Phòng chống tệ nạn ma tuý là trách nhiệm của toàn xã hội
31/07/2012 Lượt xem: 399 In bài viếtNghiện ma tuý là loại tệ nạn đáng quan tâm nhất hiện nay, vì nó thu hút số thanh thiếu niên sa ngã vào con đường nghiện ngập ngày một tăng. Nghiện ma tuý làm suy kiệt trí tuệ, sức khoẻ, giống nòi. Nghiện ma tuý cũng đồng hành với tội phạm và là một trong những con đường ngắn nhất dẫn tới lây nhiễm HIV/AIDS.
Trong những năm gần đây, tệ nạn ma tuý và tội phạm ma tuý ở nước ta diễn biến rất phức tạp. Ma tuý đã vào trường học, rình rập từng nhà, từng ngõ ngách. Nghiện ma tuý cũng là nguyên nhân gây ra những tệ nạn xã hội khác. Phần lớn người nghiện đều phạm tội trộm cắp, cướp giật, lừa đảo. Theo một nguồn tin của cơ quan chức năng, khoảng 75% các tội phạm hình sự có nguyên nhân bắt nguồn từ những người nghiện ma tuý. Đa số những người bị nhiễm HIV/AIDS là những người nghiện hút. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến diễn biến phức tạp của tội phạm ma tuý. Mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho một số người đổ xô đi tìm kiếm lợi nhuận bằng bất kể giá nào. Buôn bán ma tuý đã tạo ra cho họ một “siêu lợi nhuận”. Họ dụ dỗ, lôi kéo, lách luật,... để làm sao tiêu thụ được càng nhiều chất ma tuý, càng nhiều người mua thì họ càng thu được lợi nhuận. Tình trạng thất nghiệp (gồm cả thất nghiệp tự nguyện và thất nghiệp tạm thời) cũng là nguyên nhân dẫn tới mắc vào tệ nạn ma tuý. Theo số liệu thống kê, trên 90% số người nghiện hút là thiếu việc làm. Vấn đề giáo dục, quản lý còn nhiều bất cập, yếu kém. Không phải bất cứ ai khi mới lọt lòng đều là tội phạm ma tuý. Không phải bất cứ học sinh nào cũng nghiện ma tuý. Không phải mọi tội phạm ma tuý đều đã được phát hiện và xử lý. Rõ ràng, những học sinh, những cá nhân sa ngã vào tội phạm ma tuý là do khâu quản lý của nhà trường, của gia đình chưa hiệu quả. Những tội phạm buôn bán ma tuý, những tụ điểm vận chuyển ma tuý vẫn còn hiện hữu và ngày càng tinh vi hơn cho thấy vấn đề quản lý vẫn còn buông lỏng, yếu kém của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng. Làm thế nào khắc phục tệ nạn ma tuý có hiệu quả? Rõ ràng, cần phải sử dụng một hệ thống đồng bộ các giải pháp và lấy phòng là chính. Cần phải huy động cả xã hội tham gia công tác này. Cần phải củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng trong việc giáo dục, phòng ngừa tội phạm ma tuý. Các cấp xã, phường cần gắn kết hơn nữa với các gia đình, với tổ tự quản của khu dân cư. Có thể tổ chức hình thức “liên gia” nhiều gia đình cũng giúp nhau ngăn chặn tệ nạn ma tuý. Hình thức “liên gia” này có thể là những gia đình làm việc cùng cơ quan; cũng có thể là cùng nơi ở; cũng có thể là trong cùng dòng họ. Tiếp tục có những biện pháp tăng cường sự giám sát của nhân dân, tố giác tội phạm ma tuý. Phát động nhiều hơn nữa những phong trào toàn dân phát hiện và tố giác tội phạm ma tuý, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ tự quản. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma tuý. Công tác giáo dục, tuyên truyền cần có hình thức phù hợp đối với từng đối tượng, từng vùng miền. Cùng với truyền thông đại chúng, cần tăng cường công tác giáo dục trực tiếp. Đưa nội dung phòng, chống tội phạm ma tuý vào các buổi ngoại khoá của nhà trường, nhà văn hoá, các trung tâm thông tin... Tăng cường các hoạt động văn hoá để giải trí, vui chơi lành mạnh, bổ ích đối với từng lứa tuổi, đồng thời quan tâm tạo công ăn việc làm, khắc phục tình trạng thiếu việc làm. Nâng cao tố chất của mỗi con người. Một con người khi có một “cơ thể khoẻ mạnh và một tinh thần lành mạnh” thì rất khó có thể trở thành tội phạm ma tuý. Để thực hiện có hiệu quả việc này, vai trò của gia đình rất quan trọng. Mỗi gia đình cần chủ động phối hợp với nhà trường, với các tổ chức xã hội khác để cùng thực hiện. Dùng tấm lòng và tình thương yêu để cảm hoá những người đã trót sa ngã vào con đường tội phạm ma tuý. Đương nhiên, với nhiều trường hợp cần có sự nghiêm trị theo hướng “trị một người để cứu muôn người”. Nâng cao sự hợp tác phòng, chống ma tuý với các quốc gia. Sự hợp tác này không những chỉ dừng lại ở các vùng miền có biên giới, mà cần nâng tầm hợp tác ở cấp Bộ... Có thể thấy, phòng chống tệ nạn ma tuý không phải là trách nhiệm của riêng ai, riêng cơ quan nào. Nó cần trở thành một phong trào quần chúng, phải có tính xã hội cao. Nhà nhà, người người hợp sức chống tệ nạn ma tuý kết hợp với biện pháp hành chính. Nếu chỉ dùng biện pháp hành chính thì khó có thể ngăn ngừa có hiệu quả tệ nạn ma tuý.
Theo Báo Dân tộc và Phát triển
[TT: TBC]