Thực trạng lây nhiễm HIV đáng báo động ở Việt Nam
Ngay từ khi xuất hiện, HIV/AIDS luôn là nguyên nhân hàng đầu gây ra các trường
hợp tử vong trên toàn thế giới. Tính đến nay, HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của
hơn 39 triệu người. Tại Việt Nam, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát
hiện vào năm 1990, đến nay đã có gần 230 nghìn trường hợp người đang nhiễm bệnh
và gần 71 nghìn người tử vong do HIV/AIDS, trung bình khoảng 2.800 ca tử
vong/năm (gấp 230 lần so với mức trung bình của 28 bệnh truyền nhiễm khác). Mặc
dù số người nhiễm HIV mới đang có dấu hiệu giảm dần những năm gần đây, nhưng
tổng số lượng người nhiễm HIV vẫn đang ngày càng gia tăng tại nước ta. Theo Th.S
Võ Hải Sơn (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế), chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015,
số người nhiễm HIV mới phát hiện đã lên tới trên 1.504 người, tức là mỗi ngày
vẫn có thêm khoảng 20 người nhiễm HIV.
Các báo cáo của Bộ Y Tế cũng chỉ ra rằng, tỉ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục
ngày càng gia tăng. Năm 2014 tỉ lệ này chiếm tới 47,9%, cao hơn hẳn tỉ lệ lây
truyền qua đường máu (27,5%), đường mẹ sang con (3%)… Tỉ lệ này được cấu thành
phần lớn do số lượng nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ bán dâm tại nước
ta đang tăng cao, trong khi hai nhóm này có nguy cơ lây nhiễm HIV cao lần lượt
gấp 19 lần và 12 lần so với người bình thường. Đồng thời, nguy cơ lây nhiễm từ
những người những người nghiện ma tuý và vợ/bạn tình/bạn chích của họ cũng là
một trong những nhóm lây truyền HIV chính.
Thuốc ARV - biện pháp hữu hiệu làm giảm lây lan HIV trong cộng đồng
Từ những thực trạng trên, có thể thấy rằng giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và bệnh
lây qua đường tình dục nói riêng là việc làm cấp thiết để có thể đẩy lùi được
HIV/AIDS. Một nghiên cứu mang tên “HPTN 052” của một nhóm các nhà khoa học theo
dõi trên 1.763 cặp đôi dị tính (một người nhiễm HIV, người còn lại âm tính)
trong suốt 10 năm từ tháng 5/2005 đến tháng 5/2015 đã chỉ ra rằng người bệnh
tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV ngay từ những giai đoạn đầu sẽ rất hiếm khi lây
bệnh cho bạn tình của họ. Trong 10 năm nghiên cứu chỉ ghi nhận 46 trường hợp lây
nhiễm (nghĩa là giảm 96% người bị lây nhiễm HIV).
ARV là thuốc kháng vi-rút, có tác dụng ức chế sự sinh sôi của HIV trong cơ thể.
Từ trước những năm 1990, thuốc ARV đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá
là giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự bùng phát dịch và được khuyến cáo sử dụng
trong điều trị HIV/AIDS. Cụ thể, hiện nay qua các nghiên cứu, ARV giúp giảm 41%
tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con
xuống dưới 2%, đặc biệt giảm đến 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình
dục.
Điều trị ARV tại Việt Nam
Với những hiệu quả kể trên, ARV thực sự là một giải pháp tối ưu cho việc điều
trị HIV/AIDS tại Việt Nam và cần nhận được sự đầu tư xứng đáng. Hiện tại, tại
Việt Nam, số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV đã tăng từ 516 trường
hợp (năm 2004) lên đến hơn 95.752 người (năm 2014). Mục tiêu đặt ra đến năm
2020, 90% người nhiễm HIV được chẩn đoán ở nước ta sẽ được tiếp cận và duy trì
điều trị bằng thuốc ARV.
Tuy nhiên, gần 95% lượng thuốc ARV được cung cấp cho việc điều trị trong nước
hiện nay đến từ các nguồn tài trợ nước ngoài. Nhưng đến hết năm 2017, tài trợ
quốc tế cho thuốc ARV dành cho Việt Nam sẽ hoàn toàn chấm dứt. Như vậy, để có
thể duy trì việc điều trị HIV/AIDS bằng ARV, Chính phủ Việt Nam cần đặt ngân
sách quốc gia là nền tảng kinh phí chính đáp ứng điều trị cho mọi công dân, mọi
đối tượng nhiễm HIV tại cộng đồng. Đồng thời, Chính phủ cũng cần thực hiện các
thay đổi cần thiết để có thể chi trả cho thuốc ARV qua bảo hiểm y tế như một
biện pháp bền vững, lâu dài.
Đầu tư bền vững cho thuốc ARV sẽ bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người nhiễm HIV,
làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, tiết kiệm chi phí trong việc điều
trị cho bệnh nhân do nằm viện và điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội, tiến tới kết
thúc AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Vĩnh Hoàng
Nguồn: tiengchuong.vn
[TT: TBC]