Cai nghiện ma túy tự nguyện tại trung tâm: Mô hình hiệu quả

05/10/2015 Lượt xem: 1003 In bài viết

Dù mới thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay, nhưng việc cai nghiện tự nguyện tại trung tâm đã đáp ứng được nguyện vọng của gia đình và bản thân người nghiện. Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động, xã hội số V (Sở LĐ-TB&XH) là đơn vị đầu tiên được chọn thí điểm thực hiện đề án này. Đề án thí điểm tập trung vào hai nhóm giải pháp chính đó là: Cai nghiện tự nguyện và điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Học viên đăng ký cai nghiện tự nguyện theo khung thời gian từ 3 đến 6 tháng, khuyến khích thời gian tối đa.

Đặc biệt, thành phố có cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng cai nghiện tự nguyện có hộ khẩu thường trú trên địa bàn Hà Nội từ ngân sách thành phố như: Tiền ăn, tiền thuốc, tiền điện, nước sinh hoạt, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ... Cùng với chính sách ưu tiên, thủ tục đơn giản, thuận tiện, trong quá trình học viên cai nghiện tự nguyện luôn có sự thống nhất giữa gia đình và trung tâm bằng hợp đồng chữa bệnh. Thời gian cai nghiện được điều chỉnh phù hợp, linh hoạt sau khi đã có sự tư vấn của cán bộ trung tâm.

Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động, xã hội số V Nguyễn Văn Lập cho biết, để hiện thực hóa đề án này, thành phố đã đầu tư thích đáng cho trung tâm bằng việc nâng cấp các phòng làm việc, khu nhà ở, khu nhà phục vụ bệnh nhân, khu thể thao đa năng, khu xông hơi giải độc… cùng các trang thiết bị dụng cụ y tế. Sự đồng bộ về cơ sở vật chất đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả tiếp nhận và điều trị cai nghiện cho bệnh nhân. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ của trung tâm giàu kinh nghiệm, tâm huyết, rất nhiệt tình trong việc tư vấn, giúp đỡ đã tạo cho người nghiện yên tâm, không có cảm giác bị kỳ thị, cách ly với xã hội bên ngoài, tăng thêm quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận và quản lý khoảng 700 người vào cai nghiện tự nguyện, đạt 183% so với kế hoạch năm và điều trị thay thế bằng Methadone cho 38 người.

Cùng với Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động, xã hội số V, TP Hà Nội đã thành lập nhiều cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện bằng Methadone thuộc các quận, huyện, thị xã: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Từ Liêm, Hà Đông, Sơn Tây, Đan Phượng. Việc hình thành các cơ sở này đã góp phần xóa bỏ rào cản về tâm lý e ngại khi đi cai nghiện của người nghiện. Bác sĩ Nguyễn Thế Phương, người trực tiếp điều trị cho người nghiện ma túy tại cơ sở điều trị Methadone huyện Ðan Phượng cho biết: "Trong suy nghĩ của người nghiện ma túy, khi chấp nhận đi cai nghiện là sẽ phải sống tập trung trong trại, vật vã đấu tranh với những cơn thèm thuốc. Để tránh tâm lý đó, người nghiện khi tới đây đều được chúng tôi tư vấn để họ không nói dối về tình trạng nghiện ma túy, sẽ gây khó khăn cho công tác điều trị". Người tham gia cai nghiện tự nguyện được chăm sóc sức khỏe, điều trị, tư vấn phòng, chống tái nghiện; thời gian cai nghiện tại trung tâm từ 3 đến 6 tháng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của gia đình và người nghiện. Tư tưởng của người nghiện ổn định, yên tâm, tự nguyện cai nghiện.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 16.000 người nghiện ma túy. Để thực hiện tốt công tác cai nghiện, thành phố tiếp tục khuyến khích người nghiện áp dụng hình thức cai nghiện tự nguyện tại trung tâm bằng mô hình điều trị thay thế các dạng chất thuốc phiện bằng Methadone. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết: Trước tình hình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính còn nhiều khó khăn, với chủ trương tăng dần cai nghiện tự nguyện trên địa bàn Hà Nội, UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH sơ kết rút kinh nghiệm để từng bước nhân rộng thực hiện tại một số trung tâm khác. Kết quả bước đầu trong công tác cai nghiện nói chung và cai nghiện tự nguyện tại trung tâm là tín hiệu vui để từ nay đến cuối năm, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện Đề án Thí điểm cai nghiện ma túy theo hình thức tự nguyện tại trung tâm, đưa mục tiêu tổ chức cai nghiện tự nguyện cho 1.500 lượt người thành hiện thực, góp phần kiềm chế tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố.

Từ đầu năm 2015 đến nay, các cơ sở cai nghiện tự nguyện bằng Methadone đã tiếp nhận, quản lý, điều trị cho khoảng 600 học viên cai nghiện tự nguyện.

Theo đánh giá của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội), việc triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi mô hình Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số V thành cơ sở điều trị tự nguyện đạt được kết quả khả quan. Trình tự, thủ tục tiếp nhận đối tượng vào trung tâm đơn giản, dễ thực hiện.

 

Hiền Phương (Báo Hà Nội mới)

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]