Người đàn ông vác đá mở đường để tiêu diệt "tử thần ma túy"

09/06/2015 Lượt xem: 267 In bài viết

Nghiện từ năm 12 tuổi

Từ TP. Thanh Hóa, chúng tôi phải vượt cả chặng đường dài gần 300 km mới đến được trung tâm huyện Mường Lát. Là huyện vùng cao có đường biên giới dài hơn 100 km giáp với nước bạn Lào, lại gần Tây Bắc nên những năm trước, tình trạng trồng và buôn bán cây thuốc phiện rất phức tạp. Đồng bào có truyền thống hút thuốc phiện nên cây anh túc được trồng nhiều nơi, song “nóng” nhất vẫn là các xã Tam Chung, Pù Nhi và Nhi Sơn của huyện Mường Lát.

Xã Pù Nhi có 25 km đường biên giáp với nước bạn Lào. Trong một thời gian dài, nơi đây là trạm trung chuyển ma túy vào Việt Nam. Khi Nhà nước chưa cấm việc trồng và sử dụng thuốc phiện thì thung lũng Pù Nhi là những đồi hoa anh túc, đến nỗi ông bà hút, bố mẹ hút, con cái hút… Ở thời điểm ấy, không hút thuốc phiện, không nằm bàn đèn thì không phải đàn ông Mông. Chính vì thế, những năm 2005 trở về trước, việc nghiện hút và buôn bán ma túy nơi đây đã trở thành vấn nạn và nói đến Pù Nhi, người ta lại nghĩ ngay đó là “thủ phủ” của cây thuốc phiện.

Chỉ tính riêng số người nghiện của xã đã chiếm tới 50% số người nghiện toàn huyện. Nói về việc nghiện, ông Hơ Văn Dính, cán bộ văn hóa xã Pù Nhi, khuya tay: “Đó là trước đây thôi. Giờ không còn nữa đâu. Khoảng 5 năm trở lại đây, số người nghiện trên địa bàn xã giảm hẳn. Cán bộ đến từng nhà khuyên người dân cai nghiện, giờ cả xã Pù Nhi chỉ còn khoảng gần 30 đối tượng nghiện hút”.

Theo thống kê mới nhất từ Công an huyện Mường Lát, toàn huyện vẫn còn 397 người nghiện có hồ sơ quản lý (chưa tính số người nghiện không tự giác khai báo). Chính vì còn nhiều đối tượng nghiện trên địa bàn nên thỉnh thoảng các lực lượng chức năng vẫn phát hiện và triệt phá nhiều diện tích cây cấm này trên các vách núi, đồi cao.

Việc ông Súng tự cai nghiện bằng cách phá đá, mở đường được rất nhiều người biết đến, trở thành tấm gương điển hình trong mỗi cuộc phát động cai nghiện của người dân huyện Mường Lát.

Để chứng minh cho lời nói của mình, Dính dẫn chúng tôi ngược lên bản Hua Pù để tận mắt chứng kiến ông Chá Văn Súng, người trước đây đã từng nghiện hút từ năm 12 tuổi, đến nay đã cai được, trở thành con người có ích cho xã hội. Tôi hỏi: “Ông Súng cai bằng thuốc gì mà hiệu quả thế?”. Dính cười bảo, chẳng có thuốc gì cả, mỗi lần ông ấy lên cơn thì ra phá đá mở đường thôi.

Vượt gần chục cây số đường núi, qua những con dốc dựng đứng từ trung tâm xã Pù Nhi, chúng tôi mới lên được nhà Súng. Thấy có người đến nhà, vợ ông Súng lập tức chạy lên nương báo tin. Hình ảnh ông Súng trước mắt tôi gầy gò, xanh xao, đầu đã điểm bạc đang tất tưởi vác cuốc chạy xộc vào nhà bắt tay cán bộ rối rít.

Trong ngôi nhà siêu vẹo, rót chén nước chè mời khách, ông Súng kể câu chuyện về cuộc đời mình dài như một “thước phim”. Ông bảo, giờ nghĩ lại ngày mình đến với thuốc phiện mà không khỏi rùng mình. Ông Súng sinh ra tại bản Hua Pù, gần khu vực giáp biên nên được tiếp xúc với thuốc phiện từ nhỏ. Sống trong thủ phủ thuốc phiện nhưng chưa một lần ông dùng tới nó bởi nhà có 10 người thì 7 người nghiện, ông thấu hiểu cái cảnh đói thuốc vật vã khổ sở như thế nào, vậy nhưng ông chỉ “thoát án” đến năm 12 tuổi.

“Lần ấy, đúng vào dịp tết, tôi cùng nhiều đứa trẻ trong làng rủ nhau lên rừng chặt cành đào, trong lúc chặt không may bị trượt chân ngã xuống vách núi. Bị đá hộc vật đập vào ngực, hôn mê gần 10 tiếng đồng hồ, khi tỉnh dậy, tôi thấy lồng ngực đau buốt, khó thở. Thấy tôi vật vã, đau đớn, bố tôi đã đưa thuốc phiện cho hút, bớt được cơn đau hành hạ thì tôi dính nghiện”, ông Súng kể.

Vết thương lành da, ông Súng trở thành con nghiện, ngày nào cũng chìm trong cơn phê thuốc. Mỗi lần lên nương, đi rừng, trong người ông không có cảm giác lâng lâng, phê phê của thuốc phiện thì chân tay bủn rủn không làm được gì. Có hôm đám thanh niên bạn ông cùng đến nhà ông hút từ sáng đến tối mà không cần ăn cơm. Đến nỗi có người đói và sốc thuốc, bọt mép phì ra, mọi người mới từ bỏ cuộc chơi.

Tự cai nghiện bằng cách mở đường

Theo số liệu từ năm 2005 trở về trước của xã Pù Nhi có tới 200 người nghiện ma túy, trong đó bản Hua Pù chiếm tới 1/3. Những người nghiện cùng trang lứa như ông Súng giờ chỉ còn tính trên đầu ngón tay, còn lại đã theo hết ông bà về với tổ tiên.

Để có ngày hôm nay, ông không thể quên được những ngày tháng khổ sở vì điếu thuốc, có những lúc tự hành hạ bản thân để kết liễu đời mình. Ông bảo nếu không nghĩ tới vợ, chắc Súng cũng chẳng có chí mà cai nghiện. Tôi hỏi “sao biết mình nghiện, vợ vẫn lấy?”, Súng bảo: “Ngày đó con trai Mông gần như nghiện hết, không lấy cũng chẳng được. Hơn nữa hai đứa mình thương nhau nên lấy thôi”.

Từ ngày vợ chồng ra ở riêng cũng là lúc Súng bị nghiện nặng. Để có thuốc phiện hút hàng ngày, đồ đạc trong nhà cứ lần lượt “không cánh mà bay”. Hằng ngày vợ Súng vẫn lên nương rẫy, làm lụng với hy vọng một ngày nào đó chồng sẽ từ bỏ được thuốc phiện.

“Lắm hôm thấy vợ ngồi khóc một mình, biết trong nhà không còn hạt gạo, tim tôi như thắt lại. Khi đó tôi đã tự hứa với mình phải từ bỏ thuốc phiện để làm lại cuộc đời, bù đắp lại khoảng thời gian vợ cưu mang mình như một đứa trẻ. Hàng loạt ý nghĩa hiện ra trong đầu, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu”, Súng tâm sự.

Để cai nghiện, ban đầu ông tìm đến nhà ông San ở bản Pù Quăn, người nổi tiếng có bài thuốc cai nghiện, nhưng thứ thuốc đó cũng không thể làm dứt cơn mỗi khi ông thèm thuốc. Với người Mông, lời hứa quan trọng hơn mạng sống, một khi họ nói ra phải thực hiện bằng được, chính vì thế mà ông Súng không từ bỏ ý định cai nghiện dù biết thuốc cai không có tác dụng sẽ rất khó khăn, trong khi đâu phải dễ tìm ra cách khác. Sau rất nhiều đêm trăn trở, cuối cùng ông nghĩ ra được một cách cai nghiện thật khác người.

Rời bỏ vợ con, gia đình, ông Súng lao vào rừng sống cuộc sống chẳng giống ai. Ngủ vách đá, đêm đến chỉ đốt một đống lửa cho khỏi lạnh, thế là sống qua ngày. Mỗi lần lên cơn, ông lại tìm đủ mọi việc để làm, lúc săn chuột, khi bẫy chim, có hôm ông lại chạy khắp rừng như một con thú hoang. Cuộc sống cứ thế trôi qua. Sau 6 tháng, cơn nghiện của ông dường như biến mất, ông trở về trong niềm vui và sự ngỡ ngàng của gia đình và bà con lối xóm.

Tuy đã cai thuốc, song khi trở về bản, cứ nhìn thấy người ta hút, hoặc vô tình ngửi thấy mùi thuốc phiện là ông không thể cầm lòng. Không thể thành công dã tràng, mỗi khi lên cơn trở lại, ông Súng lại tự cai nghiện bằng cách phá đá mở đường. Vợ con thấy ông làm như con trâu điên, thường khuyên ông về nhưng chỉ càng khiến ông hăng hái hơn. Vừa nói tới đây, ông chìa hai bàn tay nham nhở vết sẹo do đá cứa khoe với tôi: “Đây là “thành tích” của tôi, nhìn hai bàn tay tóe máu tươi, nham nhở vết sẹo vì phá đá làm đường nên dù chết, tôi cũng không thể quay về con đường cũ được”.

Tâm sự với chúng tôi về ý tưởng mở đường, người đàn ông 21 năm bầu bạn với thuốc phiện cho biết, ông mở đường vì rất nhiều nguyên nhân. Mỗi lần cán bộ vào thăm dân bản, vận động bà con cai nghiện, phát triển kinh tế, thấy cán bộ phải vượt hàng chục cây số đường rừng nên ông quyết tâm phá đá mở đường để “cán bộ đi, dân bản và cả mình đi nữa”, như lời ông nói.

Năm 2009, ông đã mở thành công con đường từ bản Hua Pù đến bản Pục Chiên dài hơn 3 cây số. Ông chia sẻ: “Trước đây chưa có con đường này, để sang được bản Pục Chiên, người dân phải leo đồi hết cả nửa ngày đường. Bây giờ có con đường, dù đi bộ chậm cũng chỉ hết có 30 phút đồng hồ, rất thuận tiện cho việc giao lưu giữa các thôn, bản”. Thấy hiệu quả từ việc mở con đường, ông lại tiếp tục mở thêm một con đường dài hơn 1 km nối bản nơi ông sinh sống với bản Cá Nọi. Giờ đây, mỗi khi nhắc đến ông người dân thôn, bản miền sơn cước lại gọi bằng cái tên trìu mến “con đường Súng”.

 

Lan Hương

Nguồn: doisongphapluat.com

[TT: TBC]