Đẩy mạnh can thiệp nhằm giảm mắc lao ở người nhiễm HIV

05/10/2015 Lượt xem: 634 In bài viết

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình phòng, chống Lao quốc gia đã nhận định như trên tại hội thảo Chia sẻ kết quả nghiên cứu về HIV/Lao của các chuyên gia quốc tế do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vừa phối hợp với Chương trình chống Lao quốc gia tổ chức tại Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, kết quả nghiên cứu cho thấy rõ lợi ích của việc sàng lọc lao mỗi lần tái khám của bệnh nhân HIV/AIDS, lợi ích của điều trị dự phòng mắc lao bằng INH cũng như điều trị sớm ARV khi hệ miễn dịch chưa suy giảm nhiều. Từ những bằng chứng này, chương trình chống lao và HIV có thể chỉnh sửa hướng dẫn chẩn đoán lao ở người nhiễm HIV và đưa ra các khuyến cáo điều trị dự phòng mắc lao ở người nhiễm HIV phù hợp.

Phát hiện khoảng 100.000 bệnh nhân lao mỗi năm

Trong những năm gần đây, hoạt động phối hợp HIV/Lao có nhiều kết quả đáng khích lệ. Hàng năm, toàn quốc phát hiện khoảng 100.000 bệnh nhân lao. Tỷ lệ bệnh nhân lao được tư vấn xét nghiệm HIV ngày càng tăng, năm 2014 đạt 72,5%, trong đó có 5,2% dương tính với HIV. Tỷ lệ bệnh nhân đồng mắc lao/HIV được điều trị đồng thời cả lao và ARV ngày càng tăng đạt 72,4% trong năm 2014 (tương đương với 2.800 bệnh nhân).

Cũng theo Ths Nguyễn Thị Lan Hương, số bệnh nhân lao được chuẩn đoán nhiễm HIV không tiếp cận điều trị ARV còn khá lớn. Trong năm 2014 có đến hơn 1.000 bệnh nhân. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc lao nhiễm HIV được điều trị đồng thời cả lao và ARV rất khác nhau giữa các tỉnh, thành phố. Ở TP.HCM phát hiện trên 1.400 bệnh nhân lao/HIV và đã điều trị đồng thời lao và ARV cho trên 1.200 bệnh nhân, nhưng số liệu này ở Nghệ An chỉ là 7/127 bệnh nhân, thấp nhất trên cả nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ CDC Atlanta đã chia sẻ kết quả nghiên cứu theo dõi chẩn đoán mắc lao ở người nhiễm HIV. Nghiên cứu đã được triển khai tại 4 cơ sở điều trị HIV/AIDS của TP.HCM và Hà Nội với cỡ mẫu là 789 bệnh nhân về sàng lọc chẩn đoán lao trong 12 tháng.

Những phát hiện chính của nghiên cứu bao gồm: Tỷ lệ sàng lọc lao dương tính giảm dần sau mỗi lần tái khám; Tỷ lệ mắc mới bệnh lao cao trong quá trình tái khám 4.966 bệnh nhân trên 100.000 người/năm, cao gấp nhiều lần tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng. Tỷ lệ mắc lao cao nhất ở bệnh nhân có số tế bào CD4 trước điều trị ARV thấp, bệnh nhân chưa điều trị ARV, chưa điều trị dự phòng lao bằng INH.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân được sàng lọc định kỳ thấp hơn so với bệnh nhân không được sàng lọc định kỳ. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng còn một số hạn chế như đối tượng tham gia nghiên cứu không được chọn ngẫu nhiên, không có nhóm chứng, cỡ mẫu nghiên cứu nhỏ, việc lựa chọn địa điểm nghiên cứu có chủ đích nên không đại diện cho Việt Nam.

 

Kim Thoa

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]