Nhiều khó khăn trong việc xác định tình trạng nghiện

25/08/2015 Lượt xem: 400 In bài viết

Về lâm sàng phải có ít nhất 3/6 triệu chứng trong 12 tháng vừa qua và xét nghiệm phải dương tính với chất ma túy. Tuy nhiên, 6 triệu chứng theo hướng dẫn trên thì có tới 5 triệu chứng phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người cần xác định nghiện, họ phải hợp tác, trả lời đúng vấn đề của mình khi được hỏi và chỉ có 1 triệu chứng “hội chứng cai” là phản ảnh khách quan. Song hầu hết các đối tượng thuộc diện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính không hợp tác, họ không trả lời đúng tình trạng nghiện của mình, hơn nữa, để xác định hội chứng cai đòi hỏi phải giữ người cần xác định nghiện không cho họ sử dụng ma túy trong thời gian 48 giờ đối với người xác định nghiện OPIAT và 72 giờ đối với người xác định nghiện ATS, tuy nhiên luật pháp không quy định việc giữ người gây khó khăn cho công tác xác định tình trạng nghiện.

Mặt khác, việc xác định các triệu chứng của hội chứng cai đặc biệt hội chứng cai ATS, các triệu chứng về tâm thần là chủ yếu đòi hỏi người có thẩm quyền xác định nghiện phải có kiến thức, chuyên môn sâu về tâm thần mới có thể xác định được. Thực tế tỷ lệ xác định nghiện ATS trong số người sử dụng ATS được đưa vào các cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội (cơ sở quản lý nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) rất khác nhau tại các cơ sở: có cơ sở gần 100% người sử dụng ATS đưa đến đều được xác định là nghiện, cơ sở khác 50% người sử dụng ATS đưa đến được xác định là nghiện.

Để khắc phục khó khăn trong việc xác định tình trạng nghiện, một số tỉnh, thành phố đã ban hành các quy định về xác định tình trạng nghiện tại địa phương.

Ngày 6/9/2014, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ về quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong đó quy định về xác định nghiện ma túy dựa vào hai yếu tố: Đã có hồ sơ xử lý về hành vi sử dụng ma túy trái phép lưu trữ tại địa phương, các ngành chức năng, (trừ hồ sơ đã quá 4 năm) hoặc bản tự khai báo của thân nhân gia đình, của bản thân người nghiện; có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy.

Quyết định số 7144/2014/QĐ-UBND ngày 27/12/2014 của UBND Hà Nội ban hành quy chế về trình tự, thủ tục thẩm quyền tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định 3 cách xác định tình trạng nghiện.

Thứ nhất, đối với người đã bị xử lý về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc đã đi cai nghiện dưới mọi hình thức và có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy thì xác định là người nghiện ma túy.

Thứ hai, đối với người có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy và tự nhận nghiện hoặc có văn bản của gia đình công nhận là nghiện thì xác định là nghiện ma túy.

Thứ ba, đối với người không có nơi cư trú ổn định có xét nghiệm dương tính với ma túy tự nhận nghiện thì xác định nghiện ma túy. Trường hợp không tự nhận thì đưa vào cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội để xác định.

Mới đây nhất, Quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 29/1/2015 của UBND tỉnh An Giang về ban hành Đề án tiếp nhận người nghiện ma túy vào cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội để cắt cơn nghiện, giải độc, tư vấn tâm lý trong thời gian cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục lập hồ sơ và quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh quy định “người sử dụng trái phép chất ma túy do cơ quan Công an phát hiện qua xét nghiệm hoặc bị bắt quả tang sử dụng trái phép chất ma túy thì được đưa vào cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội để xác định nghiện và phân loại”.

Theo thống kê của Bộ Công an đến cuối năm 2014 cả nước có 204.377 người nghiện, bình quân mỗi năm tăng khoảng 6%. Ngoài nghiện thuốc phiện, heroin, cần sa, nghiện ma túy tổng hợp, nhóm chất kích thích dạng Amphetamin (ATS), đặc biệt là Methamphetamin (ma túy đá), đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều gây khó khăn cho việc kiểm soát của cơ quan chức năng.

 

Nhật Thy

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]