Vợ chồng ông Khốn Khổ và chuyện gửi lại chức để cai nghiện
14/07/2015 Lượt xem: 433 In bài viếtÔng Bạc Cẩm Khổ không chỉ là người có cái tên đặc biệt nhất ở vùng Tây Bắc, có người vợ đặc biệt, mà còn là một cán bộ đặc biệt. Sống giữa mảnh đất mà một thời gian nạn trộm cướp, nghiện ngập hoành hành, ông là cán bộ năng nổ, dấn thân đánh án, nhưng đã bị quyến rũ bởi thuốc phiện. Nhiều ngày bị mê mị bởi khói thuốc, ông nghĩ mình cần phải sống khác đi.
Cán bộ cũng mắc nghiện
Vượt qua con dốc dẫn xuống thung lũng để vào xã Mường É, với nhiều khúc quanh,
sau nửa giờ đồng hồ cuối cùng chúng tôi cũng tìm được vào nhà ông Khổ ở đầu bản
Pom Mé. Lúc ấy, ông vừa đi rừng về, lấy rau cho cá ăn. Thấy chúng tôi, ông hỏi:
“Tìm Khổ có việc gì thế cán bộ ơi?” (thấy khách xa về, ông thường gọi là cán bộ).
Trước khi rót nước mời khách, ông Khổ chỉ tay giới thiệu: “Đó là ngô lúa của bà
con. Mưa xuống xanh tốt rồi, cuộc sống ấm no hơn trước, nhưng nghiện ngập thì
còn nhiều”. Những trăn trở của ông Khổ như thắt lại sau một tiếng ho khan.
Ông Bạc Cầm Khổ, từ năm 2012 đã nghỉ chức Chủ tịch UBND xã Mường É -huyện Thuận
Châu (Sơn La). Nay ông sống sum vầy bên vợ và các con cháu, thanh thản với việc
thả cá, làm ruộng. Bước vào tuổi 60, nhưng ông Khổ trông vẫn như người mới 50
tuổi. Lý giải về sự trẻ trung của mình, ông bảo: “Nhờ mình đã làm được nhiều
việc tốt, nên dù thôi làm cán bộ xã nhưng ra đường vẫn được dân bản quý mến,
thăm hỏi, động viên. Người vui vẻ thì khắc trẻ khoẻ thôi mà”.
Về ông Khổ, không chỉ mình ông đặc biệt về chuyện cái tên. Vợ cũng có một cái
tên rất lạ mà mỗi khi kết hợp với tên ông nghe càng thêm khổ. Vợ ông tên là
Quàng Thị Khốn, sau này để dễ nghe, ông bàn với vợ nên gọi là Lún, còn bản khai
sinh vẫn để nguyên. Đời ông Khổ còn đặc biệt bởi những thăng trầm ông trải qua
rất nhiều khúc quanh.
Là những khúc quanh nào vậy? Ông cho biết: “Vợ chồng tôi có cái tên đặc biệt,
nên cuộc đời cũng chìm nổi. Vào năm 1971 tôi nhập ngũ, trở thành lính trinh sát
đặc công thuộc C44- E335, đóng quân ở Xiêng Khoảng (Lào). Đến năm 1977 xuất ngũ
trở về địa phương, tôi làm cán bộ lâm nghiệp xã và được đi học thêm, đến năm
1983, được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng công an xã Mường É”. Sau
màn giới thiệu đó, ông lắc đầu. Lại là chuyện quá khứ.
Ông kể tiếp, xã Mường É trước đây tím ngắt hoa thuốc phiện. Số người nghiện nặng
lên tới hơn 80 người, còn người hút vào hút dăm ba bi một ngày thì có tới mấy
trăm, chủ yếu là người trong độ tuổi lao động. Riêng bản Chiềng Ve sát Quốc lộ 6
có tới 90% nhà có người nghiện và tham gia trộm cướp. Nếu họ bắt trộm một con bò
thì chỉ vài tiếng sau là đã chia đều khắp bản, ai cũng được ăn nên chẳng ai tố
cáo. Tệ nạn trộm cướp xảy ra rất nhiều trên xe khách dọc tuyến Quốc lộ 6 từ Sơn
La đi Tuần Giáo.
Là cán bộ địa phương, hiểu địa bàn, hiểu dân, ông Khổ thường xuyên giúp đỡ cùng
Công an huyện Thuận Châu phá nhiều vụ án. Ông Khổ cũng lao vào chơi bời cùng
trai bản như một cán bộ xã biến chất. Cũng vì thế mà ông từng bước lần ra những
đầu mối quan trọng, phá dứt điểm từng vụ án tưởng đã chìm xuồng, bắt trộm cắp
cúi đầu nhận tội. Ông Khổ trở thành gương sáng bản làng, nhưng chính quá trình
đi thực tế ấy đã biến ông thành con nghiện lúc nào không biết. Một vài cán bộ xã
cũng trở thành nô lệ của thuốc phiện. Vậy là, từ một cán bộ tốt, một người cha
người chồng gương mẫu, ông đã trở thành kẻ nghiện ngập.
Ông Khổ và đứa cháu nội
Chính chuyện ông Khổ nghiện ngập khiến bao kẻ lấy đó làm gương, họ nói là cán bộ nghiện được, huống hồ gì họ không. Vậy là nghiện ngập càng nhiều. Bản thân ông Khổ cũng bị cấp trên khiển trách, nhiều người dân không tin, một số người còn bảo: “Ông là cán bộ mà mắc nghiện, không xứng đáng ngồi với chúng tôi”. Nghe thế ông rất bực dọc, song khi nghĩ lại, thấy họ nói đúng. Ông quyết tâm cai nghiện. Nhưng việc cai nghiện chẳng dễ dàng gì. Tám lần quyết tâm bỏ là tám lần thất bại.
Có những lúc ông thấy bất lực trước bản thân mình. Song, nhìn thấy bốn đứa con nheo nhóc mà chỉ người vợ đảm đang thôi thì chưa đủ để nuôi chúng, ông nói với bà Khốn phải kiểm soát chặt chẽ thời gian của ông. Nếu thấy ông động đến thuốc thì cứ đánh. Vợ ông đã làm theo lời dặn đó, để có khi ông Khổ bị đánh xa xẩm mặt mày.
Mặc dù dính nghiện, nhưng do thiếu cán bộ, năm 1987, ông Khổ vẫn được bầu làm Chủ tịch UBND xã Mường É. Lúc này, tự thân ông thấy xấu hổ, rồi ngồi dựa cột ngẫm: “Mình là cán bộ, mà đến mức phải bán trộm gạo của vợ đi để có tiền mua thuốc thì hèn quá. Lo thân chẳng xong thì làm lãnh đạo thế nào?”.
Từ nỗi xấu hổ, ông Khổ đã bật lên suy nghĩ, là phải cứu lấy gia đình mình trước nếu không quá muộn. Rồi từ đó, phải cai nghiện cho bà con trong xã. Ông nghĩ: “Nếu mình còn nghiện thì nói ai nghe?”. Hôm đó, ông đề xuất xin gửi lại chức. Đảng ủy xã Mường É, các đồng chí lãnh đạo huyện Thuận Châu chấp thuận. Ông Khổ xin về Công an huyện Thuận Châu để được giúp đỡ cai.
Sau 15 ngày ông đã dứt được cơn, tiếp tục cai một thời gian nữa, ông đã dứt hẳn trong tâm trạng khỏe khoắn. Về nhà, ông thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, nói rằng bản thân đã tìm lại được mình, thì sẽ cố gắng làm một người tốt, một cán bộ gương mẫu. Trách nhiệm làm Chủ tịch UBND xã Mường É vẫn được trao cho ông. Với quyết tâm cao, công việc địa phương chẳng những trôi chảy, ông còn tích cực tham gia sản xuất.
Năm 1993, Nhà nước có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, ông là một thành viên trong Ban chỉ đạo xóa bỏ cây thuốc phiện xã Mường É. Ông lại tích cực lên đường, đến các bản làng vận động bà con không trồng thứ cây hại mình, hại người nữa. Cũng thời gian đó, ông vận động một số cán bộ cai dứt hẳn nghiện để làm gương, đồng thời vận động hơn 80 người nghiện địa phương ra UBND xã cai nghiện.
Việc làm của ông khiến nhiều người bất ngờ. Trong số hàng trăm người được cai nghiện ma tuý ở Mường É có cả cụ ông Lường Văn Nơi, hơn 80 tuổi - người đã có thâm niên nghiện hút tới 60 năm và nổi tiếng cả vùng vì đã phá sạch sản nghiệp. Sau khi cai nghiện, vợ chồng ông Nơi dựng ngay cái quán bán nước và bánh kẹo ở cổng chợ Mường É. Không chỉ “tìm lại mình” như lời ông nói, mà Bạc Cẩm Khổ đã giúp cho nhiều người nghiện cai thành công, góp phần làm cho xóm bản bình yên.
Ông đã được vinh dự về Hà Nội dự Hội nghị những điển hình tiên tiến, đồng thời được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, vì có thành tích xóa bỏ cây thuốc phiện. Trong gia đình, các con của ông đã thành đạt, hai người trở thành cán bộ, trong đó anh Bạc Cầm Thế hiện là Trưởng công an xã Mường É. Các cháu đều ngoan ngoãn, chăm học, ông Khổ coi đó là món tài sản lớn nhất cuộc đời mình.
Hiện nay, xã Mường É vẫn còn một số đối tượng nghiện hút. Ông Khổ đã bảo con trai Bạc Cầm Thế, phải gương mẫu, cương quyết hoàn thành nhiệm vụ. Bản thân ông Khổ cũng tham mưu cho Đảng ủy xã Mường É nhiều công việc liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn. “Giờ cuộc sống của tôi đã ổn, nhưng tôi còn trăn trở vì bà con còn nghèo, một số chưa thoát nghiện. Tới đây chúng tôi sẽ cố gắng để giảm tới mức thấp nhất số người nghiện trong xã, nâng cao công tác an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Khổ tâm sự.
Nguồn: cand.com.vn
[TT: TBC]