Bảo đảm điều trị ARV cho người nhiễm mới HIV/AIDS
16/09/2015 Lượt xem: 315 In bài viếtTheo kế hoạch, từ tháng 4/2016, Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, chống AIDS (PEPFA) sẽ dừng nhận bệnh nhân mới điều trị ARV từ nguồn hỗ trợ . Do đó, ngành y tế sẽ phải huy động những nguồn viện trợ khác và ngân sách nhà nước để bảo đảm điều trị ARV cho người nhiễm mới HIV/AIDS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết như trên.
Theo Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long, hiện mỗi tháng có
thêm 800-1.000 bệnh nhân mới được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV miễn phí,
từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhưng khoản tiền này đang giảm dần và
sẽ bị cắt từ cuối năm 2017.
Do tài trợ bị cắt giảm, nên trước mắt việc điều trị ARV sẽ phải dựa vào nguồn
tài chính từ quỹ bảo hiểm y tế, nhưng hiện chỉ mới có trên 30% người nhiễm HIV
có thẻ bảo hiểm. Từ năm 2018, nếu số người nhiễm HIV không có thẻ bảo hiểm y tế
chưa tăng thì trên 60% người đang điều trị sẽ phải tự chi trả chi phí.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15 về hướng dẫn thực hiện
khám bệnh, chữa bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và người
sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS để giải quyết những vẫn đề trước
mắt.
Theo đó, người tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV và người tham gia bảo hiểm y tế
khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ bảo hiểm y tế chi
trả như thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của
quỹ bảo hiểm y tế; xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi
sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các
nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai
nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa
bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;
Đồng thời, được xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa
bệnh (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người
cho tinh trùng, noãn); xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với
người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp
tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả) và điều trị dự
phòng nhiễm trùng cơ hội.
TS. Nguyễn Hoàng Long cho hay, hiện ngành y tế đang cần nhiều chương trình hỗ
trợ và vận động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế, mục tiêu tới năm 2020
phấn đấu 60% người nhiễm HIV có thẻ để họ có thể tiếp cận dịch vụ y tế điều trị
các bệnh nhiễm trùng cơ hội và được cấp thuốc kháng vi rút theo phác đồ bậc 1 và
bậc 2, chi phí khoảng 3-24 triệu đồng/năm vừa điều trị vừa phòng lây lan ra cộng
đồng.
Để đạt được những mục tiêu trên, trong giai đoạn 2016-2020, TS. Nguyễn Hoàng
Long cho rằng, cần xây dựng nhu cầu thuốc điều trị ARV hàng năm và cả giai đoạn.
Bên cạnh đó, rà soát lại và đẩy nhanh lộ trình cấp phép cung ứng thuốc ARV cho
các công ty cung ứng thuốc ARV tại Việt Nam.
Đồng thời, mở rộng các điều kiện để các nhà thầu trong nước và quốc tế có thể
tham gia đấu thầu thuốc ARV; xây dựng kế hoạch và thực hiện việc mua sắm thuốc
ARV tập trung từ ngân sách trong nước; khuyến khích sản xuất thuốc ARV trong
nước và tổ chức tập huấn về vấn đề cung ứng thuốc cho các cán bộ trong hệ thống
cung ứng theo lĩnh vực phụ trách.
Hiện có 96.000 người nhiễm HIV được điều trị ARV miễn phí từ các nguồn viện trợ, nhưng số lượng này chưa đạt 50% trên tổng số người nhiễm HIV. Trong khi nhiều nước trong khu vực số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV lên tới trên 90%.
Thanh Tâm
Nguồn: tiengchuong.vn
[TT: TBC]