Bạn đọc có email minhduongx@xxx hỏi: Chú tôi nghe nói dùng cần sa có thể chữa nhiều bệnh, do đó, mặc dù đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi trồng cần sa, nhưng chú tôi vẫn tiếp tục trồng trong vườn nhà để bán. Hành vi cố tình trồng cây cần sa của chú tôi sẽ bị xử lý thế nào?
Luật gia Phạm Thị Hằng, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:
Khoản 3 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.
Điều 247 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như sau:
1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Như vậy, trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà còn tiếp tục trồng cây cần sa có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
(tiengchuong.vn)