Hà Nội: Năm 2010, HIV/AIDS có chiều hướng giảm

30/07/2012 Lượt xem: 528 In bài viết

Tính đến ngày 30/9/2010, Hà Nội có 21.709 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó, có 8.326 trường hợp đã chuyển thành AIDS và 3.546 bệnh nhân đã tử vong. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS là 271/100 nghìn dân; 100% các quận, huyện đều đã phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS; 466/577 xã phường đã phát hiện người nhiễm HIV.

So với năm 2009, số các trường hợp nhiễm mới HIV giảm từ 2.300 xuống 1.180 (giảm 48,7%); bệnh nhân AIDS giảm từ 2.549 ca xuống 397 ca (giảm 84,42%); các trường hợp tử vong do AIDS giảm từ 264 ca xuống còn 130 ca (giảm 50,75%). Qua đó, thấy được công tác dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng đã tới các đối tượng nhiễm HIV và đạt những kết quả khả quan, chất lượng điều trị cho bệnh nhân AIDS ngày càng được nâng cao.

Về số người nhiễm HIV tại 29 quận, huyện ở Hà Nội, quận Đống Đa là nơi có số người nhiễm HIV cao nhất: 2.597 người với 1.035 bệnh nhân AIDS (đã có 465 người đã tử vong); quận Hai Bà Trưng: 2069 người, với 737 bệnh nhân AIDS (đã có 264 người đã tử vong). Hai huyện: Quốc Oai số người nhiễm HIV ít nhất (90 người), với 29 bệnh nhân AIDS (đã có 9 người đã tử vong) và Thạch Thất có 61 trường hợp nhiễm HIV, với 14 bệnh nhân AIDS và 5 trường hợp đã tử vong do AIDS.

Bên cạnh các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi như: phối hợp các sở ngành, các tổ chức, đoàn thể tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ và triển khai các mô hình thí điểm về can thiệp, dự phòng, chăm sóc, truyền thông trực tiếp thay đổi hành vi cho các nhóm đối tượng tại các quận, huyện (đối tượng nghiện chích ma túy, người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS)…cho đến các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, như: hoạt động điều trị Methadone giai đoạn thí điểm đã hoàn thành, giám sát dịch, dự phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục và lây truyền HIV từ mẹ sang con…cũng đã được tăng cường.

Tuy nhiên, năm 2010, mặc dù HIV/AIDS có chiều hướng giảm về số, nhưng vẫn còn những khó khăn, tồn tại chủ yếu như: vẫn còn nhiều yếu tố nguy cơ tiềm tàng lan nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, do tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, chính quyền ở một số quận, huyện, xã, phường chưa thật sự phát huy vai trò chỉ đạo trong công cuộc phòng, chống căn bệnh thế kỷ này ở cơ sở. Vẫn còn hiện tượng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, nhất là đối với các cháu nhiễm HIV và các cháu bị ảnh hưởng bởi HIV.

Thêm vào đó, lực lượng cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS còn thiếu. Cán bộ tham gia công tác phòng chống AIDS tại các quận, huyện phần lớn là kiêm nhiệm, quá mỏng, vẫn còn hạn chế về chuyên môn kỹ thuật; theo đó, các giải pháp can thiệp giảm thiểu tác hại chưa có sự đồng thuận trong quan điểm chỉ đạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của các đơn vị còn nhiều khó khăn. Kinh phí từ ngân sách cho công tác này của thành phố còn hạn chế, đặc biệt ở các quận, huyện phía Tây Hà Nội.

Năm 2011, cùng với các chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác HIV/AIDS từ quận, huyện đến các xã, phường sẽ được ưu tiên hàng đầu, thực hiện tốt các dự án hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực nâng cao hiệu quả hoạt động trong phòng chống HIV/AIDS.

 

Theo chinhphu.vn

[TT: TBC]