Đổi mới toàn diện công tác cai nghiện ma túy theo hướng thân thiện

07/12/2018 Lượt xem: 1219 In bài viết

Đào tạo nghề tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng

Ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng ở các địa phương

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện ma túy, giảm số điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị dựa vào cộng đồng để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy, ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới. Điều đó đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đoàn thể phải có hành động thiết thực, công tác tuyên truyền cảnh báo hiểm họa ma túy phải được tăng cường và sự chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, đến cuối năm 2017, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội, 13,5% người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Tình hình sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) tiếp tục gia tăng ở các địa phương, ước tính tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 60-70% trong số người nghiện. Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ sử dụng ATS có nơi lên đến 70-85% trong tổng số người nghiện.

Chia sẻ về giải pháp can thiệp đối với người nghiện ma túy tổng hợp, TS. Nicole Lee Giáo sư thỉnh giảng, Viện nghiên cứu quốc gia về ma túy và rượu, đến từ Australia cho rằng: Đối với những người sử dụng các chất kích thích tổng hợp (hay còn gọi là ma túy đá) nhưng chưa lệ thuộc thì sẽ chưa có các rối loạn tâm thần và rất cần thiết phải có những biện pháp can thiệp sớm để họ không chuyển sang giai đoạn sử dụng thường xuyên và lệ thuộc.

Cho biết về tình hình điều trị, cai nghiện, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) Nguyễn Xuân Lập chia sẻ, hiện nay công tác điều trị, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy là một công việc khó khăn, phức tạp và lâu dài. Một số nơi, cấp ủy, địa phương vẫn có quan điểm cần phải đưa hết người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chưa thống nhất thật sự về quan điểm đối với người nghiện.

Hiện, các Cơ sở cai nghiện bắt buộc được xây dựng đã nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi; số người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng giảm dần, do người nghiện và gia đình họ không tự khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác tổ chức cai; cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí cho cho cai nghiện tại cộng đồng để tổ chức các điểm tư vấn, điều trị cắt cơn, điều trị Methadone; cán bộ Tổ công tác cai nghiện chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản.

Quản lý sau cai tại nơi cư trú rất khó

Bên cạnh đó, ông Lập cũng cho biết, công tác quản lý sau cai theo Luật Phòng, chống ma túy chủ yếu là quản lý hành chính, chưa có các biện pháp hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người nghiện trước khi về cộng đồng. “Thực tế, việc kéo dài thêm 2 năm quản lý sau cai trong Cơ sở chỉ càng làm tăng thêm khó khăn, rào cản cho người nghiện trở về cộng đồng. Còn quản lý sau cai tại nơi cư trú thì thực tế rất khó và không quản lý được, không có nhân sự hỗ trợ, giúp đỡ đối với người sau cai nghiện ở cộng đồng. Ngoài ra, việc nhân rộng các bài thuốc điều trị, cai nghiện cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí mua thuốc còn cao hơn các loại thuốc khác, trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng”, ông Lập nói.

Về vấn đề điều trị ma túy tổng hợp, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, điều trị lạm dụng ma túy tổng hợp là vấn đề cực kỳ phức tạp vì các loại ma túy tổng hợp mới hàng năm ra đời ngày một nhiều, trong khi can thiệp chủ yếu hiện nay là tâm lý xã hội và hành vi. Do đó, để làm được điều này đòi hỏi sự phối hợp rất lớn của không chỉ người bệnh mà cả gia đình và cộng đồng.

Cũng liên quan đến những lo ngại về tình trạng người sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng với độ tuổi ngày càng trẻ hóa, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho rằng, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy. Cùng với đó là xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện, giảm số điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị dựa vào cộng đồng, để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy và ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới, từ đó góp phần kiểm soát sự lây lan của HIV qua tiêm chích ma túy.

Mặc dù vậy, ông Lập cũng thừa nhận công tác cai nghiện hiện nay còn gặp nhiều thách thức khi nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí cho cai nghiện tại cộng đồng, để tổ chức các điểm tư vấn, điều trị cắt cơn. Các cơ sở cai nghiện được xây dựng nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa. “Chính quyền ở một số địa phương chưa thật sự thống nhất về quan điểm quản lý đối với người nghiện ma túy. Có quan điểm cần phải đưa hết vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong khi Đề án đổi mới công tác cai nghiện là hướng tới chủ yếu cai nghiện tự nguyện và tại cộng đồng”, ông Lập nói.

(baodansinh.vn/)