Đó là phát biểu của hai quan chức cao cấp; chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và Tổ chức y tế thế giới (WHO) trong cuộc gặp mặt với báo chí nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12) và tổng kết 20 năm hoạt động của chương trình tại Việt Nam.
Hai vị tuyên bố: “Sự cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong 20 năm ứng phó với HIV vừa qua là một tấm gương cho các quốc gia khác và là động lực dẫn đến những thành tựu đáng kể của Việt Nam trong việc mở rộng các dịch vụ dự phòng và điều trị, bao gồm các dịch vụ giảm hại cho những người tiêm chích ma túy và điều trị kéo dài cuộc sống cho những người sống với HIV”.
Tại Việt Nam, tỷ lệ hiện nhiễm HIV đã chững lại và ngày càng có ít người phải chết vì HIV hơn. Ngoài ra, việc mở rộng chương trình điều trị kháng virút lên gấp 16 lần trong vòng năm năm qua là một thành công nổi bật - bác sĩ Hirnschall giám đốc chương trình Phòng, chống HIV/AIDS của WHO đánh giá.
Thực tế hiện nay, một số khó khăn vẫn đang đe dọa những thành tựu đạt được trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam như trình độ dân trí hạn chế, thái độ kỳ thị với người có H, việc tiếp cận với chương trình điều trị…
Dịch HIV ở Việt Nam tập trung trong nhóm những người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới. Tính trên phạm vi toàn quốc, gần như cứ năm người tiêm chích ma túy thì có một người nhiễm HIV và ở một số tỉnh thành tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy là hơn 50%.
Một nghiên cứu tiến hành năm 2009 cho thấy tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong những phụ nữ bán dâm ở 10 tỉnh thành trung bình là 8,5%, với sự khác biệt từ 0,3% đến 23%. Trên toàn quốc ước tính có khoảng 243.000 người đang sống với HIV vào cuối năm 2009 (thông tin từ UNAIDS).
Tuy nhiên khi đánh giá về công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian sắp tới, UNAIDS và WHO cùng khuyến cáo về những khó khăn về ngân sách trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam và việc dành ngân sách trong nước để đầu tư cho phòng, chống AIDS là một lựa chọn đầu tư sáng trong tương lai.
Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh và cải thiện hơn nữa các dịch vụ giảm hại, chương trình điều trị các chất gây nghiện dạng thuốc phiện bằng methadone và cải thiện tính bền vững của chương trình điều trị HIV để ngăn ngừa HIV lan tràn ra cộng đồng bởi dịch còn đang tập trung trong những nhóm có nguy cơ cao (nam quan hệ tình dục đồng giới, người tiêm chích ma túy và phụ nữ bán dâm)...
Theo dantri.com.vn
[TT: TBC]