Nỗ lực giảm cầu ma túy
14/07/2015 Lượt xem: 314 In bài viếtTheo Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và ma túy, Bộ Công an, tình hình tội phạm ma túy tại Việt Nam từ năm 2013 đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Hoạt động của các đường dây tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài vẫn gia tăng cả về tính chất và mức độ. Các lực lượng chức năng không chỉ tiếp tục tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, làm chuyển biến tình hình ở nhiều địa phương mà còn có nhiều nỗ lực trong công tác giảm cầu ma túy.
"Có cầu ắt sẽ có cung", do đó trên mặt trận phòng
chống ma túy, muốn cắt được nguồn cung ma túy, thì ắt phải giảm "cầu" ma túy
ngoài xã hội. Trong những năm qua, nỗ lực giảm cầu ma túy tại nước ta không chỉ
được thể hiện ở chính sách và chiến lược đối với với nạn sử dụng và nghiện ma
túy, các mô hình cai nghiện và công tác cai nghiện, quản lý sau cai, điều trị
thay thế bằng methadone mà còn ở các chương trình giáo dục phòng ngừa và hoạt
động tuyên truyền phòng, chống ma túy.
Hỗ trợ người cai nghiện hòa nhập cộng đồng
Về chính sách và chiến lược đối với với nạn sử dụng và nghiện ma túy, theo Văn
phòng thường trực Phòng chống tội phạm và ma túy, Bộ Công an, Chính phủ Việt Nam
đã ban hành nhiều chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống và
kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Quốc Hội, Chính phủ đã ban
hành nhiều quy định hỗ trợ người cai nghiện hòa nhập cộng đồng như: Miễn giảm
thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở sản xuất tiếp nhận, sử dụng lao động là
người sau cai nghiện; tạo việc làm, vay vốn, tham gia các hoạt động xã hội để
người sau cai hòa nhập cộng đồng...
Các tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch thực
hiện công tác hỗ trợ và quản lý sau cai nghiện. Một số tỉnh, thành phố đã quan
tâm nghiên cứu, đề xuất và chỉ đạo tích cực thực hiện các biện pháp lồng ghép
việc dạy nghề, tạo việc làm để hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma
túy sau cai, điển hình như TPHCM đã phê duyệt đề án dạy nghề, giải quyết việc
làm cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện trên địa bàn TP giai đoạn
2011-2015. Theo đó, dự kiến từ năm 2012-2015 ngân sách thành phố sẽ bố trí 7,5
tỷ đồng thông qua ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện chương trình dạy nghề
tại Trung tâm, cộng đồng và hỗ trợ vốn sản xuất cho người sau cai nghiện.
Thành phố Đà Nẵng ban hành chính sách hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp đối với
người lao động trên địa bàn thành phố. Đối tượng được hỗ trợ học nghề trình độ
sơ cấp là người lao động có hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng thuộc diện
được hỗ trợ gồm hộ nghèo, thân nhân chủ yếu thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu
đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, người
khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm sau chữa trị tái hòa nhập
cộng đồng; được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa
học.
Tỉnh Khánh Hòa ban hành Nghị quyết cho vay vốn đối với hộ gia đình có người
nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng và cơ sở sản xuất kinh
doanh dịch vụ có sử dụng lao động là người nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương tái
hòa nhập cộng đồng một cách bền vững. Kinh phí cho vay đến 25 triệu đồng/người.
Thành phố Cần Thơ ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao
động nông thôn và các đối tượng chính sách xã hội khác đến năm 2020.
Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng bước đầu cho kết quả tốt
Về các mô hình cai nghiện, năm 2014, Việt Nam có 142 Trung tâm cai nghiện ma túy,
trong đó có 123 Trung tâm nhà nước quản lý và 19 Trung tâm do các tổ chức và cá
nhân thành lập, đang quản lý và cai nghiện cho khoảng 32.200 người, giảm 3.737
người so với thời điểm cuối năm 2013. Về công tác cai nghiện tại gia đình, cộng
đồng, năm 2014 đã có 2.902 người được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, trong
đó số cai tại gia đình là 1.567 người (54%) và số cai tại cộng đồng là 1.335
người (46%).
Có một số mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng bước đầu cho kết quả tốt
như mô hình cai nghiện bằng Cedemex tại Thái Nguyên, Hưng Yên; mô hình cai
nghiện tại cộng đồng ở Nam Định.
Trong công tác quản lý sau cai nghiện, số người được quản lý sau cai đến hết
tháng 10/2014 là 19.024 người, trong đó quản lý tại Trung tâm là 4.848 người
(25,2%) và số được quản lý tại nơi cư trú là 14.176 người (74,8%). Từ năm 2011
đến nay đã tổ chức dạy nghề cho 39.971 lượt người, tạo việc làm cho 13.472 lượt
người, hỗ trợ vay vốn cho 2.155 người.
Về điều trị thay thế bằng methadone, tính đến cuối năm 2014, chương trình điều
trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đã được triển
khai tại 39 tỉnh, thành phố với 129 cơ sở, điều trị cho 24.292 bệnh nhân. Phần
lớn các cơ sở này đều đang được tài trợ bởi các Dự án quốc tế do Bộ Y tế quản lý,
chỉ đạo. Nhìn chung, các địa phương đều có nhu cầu tổ chức thêm cơ sở điều trị
bằng Methadone nhưng đang khó khăn về thuốc, tài chính và nhân lực.
Nhiều chuyển biến trong công tác tuyên truyền
Theo đánh giá của Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và ma túy, Bộ Công
an, năm 2014, công tác tuyên truyền đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về hình
thức và nội dung. Hình thức tuyên truyền cũng khá đa dạng như tổ chức cuộc thi
sáng tác kịch bản về chủ đề phòng, chống ma túy; tổ chức chương trình văn nghệ
và triển lãm tranh cổ động tuyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh
viên các trường học; xây dựng bộ phim phóng sự tuyên truyền tác hại của ma túy
hướng tới đồng bào dân tộc, miền núi...
Trong “Tháng cao điểm phòng, chống ma túy”, công tác tuyên truyền đã thúc đẩy
mạnh mẽ, hướng tới thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Chỉ tính trong “Tháng
cao điểm phòng, chống ma túy” 2014 đã huy động 1.055.227 lượt người tham gia, tổ
chức sản xuất và treo 8.864 khẩu hiệu, băng rôn, 201.574 tờ rơi và nhiều băng
đĩa tuyên truyền phòng, chống ma túy.
Các địa phương chỉ đạo triển khai, nhân rộng nhiều mô hình phòng ngừa ma túy
hiệu quả được đông đảo quần chúng hưởng ứng tham gia góp phần xây dựng địa bàn
dân cư lành mạnh không có tệ nạn ma túy. 630 mô hình khu dân cư phòng, chống ma
túy và tệ nạn xã hội, mô hình “Nhà trường an toàn không có tệ nạn ma túy” được
duy trì, phát huy hiệu quả...
Tuy nhiên, cũng còn một số khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các mặt
giảm cầu ma túy cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là, công tác tuyên truyền,
giáo dục về phòng, chống ma túy còn chưa sâu, chưa sát đối tượng, thiếu những
chương trình tuyên truyền có hiệu quả về tác hại của ma túy tổng hợp. Do đó, một
bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên chưa nhận thức đúng về tác hại của ma túy
tổng hợp, còn coi đó là loại ma túy không gây nghiện. Hiệu quả công tác cai
nghiện chưa cao, đặc biệt công tác đưa người nghiện đi cai bắt buộc thời gian
qua gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Phác đồ điều trị
cai nghiện ma túy tổng hợp chưa hiệu quả, dẫn đến tỉ lệ tái nghiện cao. Chưa có
thống kê cụ thể về đối tượng nghiện ma túy tổng hợp; chưa có phác đồ điều trị
với người nghiện ma túy tổng hợp; công tác quản lý, phục hồi sau cai còn nhiều
hạn chế do đó tình trạng tái nghiện, tái phạm còn ở mức cao...
Hoàng Anh
Nguồn: tiengchuong.vn
[TT: TBC]