ma túy nổi lên tại địa bàn các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Qua công tác nắm tình hình, đã phát hiện gần 80 đường dây tội phạm ma túy hoạt động ở 123/183 xã biên giới, tập trung ở 65 xã trọng điểm. Hầu hết các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Lào về Việt Nam đều trang bị vũ khí quân dụng, chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Ngày 19-5-2009, tại Huổi Phai, một khu vực giáp ranh giữa xã Tri Lễ và Châu Thôn, huyện Quế Phong, Nghệ An, đối tượng đã sử dụng vũ khí chống trả quyết liệt lực lượng đánh bắt, buộc ta phải nổ súng bắn chết hai đối tượng, một người Việt tên Lữ Thị Châm, 34 tuổi, ở huyện Quế Phong, Nghệ An và một người Lào, thu 17,5 bánh heroin, 1 súng AK, 1 súng K54, 2 quả lựu đạn và 33 viên đạn, 200 triệu đồng, 2.000 USD. Ngày 2-11-2009, BĐBP Sơn La tổ chức mật phục, bắt 2 đối tượng người Lào, thu 50 bánh heroin, 598 viên MTTH, 2 súng quân dụng, đặc biệt, đã triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn có trang bị vũ khí nóng, hoạt động đã nhiều năm nay do các đối tượng người Lào chủ mưu cầm đầu tổ chức mua bán vận chuyển ma túy từ Sầm Nưa (Lào) qua địa bàn biên giới xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, Sơn La để giao cho các đối tượng người Mông Việt Nam ở các địa bàn nội địa tiêu thụ.
Các đối tượng chủ yếu buôn bán heroin, thuốc phiện, cần sa, tân dược gây nghiện, các loại ma túy tổng hợp. Bọn tội phạm vận chuyển ma túy qua biên giới Việt – Lào thường giấu các chất ma túy lẫn trong hàng hoá, hộp nước uống, mỹ phẩm, bột quặng thạch cao, trong cấu kiện ôtô, hoặc giả đưa người sang cơ sở y tế Việt Nam cấp cứu, sử dụng lái xe quá cảnh, công nhân các công ty liên doanh, các cơ sở sản xuất của người Việt Nam tại Lào để qua các cửa khẩu hoặc thuê người dân tộc thiểu số ở hai bên biên giới có quan hệ họ hàng thông thuộc địa hình, chia thành từng nhóm nhỏ từ 5 - 7 người có vũ trang vượt biên trái phép, mỗi người vận chuyển 3 - 5 bánh heroine hoặc vài trăm viên hồng phiến giấu trong người, trong gùi hàng theo đường mòn tập kết tại các xã, bản ngay sát biên giới, sau đó bán cho các đối tượng trong các tổ chức đường dây đến khu vực biên giới đặt cọc mua ma túy. Lợi dụng việc đi lại dễ dàng trên đường biên giới dài hơn 2.000km giữa Lào và Việt Nam, nhiều đối tượng sau khi phạm tội đã tìm cách lẩn trốn sự truy bắt của các cơ quan thực thi pháp luật. Đã xuất hiện nhiều đối tượng là người Việt Nam sau khi phạm tội hoặc bị truy nã trong nước đã bỏ trốn sang Lào, liên hệ với bọn tội phạm trong nước để hợp thức giấy tờ tùy thân, thay tên, đổi họ, xoá tung tích, thậm chí lập gia đình với người địa phương nên rất khó phát hiện. Chúng cấu kết với các đối tượng người bản địa, thậm chí tiếp tục chỉ đạo đồng bọn ở Việt Nam hoạt động phạm tội. Điều này đã gây khó khăn cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan thi hành pháp luật của hai nước.
Đối tượng tham gia trong các đường dây gồm nhiều thành phần, có cả người Lào và người Việt Nam, gồm cả số đối tượng có lệnh truy nã về tội ma túy trốn sang Lào; một số là cán bộ chính quyền (trưởng, phó bản, dân quân...) cũng tham gia buôn bán, vận chuyển, cất giấu, tàng trữ ma túy với vai trò chủ mưu, cầm đầu (bản Pa Hốc, Muống, Huổi Hiềng...). Do vậy, các ổ nhóm tội phạm tại các bản này hoạt động rất manh động và liều lĩnh, chúng trang bị vũ khí nóng (súng quân dụng AK, CKC, K54, K59, lựu đạn hoặc súng tự tạo có khả năng sát thương như súng quân dụng), tổ chức thành từng toán nhóm vận chuyển ma túy từ các bản trọng điểm vượt biên, xâm nhập qua biên giới bằng các đường mòn, đường tắt hoặc xuyên rừng để đưa ma túy vào Việt Nam tiêu thụ, khi bị phát hiện đánh bắt, chúng bắn trả quyết liệt và tẩu thoát, trọng điểm là một số khu vực thuộc xã Chiềng Sơn, Mộc Châu, Sơn La; Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An... Buôn bán ma túy thu lợi nhuận cao, có nhiều tiền, một số đối tượng có biểu hiện ra mặt chống đối, gây khó dễ cho chính quyền sở tại hai bên biên giới và gây mất ANTT trên địa bàn, rất khó kiểm soát.
Việt Nam và Trung Quốc có biên giới đường bộ dài 1.470km thuộc địa bàn bảy tỉnh là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong những năm qua, tình hình hoạt động của tội phạm về ma túy ở các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh việc vận chuyển heroin từ Việt Nam sang Trung Quốc theo xu hướng tất yếu là từ Tam giác vàng qua Lào, Campuchia sang Việt Nam rồi sang Trung Quốc, sau đó tiếp tục đi Hồng Kông, Ma Cao hay nước thứ ba, thì thời gian gần đây, lực lượng phòng chống ma túy - Bộ đội Biên phòng phát hiện ngày càng nhiều các vụ án vận chuyển ma túy tổng hợp từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cách đây vài năm, thường chỉ có tân dược gây nghiện từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng hiện tại ma túy tổng hợp đã dần thay thế tân dược gây nghiện và sang Việt Nam ngày càng phổ biến, số lượng ngày càng lớn và chủng loại đa dạng. Vì vậy, trong năm 2010, tỷ lệ các vụ án buôn bán, vận chuyển ma túy tổng hợp có xu hướng tăng, thậm chí hầu như trong mỗi chuyến hàng, ngoài số “hàng trắng” bao giờ cũng kèm thêm ít “hàng hồng”, hàng “đá”. Theo thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Phòng nghiệp vụ, Cục Phòng chống tội phạm ma túy - BĐBP, từ trước tới nay tuyến biên giới Việt - Lào được coi là trọng điểm vì chịu áp lực từ khu vực Tam giác vàng thì bây giờ, chính tuyến biên giới Việt - Trung, điển hình là khu vực biên giới Quảng Ninh mới chính là trọng điểm số 1. Bởi vì, không những phải chịu áp lực bởi một lượng ma túy khổng lồ từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Campuchia qua Việt Nam để sang Trung Quốc mà còn phải chịu tác động bởi những đường dây vận chuyển ma túy tổng hợp từ Trung Quốc vào Việt Nam. Và cần phải xác định lại, tuyến biên giới Việt - Trung qua các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai mới là trọng điểm số 1, là tiềm ẩn nguy cơ lớn về hoạt động vận chuyển ma túy với số lượng lớn qua biên giới. Thượng tá Hiệp cũng cho biết, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt để qua mặt các cơ quan chức năng, nhất là trong thông tin liên lạc, giao nhận tiền - hàng... Đặc biệt, qua nghiên cứu các vụ đã bị phát hiện bắt giữ cho thấy, chúng thường dùng thủ đoạn thuê người vận chuyển qua biên giới. Cách đây ít lâu, tại khu vực biên giới Vàng Lầy, phường Trần Phú, Móng Cái, Quảng Ninh, Bộ đội biên phòng đã bắt quả tang hai đối tượng nam giới, đều tạm trú khu 4, phường Trần Phú, Móng Cái đang vận chuyển 20 bánh heroin, nhưng vụ án này đã không thể khởi tố được bởi họ chỉ là người vận chuyển thuê.
Khác với tình hình mua bán, vận chuyển ma túy diễn ra ở các tỉnh biên giới Việt - Lào hay Việt Nam - Campuchia, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy ở biên giới Việt - Trung diễn ra theo hai chiều: heroin được mua ở tuyến Tây Bắc giáp Lào vận chuyển sâu vào nội địa Việt Nam rồi đưa sang Trung Quốc, ngược lại, ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện với các dạng bột, viên nén lại được vận chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam rồi được chuyển tiếp vào sâu nội địa. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường ít xuất hiện hoặc không xuất hiện mà chỉ đạo từ xa thông qua mạng Internet, điện thoại quốc tế và điện thoại giấu số. Những đối tượng cư trú, làm ăn ở khu vực biên giới, thông thạo địa bàn được móc nối, thuê vận chuyển qua biên giới hoặc thuê số phụ nữ Việt Nam lấy chồng hoặc bị lừa bán sang Trung Quốc, khách du lịch hám tiền cất giấu, vận chuyển ma túy về Việt Nam trả công cao. Qua thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, lực lượng chuyên trách BĐBP phát hiện có 42/176 xã biên giới có hoạt động tập kết, mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, trọng điểm là địa bàn TP. Móng Cái (Quảng Ninh), Tân Thanh, Chi Ma, Đồng Đăng, Thanh Long (Lạng Sơn), xã Phố Bảng (Hà Giang), xã Đàm Thủy (Cao Bằng). Trong đó có một số đường dây, tổ chức tội phạm đã hoạt động nhiều năm, vận chuyển trót lọt số lượng lớn heroin, thuốc phiện và hàng trăm nghìn viên ma túy tổng hợp vào Việt Nam. Cá biệt có vụ vận chuyển với số lượng lớn, có vụ vận chuyển qua đường sắt tới 24,5kg heroin. Năm năm qua, các lực lượng chức năng bảy tỉnh biên giới của Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 7.421 vụ, 10.151 đối tượng phạm tội về ma túy, thu hơn 337kg heroin; 175kg thuốc phiện, gần 150.000 viên, 4kg, 2.500 ống ma túy tổng hợp; 8,8 tấn nhựa cần sa, 1,15kg cần sa khô; 915 viên, 8.700 ống tân dược gây nghiện.
Bọn tội phạm về ma túy triệt để lợi dụng chính sách mở cửa kinh tế thông thoáng để hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Tội phạm ma túy hoạt động không theo truyền thống mà chúng đã nâng tầm cao hơn với thủ đoạn tinh vi, mang tính quốc tế và có sự cấu kết chặt chẽ giữa những đối tượng trong nước và đối tượng nước ngoài. Trong những năm qua, các lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan) đã bóc gỡ nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn, có sự cấu kết chặt chẽ đối tượng trong tỉnh với tỉnh ngoài, nước ngoài, với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là trong thông tin liên lạc, giao nhận tiền - hàng... Điển hình là vụ Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Cục Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng chức năng phá chuyên án, bắt giữ năm đối tượng người nước ngoài (4 người Trung Quốc, 1 người Indonesia). Theo điều tra của cơ quan công an, các đối tượng đã lợi dụng phương thức vận chuyển hàng tạm nhập tái xuất để đưa 2 container chứa hơn 8 tấn nhựa cần sa được ngụy trang trong các thùng đựng quần bò vận chuyển bằng đường biển nhập về Việt Nam và đưa ra nước ngoài.
Ngay sát biên giới Việt Nam - Campuchia, các trường gà và sòng bạc hoạt động khá xôm tụ, đặc biệt tại khu vực Bà Vét (đối diện Đồn BPCK Mộc Bài - Tây Ninh), Chrây Thum, Com XaNo, Phrum Đinh (đối diện Đồn BPCK Long Bình, Sông Tiền, Tịnh Biên - An Giang). Từ đây, đủ loại tệ nạn xã hội cũng “ăn theo” và không kém phần náo nhiệt. Trong đó, nổi lên hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp dạng tinh thể (Ice, thường gọi là hàng “đá”) và mua bán, vận chuyển heroin từ Phnôm Pênh về các tụ điểm tệ nạn xã hội. Đối tượng chủ yếu từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây xuất nhập cảnh sang Campuchia buôn bán, thăm thân, du lịch, đánh bạc, móc nối với các đối tượng chuyên buôn bán ma túy tại Campuchia hình thành đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới về Việt Nam. Gần đây, các đối tượng người Philippines và người gốc Phi móc nối với số phụ nữ Việt Nam làm gái mại dâm tại Campuchia hoặc phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn hám tiền lấy làm vợ để lừa gạt họ tham gia vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam qua địa bàn cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh vào Việt Nam, sau đó đưa đi nước thứ ba tiêu thụ. Ma túy thường được ngụy trang trong hàng hóa, hành lý và cất giấu trong người để qua cửa khẩu hoặc qua các đường tắt, đường mòn biên giới. Lực lượng BĐBP đã xác định 52/127 xã biên giới ở các địa bàn trọng điểm có hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy như: Tây Ninh, Long An, An Giang... Đặc biệt, dù đã bị Bộ Y tế cấm vì có chứa tân dược gây nghiện, gây hại cho người sử dụng, nhưng loại thuốc xuất xứ từ Campuchia có tên “Dân tộc cứu nhân vật” vốn được quảng cáo như một thần dược, chữa được tới 53 thứ bệnh khác nhau vẫn được các đối tượng lén lút vận chuyển về Việt Nam bán kiếm lời.
Điểm mới trong vấn đề tội phạm ma túy ở Việt Nam trong thời gian gần đây là sự gia tăng hoạt động mạnh của các đối tượng phạm tội hình sự bị truy nã trong nước trốn ra nước ngoài liên kết thành các băng nhóm sử dụng tàu thuyền giả dạng tàu cá, mang biển kiểm soát nước ngoài vận chuyển ma túy, tiền chất vào Việt Nam, sau đó đi nước thứ ba tiêu thụ. Tân Cảng - TP. Hồ Chí Minh và Cái Mép ở Bà Rịa - Vũng Tàu là những cảng mà tội phạm ma túy thường sử dụng để trung chuyển ma túy. Ở những địa bàn khác, chủ yếu xảy ra các hoạt động mua bán, vận chuyển heroin, MTTH nhỏ lẻ từ nội địa cung cấp cho các tụ điểm tệ nạn xã hội, khu du lịch, vui chơi giải trí, cảng biển, bến neo đậu tàu thuyền như ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu... Hiện có khoảng 300 tụ điểm phức tạp về ma túy ở 240/595 xã, phường. Đối tượng hoạt động chủ yếu do người Việt Nam nghiện ma túy thực hiện. Các vụ án có người nước ngoài tham gia mới xảy ra 2 vụ. Trong 5 năm qua (2005-2010), lực lượng chuyên trách PCTP ma túy Cảnh sát biển đã phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an và các địa phương tiến hành điều tra, khám phá 349 chuyên án, vụ án phạm tội về ma túy; bắt giữ 677 đối tượng, thu giữ 8,16 tấn nhựa cần sa, trên 81 bánh heroin, hơn 10.000 viên MTTH, gần 1,7kg ketamine, 340 điếu tài mà, 758 chấm đá, 4 khẩu súng và 55 viên đạn; hơn 4,6 tỷ đồng và 9.300USD, 143 xe máy, 12 ô tô 359 ĐTDĐ và nhiều tang vật, tài sản có giá trị khác. Ngoài ra, Phòng PCTP ma túy, Cục Cảnh sát biển còn phối hợp với lực lượng công an xác lập các chuyên án nhằm xác minh, bắt giữ tàu biển nước ngoài vận chuyển ma túy vào lãnh thổ Việt Nam; đã phát hiện và rà soát tổng số hơn 500 tàu nước ngoài vào các cảng Việt Nam, trong đó có gần 200 tàu đến từ Nam Mỹ như Panama, Libêria, Pêru... Gần đây, hai đơn vị này còn phối hợp xác minh về một nhóm đối tượng sử dụng tàu mang biển kiểm soát Thái Lan, vận chuyển 174kg tiền chất để sản xuất methamphetamine từ vùng biển Campuchia vào Việt Nam và đi nước thứ ba. Số hàng này được chúng để lẫn với cà phê nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Trước tình hình phức tạp đó, ngoài sự nỗ lực của các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển, An ninh hàng không nhằm đấu tranh, ngăn chặn những chiếc vòi bạch tuộc từ bên ngoài biên giới, không thể thiếu sự chung tay, sát cánh với các nước lân cận, từng bước nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm. Từ ngày 6-7-1998, Chính phủ Việt Nam và Lào đã ký kết hai văn bản pháp lý quan trọng là Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự và Hiệp định về hợp tác kiểm soát ma túy, các chất hướng thần và tiền chất. Từ năm 2008, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an; Cục PCMT - Bộ Tư lệnh BĐBP và Tổng cục Cảnh sát, Bộ An ninh Lào đã ký kết biên bản ghi nhớ công tác đấu tranh PCMT, và cứ định kỳ 6 tháng một lần, ba lực lượng chuyên ngành lại tổ chức hội nghị giao ban để cùng nhau trao đổi tình hình, việc tổ chức thực hiện biên bản ghi nhớ để đánh giá những điểm mạnh, điểm còn tồn tại để cùng nhau phát huy, giải quyết, đề ra phương hướng hợp tác giữa các lực lượng chuyên ngành hai nước. Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô, Cục trưởng Cục PCTP ma túy - BĐBP cho biết: trong gần hai năm phối hợp đấu tranh chuyên án chống tội phạm ma túy hai bên biên giới, Cục PCTP ma túy - Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh tuyến biên giới Việt - Lào đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống ma túy Lào và Công an các tỉnh giáp biên giới Lào đã xác lập và tổ chức đấu tranh chung 23 chuyên án ma túy, trong đó đã đấu tranh kết thúc thắng lợi 19 chuyên án, bắt giữ 78 đối tượng (74 đối tượng người Lào, 3 đối tượng là Việt kiều, 4 đối tượng Việt Nam), triệt phá 20 tổ chức đường dây tội phạm ma túy thường xuyên hoạt động qua biên giới và xuyên quốc gia, trong các đối tượng bị bắt giữ có một số tên là chủ mưu cầm đầu, cộm cán trong giới buôn bán ma túy, thu giữ 121 bánh + 5,3kg heroin, 1.251.523 viên MTTH, 3,3kg thuốc phiện, 70 bánh + 40kg cần sa, hơn 75 triệu đồng, 19.901USD, hơn 67 triệu kíp Lào, 6.400 nhân dân tệ, hơn 10 triệu bath Thái, 10.000 ria cùng 9 súng các loại, 69 viên đạn, 1 máy ép heroin, 3 máy dập hồng phiến, 26 ô tô cùng nhiều tang vật có giá trị khác. Cả hai lực lượng đã đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Một số chuyên án điển hình đấu tranh với các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy lớn, hoạt động xuyên quốc gia có sự phối hợp chặt chẽ của hai lực lượng từ khâu điều tra, xác minh các đường dây, đối tượng hai bên biên giới, thống nhất chủ trương xác lập và tổ chức đấu tranh, đặc biệt trong chỉ đạo và triển khai lực lượng thực hiện các bước đấu tranh chuyên án. Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Lào cũng đã ký Hiệp định hợp tác phòng chống tội phạm, giữ gìn TTATXH giữa lực lượng Cảnh sát, Bộ Công an Việt Nam và lực lượng Cảnh sát, Bộ An ninh Lào. Trong đó, văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) giữa Công an - Hải quan – Biên phòng đặt tại cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) và cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) do lực lượng cảnh sát làm thường trực đã thực sự phát huy tác dụng trong trao đổi thông tin, truy bắt tội phạm, phối hợp điều tra và làm rõ nhiều vụ án ma túy lớn. Cục CSĐT tội phạm ma túy, Bộ Công an cũng thường xuyên cử cán bộ qua Lào điều tra xác minh, bắt đối tượng người Lào phạm tội tại Việt Nam sau đó trốn về Lào; bắt 13 đối tượng người Việt Nam trong các đường dây ma túy sang Lào lẩn trốn...
Hoạt động hợp tác phòng chống ma túy giữa Việt Nam - Campuchia từ lâu cũng đã được tăng cường, trở thành công tác thường xuyên. Các lực lượng thi hành pháp luật hai nước và chính quyền các tỉnh giá biên đã thường xuyên tổ chức các đoàn công tác khảo sát, nắm bắt tình hình liên quan đến ma túy mỗi nước, đặc biệt tập trung vào khu vực giáp biên, thậm chí còn tổ chức giao ban luân phiên và tiếp xúc giữa các đồn biên phòng, huyện, tỉnh giáp biên.
Việc hợp tác đấu tranh chống tội phạm giữa Việt Nam - Trung Quốc tuy đã được đẩy mạnh, nhưng hiện nay cơ sở pháp lý có liên quan đến hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở các tỉnh biên giới Việt - Trung chưa hoàn thiện, chưa có Hiệp định dẫn độ tội phạm, Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù. Đối với các hiệp định, thỏa thuận về kiểm soát ma túy ký giữa cấp Chính phủ, Bộ Công an cả từ hai phía, việc triển khai xuống cấp tỉnh, huyện và cơ sở còn chậm, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên cấp huyện và cơ sở thực hiện chưa được đầy đủ. Các tỉnh giáp biên của mỗi nước chưa xây dựng được cơ chế phối hợp phòng ngừa, đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, do vậy hiệu quả còn thấp, việc qua lại còn khó khăn về thủ tục ngoại giao. Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới này sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường khi bọn tội phạm sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội tinh vi, xảo quyệt và manh động hơn. Do vậy, cuộc chiến chống ma túy trên tuyến biên giới Việt - Trung sẽ còn rất căng thẳng, quyết liệt, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng và những biện pháp mạnh, hữu hiệu của các cơ quan chức năng.
Theo congan.com.vn
[TT: TBC]