Cam kết thực hiện mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS
Mục tiêu Thiên niên kỷ do Liên Hợp Quốc khởi xướng, hướng đến sự phát triển bền
vững trên thế giới, thông qua giải quyết 8 vấn đề xã hội các quốc gia đang gặp
phải, bao gồm: Xóa bỏ tình trạng nghèo đói; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng
cường bình đẳng giới; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; nâng cao sức khỏe bà mẹ;
phòng, chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; bảo đảm bền vững về môi trường;
thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển.
Việt Nam đã là một trong những quốc gia ký cam kết thực hiện các mục tiêu Thiên
niên kỷ của Liên Hợp Quốc, do đó công tác phòng, chống HIV/AIDS trở thành nhiệm
vụ trọng tâm không thể lơ là.
Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cũng đã đề ra mục
tiêu đến năm 2020 là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của
mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và 90%
người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus thấp dưới ngưỡng lây
truyền.
Nhận thức được đây là mục tiêu khó khăn nhưng rất ý nghĩa với sức khỏe người
nhiễm HIV và với lợi ích của cộng đồng, quốc gia nên Chính phủ Việt Nam là nước
đầu tiên khu vực châu Á – Thái Bình dương đã cam kết thực hiện các mục tiêu này
để tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Điều trị ARV đóng vai trò quan trọng
Để đạt được các cam kết trong phòng, chống HIV/AIDS thì thuốc ARV đóng vai trò
rất quan trọng. Từ khi Việt Nam áp dụng chính sách điều trị HIV/AIDS bằng thuốc
ARV mở rộng và miễn phí, công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS đã đạt được nhiều
bước tiến rất khả quan. Số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV gia tăng
từ 516 người năm 2004 lên gần 100.000 người vào tháng 07/2015.
Việc điều trị ARV giúp giảm tử vong ở người nhiễm HIV; giảm 41% mắc các bệnh
nhiễm trùng cơ hội; giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục; giảm
tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; tăng tuổi thọ của người nhiễm
HIV; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình người nhiễm và cho ngành y tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn viện trợ cho công tác điều trị ARV đang trong lộ
trình cắt giảm, Việt Nam cần phải vượt qua thách thức lớn là bảo đảm nguồn kinh
phí thuốc ARV.
Nguồn kinh phí quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động phòng
chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Ngoài viện trợ về tài chính, các tổ chức quốc tế còn
hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cán bộ cho mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS.
Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS
(PEPFAR) hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho thuốc ARV. Đơn vị này đã tài trợ Việt
Nam khoảng 12 triệu USD Mỹ cho điều trị bằng ARV và hỗ trợ kỹ thuật cho 142
phòng khám ngoại trú trên cả nước. Tuy nhiên, theo đại diện của PEPFAR, hiện
PEPFAR không có cam kết hỗ trợ nào cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt
Nam sau năm 2017.
Chính vì vậy, nếu không có phương án bảo đảm tài chính cho thuốc ARV ngay từ bây
giờ, người nhiễm HIV sẽ không còn được cấp thuốc ARV miễn phí, dẫn đến nhiều hậu
quả khó lường như tỷ lệ tử vong ở người nhiễm tăng cao, tạo ra chủng virus kháng
thuốc và dịch lây lan nhanh trong cộng đồng. Đồng thời, đe dọa trực tiếp đến an
sinh xã hội và an ninh quốc gia. Ngoài ra, việc bảo đảm tài chính cho thuốc ARV
còn thể hiện cam kết chính trị của Việt Nam với các tổ chức quốc tế cũng như
việc bảo vệ sức khỏe của người dân.
Đâu là giải pháp?
Có thể thấy, lời giải cho bài toán khó chính là những nỗ lực của bản thân chúng
ta. Công tác phòng, chống HIV/AIDS cần được tiếp tục chú trọng, coi là một trong
những ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng ngân sách bền vững, chi thường xuyên
hàng năm từ ngân sách trung ương để mua thuốc ARV và ưu tiên tăng tỷ trọng kinh
phí mua thuốc ARV nhằm đáp ứng đủ nhu cầu điều trị.
Những kế hoạch, hành động để bảo đảm nguồn thuốc ARV cho những người nhiễm
HIV/AIDS đang được chính phủ đặc biệt quan tâm, đầu tháng 7/2015, chính phủ đã
quyết định bổ sung thêm 60 tỷ đồng để mua thuốc ARV, nâng tỷ trọng nguồn kinh
phí trong nước cho thuốc lên tới 15%. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục có sự đầu tư
và giải pháp tổng thể để bảo đảm đủ thuốc điều trị thay thế khi nguồn viện trợ
quốc tế bị cắt giảm.
Bên cạnh đó, để hoàn thành được mục tiêu đã cam kết, các quy định, khung chính
sách hiện có cần bảo đảm sự hợp tác, điều phối đa ngành, xây dựng môi trường
pháp lý thuận lợi cho việc mua sắm tập trung thuốc ARV và để Quỹ Bảo hiểm Y tế
có thể thanh toán chi phí thuốc ARV cho người nhiễm HIV.
Hướng tới đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế và
nâng cao uy tín quốc gia, cần sự chung tay của trung ương, địa phương và cả cộng
đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Ngọc Trâm
Nguồn: tiengchuong.vn
[TT: TBC]