Cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cần đi đối với cải thiện chất lượng

03/11/2015 Lượt xem: 704 In bài viết

Năm 2012, Việt Nam mới bắt đầu tiến hành thí điểm cải thiện chất lượng tại 11 phòng khám ngoại trú ở 5 tỉnh Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Bình và Thanh Hóa với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các dự án và chuyên gia quốc tế. Đến năm tháng 6/2015, 27 tỉnh đã thực hiện cải thiện chất lượng và dự kiến đến cuối năm 2015, 312 OPCs tại 63 tỉnh/thành phố sẽ hoàn thành cải thiện chất lượng.

Cải thiện chất lượng chăm sóc điều trị HIV/AIDS căn cứ vào 10 chỉ số gồm: % người nhiễm HIV mới đăng ký được làm xét nghiệm CD4 lần đầu trong vòng 15 ngày; % người bệnh trước điều trị ARV đến tái khám định kỳ và % người bệnh được kê đơn điều trị dự phòng bằng INH, % người bệnh đang điều trị ARV đến tái khám đúng hẹn trong lần khám gần nhất; % người bệnh được đánh giá tuân thủ điều trị trong lần khám gần nhất; % người bệnh đủ tiêu chuẩn điều trị ARV được bắt đầu điều trị ARV trong vòng 15 ngày; Kết quả CD4 của người bệnh lúc bắt đầu điều trị, % người bệnh đủ tiêu chuẩn được kê đơn dự phòng CTX hoặc DAPSONE trong lần khám gần nhất; % người bệnh được sàng lọc lao trong lần khám gần nhất; % người bệnh được làm xét nghiệm CD4 ít nhất 1 lần trong 6 tháng.

Hiện nay, số lượng bệnh nhân đăng ký chăm sóc điều trị ARV ngày càng tăng, trong khi đó, đa số nhân viên y tế lại làm kiêm nhiệm và thực hiện quy trình chăm sóc, điều trị còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, nhu cầu cải thiện chất lượng dịch vụ tăng cao tại các cơ sở điều trị ARV.

Thách thức trong hoạt động cải thiện chất lượng

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phòng khám ngoại trú thuộc dự án. Kinh phí hỗ trợ chương trình điều trị HIV phần lớn từ các nhà tài trợ và dự án nên thiếu kinh phí cho hoạt động HIVQUAL. Thiếu cơ chế để thực hiện việc chứng nhận cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS chuẩn. Chưa có sự cam kết và quan tâm của lãnh đạo. Ngân sách đang cắt giảm. Thiếu cán bộ hỗ trợ kỹ thuật cải thiện chất lượng ở tất cả các tuyến. Vai trò điều phối và tham gia hỗ trợ kỹ thuật của tuyến tỉnh còn hạn chế. Các chỉ số cải thiện chất lượng hiện đang tập trung vào các chỉ số lâm sàng của phòng khám ngoại trú và còn khó khăn để thực hiện các chỉ số chuyển tuyến, chuyển tiếp.

Lồng ghép hoạt động HIVQUAL vào cải tiến chất lượng trong hệ thống bệnh viện

Để lồng ghép HIVQUAL vào hệ thống bệnh viện, cần đưa hoạt động HIVQUAL vào kế hoạch hàng năm của bệnh viện. Cần có sự chỉ đạo thực hiện hoạt động HIVQUAL từ lãnh đạo bệnh viện và ban quản lý chất lượng tuyến tỉnh. Cán bộ kỹ thuật về cải thiện chất lượng tuyến tỉnh sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho phòng khám ngoại trú trong việc thu thập, phân tích số liệu định kỳ và xây dựng kế hoạch cải thiện chất lượng của phòng khám ngoại trú. Chỉ số HIVQUAL được lồng ghép vào bộ tiêu chuẩn chất lượng để đánh giá chất lượng bệnh viện cuối năm. Kết quả hoạt động cải thiện chất lượng được đánh giá như một tiêu chí thi đua, khen thưởng của bệnh viện và được phổ biến cho tất cả các khoa/phòng và cán bộ bệnh viện.


Nâng cao chất lượng cải thiện trong tương lai

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ngành y tế đang rất quyết tâm trong việc triển khai để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong những năm tới.

TS. Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, triển khai kế hoạch cải thiện chất lượng chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV là rất cần thiết. Mục tiêu cụ thể ngành y tế đặt ra là xây dựng hệ thống tổ chức triển khai cải thiện chất lượng từ Trung ương đến cơ sở dựa vào hệ thống y tế sẵn có. Bên cạnh đó, mở rộng hoạt động cải thiện chất lượng tại các cơ sở chăm sóc, điều trị người lớn và trẻ em; mở rộng hoạt động cải thiện chất lượng sang lao/HIV và lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Để đáp ứng với mục tiêu trên, trong thời gian tới cần huy động kinh phí hỗ trợ, tham gia tích cực của các tổ chức nước ngoài và kinh phí từ các địa phương. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ tăng cường năng lực hệ thống về cải thiện chất lượng như đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ tuyến tỉnh; tăng cường sự tham gia của tuyến tỉnh, thành phố thông qua đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến; tăng cường sự tham gia của người nhiễm; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và họp giao ban và báo cáo tổng kết định kỳ…

 

Nguồn: vaac.gov.vn

[TT: TBC]