Bảo đảm tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV chất lượng cao
16/09/2015 Lượt xem: 288 In bài viếtKhi các nguồn viện trợ đang ngày càng giảm mạnh thì công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ gặp nhiều thách thức lớn trong việc tìm nguồn lực mới để bảo đảm cung cấp dịch vụ điều trị và phòng, chống HIV. Việc này có quyết định sống còn để bảo đảm cho người dân có thể tiếp cận được với thị trường hàng hóa và dịch vụ phòng, chống HIV chất lượng cao, giá cả hợp lý bao gồm bao cao su và dịch vụ xét nghiệm HIV.
Ngày 8/9, tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa
Kỳ (USAID) và Tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực y tế và sáng kiến y tế (PATH)
phối hợp với Dự án thúc đẩy tăng trưởng thị trường (Healthy Markets) tổ chức Hội
thảo Định hướng Quỹ sáng tạo tại Hà Nội.
Hội thảo là một trong các hoạt động thuộc Quỹ sáng tạo, đồng thời là sáng kiến
kêu gọi nguồn lực cũng như đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo của các tổ chức xã
hội nhằm bảo đảm hoạt động bền vững của thị trường hàng hóa và dịch vụ HIV tại
Việt Nam.
Hội thảo Định hướng Quỹ sáng tạo nhằm mục đích cung cấp cho các ứng viên thông
tin cơ bản về tình hình HIV tại Việt Nam, thách thức và nhu cầu về thị trường
đối với sản phẩm và dịch vụ dự phòng HIV tại Việt Nam cũng như lý do tại sao Quỹ
sáng tạo lại cần thiết ở thời điểm này.
Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu toàn cầu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV
biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán được điều trị
ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở
mức thấp) vào năm 2020 và loại trừ HIV vào năm 2030. Tuy nhiên, tại thời điểm
hiện tại, một số dấu hiệu đáng lo ngại cho mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đã cam
kết bao gồm: Tăng tỷ lệ nhiễm mới HIV ở phụ nữ; tăng nhiễm mới ở người tiêm
chích ma túy tại khu vực miền núi phía Bắc và ở nam tình dục đồng giới tại khu
vực thành thị; giảm đội ngũ nhân viên cộng đồng làm công tác dự phòng, xét
nghiệm và kết nối chăm sóc HIV; tỷ lệ xét nghiệm HIV hằng năm ở các nhóm nguy cơ
thấp và giảm; người lớn và phụ nữ có thai bị nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị
muộn.
Mặt khác, cho đến nay khoảng 80% nguồn ngân sách dành cho hoạt động HIV đến từ
nguồn tài trợ từ bên ngoài. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ cho lĩnh vực này ngày
càng giảm với sự rút ngắn dần và sẽ dẫn đến chấm dứt hoàn toàn viện trợ cho công
tác phòng, chống HIV. Như vậy, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ nhiễm HIV sẽ
trỗi dậy và tăng ở các quần thể mới; người nhiễm HIV sẽ không biết được tình
trạng của mình và tiếp tục lây truyền HIV; người nhiễm HIV sẽ không tiếp cận
được quá trình điều trị.
Bà Kimberley Green, Giám đốc Dự án Thúc đẩy tăng trưởng thị trường cho biết:
“Chúng tôi đã và đang hỗ trợ các tổ chức dựa vào cộng đồng hoạt động phục vụ cho
nam quan hệ đồng giới thành lập mạng lưới phân phối bao cao su tại Hà Nội và
TPHCM. Đây là một hoạt động nhằm vào mục tiêu tiếp cận, tăng sử dụng và tăng
tính bền vững đối với các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến HIV. Bởi vậy, chúng
tôi mong muốn được mở rộng hỗ trợ với các ý tưởng sáng tạo mới”.
Thùy Chi
Nguồn: tiengchuong.vn
[TT: TBC]