Cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tuyến cơ sở
22/10/2015 Lượt xem: 1033 In bài viếtPGS.TS. Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) yêu cầu Sở Y tế tại các địa phương sớm triển khai cải thiện chất lượng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trong bối cảnh kinh phí viện trợ đã và đang bị cắt giảm, đồng thời tăng cường chủ động của địa phương đáp ứng với dịch bệnh HIV/AIDS.
Tại Thừa Thiên Huế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y
tế) vừa tổ chức Hội thảo “kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS và định hướng thực
hiện cải thiện chất lượng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS" nhằm mục đích kiện toàn
cơ sở điều trị HIV/AIDS và thực hiện mở rộng, lồng ghép cải thiện chất lượng
trong hệ thống khám, chữa bệnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế của 41/63 tỉnh/thành đã có văn bản chỉ đạo
kiện toàn xong, chỉ còn 22 tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo việc thực hiện kiện
toàn. Tất cả các phòng khám ngoại trú tại 27/63 tỉnh đã thực hiện cải thiện chất
lượng và dự kiến trong năm 2015, 36 tỉnh còn lại sẽ hoàn thành cải thiện chất
lượng ở tất cả các phòng khám ngoại trú.
PGS.TS. Bùi Đức Dương cũng đề nghị các Sở Y tế tại các địa phương chủ động về cơ
sở vật chất, nhân sự và chi trả về nhân sự. Bên cạnh đó, chủ động nâng cao năng
lực cho tuyến huyện, tuyến xã và Trung ương để tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ
nâng cao năng lực cho tuyến tỉnh/thành phố.
Chương trình chăm sóc điều trị HIV/AIDS đã bắt đầu được triển khai từ năm 2000
và mở rộng mô hình từ năm 2005. Tính đến tháng 6/2015, đã có 97.864 người nhiễm
HIV được điều trị ARV (trong đó có hơn 93.000 người lớn và gần 4.700 trẻ em).
Số cơ sở điều trị được đặt tại các tuyến là 312 cơ sở, trong đó tuyến trung
ương, quân đội là 8 cơ sở, còn lại là ở tuyến tỉnh/thành phố, tuyến huyện/thị và
tuyến xã/phường. Có 48% cơ sở điều trị được đặt tại bệnh viện và 52% đặt tại hệ
dự phòng.
Tuy nhiên, các phòng khám ngoại trú (OPC) đặt tại bệnh viện chưa được coi là một
khoa phòng thực sự của bệnh viện, nhân sự phần lớn là cán bộ hợp đồng, lương do
dự án chi trả không bền vững vì các dự án đang dần cắt giảm. Chỉ một số ít phòng
khám ngoại trú vận dụng được bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, nhưng xét nghiệm
cơ bản, chẩn đoán hình ảnh, điều trị nhiễm trùng cơ hội lại không được thanh
toán bằng bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, hầu hết phòng khám ngoại trú đều được đặt tại khoa truyền nhiễm nên
chưa phù hợp với việc điều trị ngoại trú. Còn các phòng khám ngoại trú được đặt
tại trung tâm y tế huyện thì không đủ chức năng khám chữa bệnh.
Trước thực trạng trên, ngày 26/2/2015, Bộ Y tế đã có Công văn số 1240/BYT-AIDS
gửi Sở Y tế các tỉnh đề nghị giao nhiệm vụ điều trị HIV cho các cơ sở y tế thành
lập phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS tại các bệnh viện, đồng thời bảo đảm bệnh
nhân được điều trị liên tục và truyền thông, hướng dẫn để bệnh nhân tham gia bảo
hiểm y tế…
Thanh Trà
Nguồn: tiengchuong.vn
[TT: TBC]