Chợ ma tuý nơi Thủy điện Bản Vẽ

15/12/2011 Lượt xem: 246 In bài viết

Mua ma tuý dễ hơn... khoai!

10h tối, PV VietNamNet theo chân một số công nhân thuộc Công ty Cosevco đang thi công Thuỷ điện Bản Vẽ (Tương Dưong, Nghệ An) đi tìm “hàng”. H. - tên một con nghiện đã có “5 năm thâm niên” tiết lộ: “Hàng ở đây không thiếu. Quen mặt rồi nên cần bao nhiêu “tép”, dân bán cũng OK. Mà chẳng đi đâu xa, chỉ cần vào các khu nhà trọ của công nhân là có người ra chào hàng ngay thôi. Nếu cần ống tiêm, phục vụ ngay! Cần chỗ để “phê”, cũng có!".

Theo lời kể của H. thì “hàng” ở đây lấy từ bên kia biên giới nên giá cực "bèo". Chỉ với 20 nghìn đồng là có thể lên “tiên". Muốn kiếm lời lấy tiền mua thuốc,  chỉ mất hơn nửa ngày vượt núi đi mua “hàng” về bán dần. 

Ngày trước, bọn buôn lậu thường vượt dòng Nậm Nơn, qua biên giới Lào để mua heroin. Sau này công an làm dữ, cánh buôn lậu bèn thuê người dân trong bản, cắt rừng sang bên kia xách hàng về. Đường sá hiểm trở, dốc đá cheo leo nên lực lượng biên phòng không thể nào kiểm soát được. Nếu có bị phát hiện thì bỏ của chạy lấy nguời. Hiếm khi bắt được!".
 
Vừa mới dạo một vòng ở khu tập thể của công nhân Tổng công ty thuỷ điện Sông Đà, PV VietNamNet đã thấy một "cậu choai" khoảng 15 tuổi đi theo và hỏi: “Ông anh đi tìm hàng à, cần mấy “tép”, đã có chỗ để phê chưa?”. Chưa kịp trả lời thì một phụ nữ ngoài 30 tuổi, nom như người trong bản chạy đến bồi thêm ”Anh mua dùng một mình hay mua cho cả bọn công nhân cùng phòng? Nếu ít thì có ngay!". 

Vừa nói, chị ta vừa lôi ra trong túi một nắm hàng và liến thoắng: “Em lấy giá bèo thôi. Công nhân lấy đâu ra tiền mà mua hàng xịn?”. Tỏ ra là một tay sành điệu , tôi bóc một “tép”, đưa lên mũi ngửi rồi phán: ”Chán quá. Có chỗ nào tốt hơn không, đắt cũng được!”. Nói xong, chuồn lẹ. 

Theo chân H, PV VietNamNet tìm đến khu trọ của công nhân gần quán cà phê Phố Núi. H cho tôi biết, quán này là nơi bán hàng xịn nhất. Theo H., gần 1/3 công nhân ở đây đều đã từng dùng heroin. Trong đó, gần nửa đã trở thành con nghiện. Một số kỹ sư cũng không thoát.

H. thanh minh: ”Làm công nhân trên này chẳng khác đi khổ sai! Ở cái nơi sơn cùng, thuỷ tận này, chẳng có lấy một trò để giải trí. Ngày thì đi làm. Đêm về lang thang mãi ở mấy quán cà phê lắm cũng chán. Buồn quá, chẳng biết làm gì nên thử để giải khuây...”. 

Như để minh chứng cho lời nói của mình, H chỉ tay vào mấy công nhân mặc bảo hộ lao động đang ngồi “chơi" heroin ngay lề đường. Một trong số đó đang đi khật khưỡng, lải nhải nói câu gì đó không rõ và bỗng dưng bật cười khanh khách. Một lát sau, họ kéo nhau đi, ống kim tiêm vứt chỏng chơ trên nền đất...

Bản "không đàn ông"

Chiều muộn. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Mấy ngôi nhà của dân bản Xúp Mạt im lìm tựa lưng vào vách núi. Băng qua con đường vòng vèo, lởm chởm đá, mất thêm mấy giờ cuốc bộ, cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được đường vào bản Xúp Mạt (huyện Tương Dương), nơi vốn là thủ phủ của ma tuý. Dòng Nậm Nơn vẫn cuồn cuộn chảy xiết. 

Lúc chúng tôi có mặt, một lũ trẻ con mặt mày nhem nhuốc, cởi trần trùng trục chạy nhông nhông ngoài đường trong cái giá rét của miền sơn cước. Thấy người lạ vào bản, lũ trẻ cuời ré lên, bỏ chạy tán loạn. Anh bạn dẫn đuờng  bảo: “Chắc là đã lâu lắm rồi chúng mới thấy nguời lớn vào thăm”. Thấy tôi không hiểu, anh bạn cố gắng giải thích: “Bản này gần như không có bóng đàn ông. Người thì bị bắt vì tội buôn bán ma tuý, kẻ thì đi trại cai nghiện ma tuý. Cách đây vài năm, một chiếc xe tải của công an đã vào “hốt” hết con nghiện của cả bản đi cai. Giờ thì bản này toàn đàn bà con gái thôi”. 

Chúng tôi đến nhà già làng Lầu Páo Sinh vào lúc trời chạng vạng tối. Trong ánh đèn mờ hiu hắt, già làng ngồi tựa lưng vào bậc cầu thang, đôi mắt nhìn xa xăm, kể: ”Ngày xưa, bản làng ta vui lắm. Con trai, con gái đều chăm chú làm ăn. Nhưng rồi con “ma trắng" đã cướp đi tất cả. Đã ba mùa hoa ban rồi, đã mấy lần con suối cạn rồi đầy nhưng chúng nó vẫn chưa về với bản làng ta. Nhớ lắm!”. 

Trời mỗi lúc một lạnh, cái rét ở núi rừng sơn cước này như thấm vào da thịt. Nhóm thêm một ít củi, già làng kể tiếp, giọng khàn đục: Già có tất cả năm người con thì cả 5 đều nghiện ma tuý. Mọi công việc đều đổ lên đôi vai bé nhỏ của hai vợ chồng. Cả năm đứa con đều sống vật vờ như những chiếc bóng, co quắp, đập phá hết đồ đạc mỗi lúc lên cơn nghiện. Rồi một chiều mùa đông, có một cán bộ dưới xuôi đã lên bản đưa các con của già vào trại cai nghiện. 

“Chúng nó đi hết, già cũng buồn lắm. Nhưng già vẫn hi vọng ngày chúng nó trở về. Già vẫn để dành mấy con trâu, mấy hũ gạo để chờ ngày thằng út Lầu Páo Liêng trở về để cưới vợ cho nó. Ngày xưa, nó hiền và khoẻ như con trâu mộng cán bộ à!”. 

Nhắp chén ruợu nhạt, già làng kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của dân bản khi mà bản làng đã vắng hết bóng đàn ông. Lẫn trong lời kể của già là lời hát, lời ru con của cô con dâu goá phụ.

Chúng tôi có mặt tại nhà chị Lý Y Sun theo lời giới thiệu của già làng Lầu Páo Sinh. Căn nhà tối nhờ nhờ, mấy đứa trẻ thỉnh thoảng khóc ré lên, mặt mũi đứa nào cũng nhem nhuốc. Y Sun ngồi bó mình bên bếp lửa, bóng hắt lên bên khung cửa. 

Ngày xưa, Sun là cô con gái đẹp nhất bản làng. Bao nhiêu trai bản đêm ngày mong “bắt” cô về làm vợ. Trong số đám trai làng, Sun chỉ để ý mỗi mình Y Nê, bởi “hắn hiền như cục đất, khoẻ như con trâu, thổi sáo hay nhất làng”. Nhưng chính Sun cũng đâu có ngờ rằng, chuỗi ngày hạnh phúc ngắn chỉ tày gang. Chồng Sun không chăm lên nương, lên rẫy; không lo đi săn con thú trên rừng, con cá dưới suối mà  thường tụ tập với nhiều trai bản đi thâu đêm suốt sáng. Càng ngày, Y Nê càng gầy đi, mặt mũi hốc hác. Thương chồng, Sun đã bán đi một con trâu để mời thầy về cúng. Biết chuyện, Y Nê nổi nóng:” Mày không cần nhờ thầy cúng về đâu, mày bán trâu rồi thì đưa tiền sang cho thằng Lai, bảo nó mua cho ta thuốc trắng là được”. 

Trong nước mắt, chị Lý Y Sun (chồng đang chịu án tù vì tội buôn bán ma tuý) nói: “Con ma trắng lấy mất hồn chồng tôi rồi!”. Chị chỉ là một trong hầu hết phụ nữ trong bản nuôi con một mình, chờ chồng mãn hạn tù, hoặc đã goá bụa. 

Chiều muộn cuối năm. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Vài chục ngôi nhà trong bản Xúp Mạt, nơi được mệnh danh là "thủ phủ" của ma tuý (sát Thuỷ điện Bản Vẽ) im lìm tựa lưng vào vách núi. Cuối bản Xúp Mạt, lô nhô những ngôi mộ xám ngắt của những người dân chết vì ma tuý...

(VietNamNet)