Giải pháp căn cơ trong giải quyết vấn đề người nghiện
19/03/2015 Lượt xem: 236 In bài viếtHiện nay tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, do công tác xử lý người nghiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khiến số người nghiện ở ngoài cộng đồng ngày càng nhiều. Người nghiện nhiều, tức “nguồn cầu” về ma túy lớn, đồng nghĩa sẽ kích cầu tội phạm ma túy phát sinh và gia tăng... Làm gì để tháo gỡ vướng mắc, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy là câu hỏi bức thiết đặt ra?
Tình hình người nghiện diễn biến phức tạp
Đại tá Trần Phước Hương, Trưởng phòng Tham mưu CATP cho biết: Theo kết quả rà
soát, thống kê người nghiện trên địa bàn, tính đến ngày 31-12-2014, tại Đà Nẵng
có 1.867 người nghiện ma túy, trong đó số người nghiện đang ở ngoài cộng đồng là
1.604, chiếm tỷ lệ 85,91%. Tình hình người nghiện trên địa bàn thành phố diễn
biến phức tạp, có xu hướng gia tăng (tăng 227 người, chiếm tỷ lệ 13,84% so với
năm 2013).
Số đối tượng nghiện, sử dụng ma túy ở ngoài cộng đồng nhiều (số chưa được cai
nghiện là 702 người, chiếm 37,6%), trong khi số đang cai nghiện tại Trung tâm
05-06 chỉ chiếm 3% và đang điều trị bằng thuốc Methadone chỉ có 353 người, chiếm
18,9%, hầu hết số này cư trú không ổn định, hoạt động trên nhiều địa bàn.
Công tác quản lý người nghiện, quản lý sau cai chưa đảm bảo yêu cầu đề ra (số có
nguy cơ tái nghiện còn chiếm tỷ lệ cao 19,66%). Việc con nghiện sử dụng ma túy
tổng hợp (MTTH) ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó MTTH, nhất là ma
túy dạng “đá” thường tạo ra ảo giác mạnh và kéo dài sẽ làm cho người sử dụng
không kiểm soát được nhận thức và hành vi dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.
Từ đó cho thấy, nếu không có biện pháp quản lý, kiểm soát sẽ tiềm ẩn nhiều nguy
cơ gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT.
Sở dĩ tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, theo Đại tá Nguyễn
Văn Hoa, Trưởng Phòng CSĐTTPVMT CATP, về khách quan do tác động của tình hình
tội phạm và tệ nạn ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước ngày càng diễn
biến phức tạp và gia tăng; một bộ phận thanh thiếu niên không có nghề nghiệp,
việc làm hoặc có việc làm không ổn định. Phần lớn số người nghiện (chiếm 91,7%)
không có tiền mua ma túy sử dụng nên đã đi bán ma túy, khiến tình hình mua bán
ma túy nhỏ lẻ (chiếm 84%) trên địa bàn thành phố gia tăng, phức tạp.
Một nguyên nhân khác, theo Đại tá Hoa là các chính sách pháp luật về công tác
phòng, chống ma túy còn nhiều bất cập. Luật xử lý vi phạm hành chính và các Nghị
định đã có hiệu lực nhưng chưa được triển khai, hướng dẫn nên công tác cai
nghiện, quản lý sau cai bị đình trệ. Do đó, đối tượng nghiện còn ngoài cộng đồng
nhiều, không quản lý được là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm và tệ nạn
ma túy; kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy bị cắt giảm
nhiều (gần 70%) nên đã ảnh hưởng đến công tác phòng, chống ma túy.
Về chủ quan, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy tuy
được quan tâm, nhưng công tác tổ chức triển khai còn theo pha, đợt, chưa đến
được với đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng cần tuyên truyền; công tác phối hợp
quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa
chặt chẽ.
Một bộ phận thanh thiếu niên không có sự quản lý của gia đình, chính quyền, đoàn
thể cũng là điều kiện cho các em dễ bị sa vào tệ nạn ma túy. Công tác cai nghiện,
quản lý sau cai, giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng vẫn còn khó khăn, bất
cập, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Số người nghiện mới và tái nghiện gia tăng,
việc vận động người nghiện tự nguyện cai nghiện còn nhiều hạn chế. Hiện phần lớn
người nghiện còn ngoài cộng đồng là nguyên nhân phát sinh tội phạm và lây lan
người nghiện.
Đâu là giải pháp căn cơ?
Để giải quyết tình trạng nêu trên, tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND thành
phố vừa diễn ra, Đại tá Lâm Cao Luynh – Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng cùng lãnh đạo
các phòng nghiệp vụ có liên quan thuộc CATP đã thông qua HĐNDTP đề nghị Chính
phủ bên cạnh điều chỉnh lại các quy định, hướng dẫn cho phù hợp, thì cần chủ trì
tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả việc áp dụng biện pháp cai nghiện tại gia
đình, cộng đồng, cũng như giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện
ma túy; chỉ đạo các bộ, ngành có thông tư liên tịch để hướng dẫn tháo gỡ các khó
khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp lập hồ sơ xử lý người nghiện.
Đối với HĐND thành phố, CATP đề nghị cần tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát
từ thành phố xuống tận cơ sở đối với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm (PCTP)
và tệ nạn ma túy. Cụ thể là có văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng
cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTP ma túy ở cơ sở;
chỉ đạo các ngành chức năng của thành phố đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia
đình, cộng đồng và quản lý sau cai; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghiện hòa
nhập cộng đồng; phát huy vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, ban, ngành, đoàn thể
đối với công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và công tác quản lý sau cai...
Trên cơ sở kết quả rà soát người nghiện, chỉ đạo phân công các ngành, các cấp,
đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tham gia công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ
đối tượng nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng có nguy cơ cao tại
cộng đồng. Định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá việc quản lý người nghiện ở cộng
đồng để nâng cao hiệu quả công tác này nhằm hạn chế lây lan tệ nạn ma túy và tội
phạm. Đồng thời có phương án cấp bổ sung kinh phí công tác PCTP ma túy cho các
năm tiếp theo kể từ năm 2016 (là năm mà Chính phủ dừng chương trình mục tiêu
quốc gia phòng, chống ma túy).
Nguồn cand.com.vn
[TT: TBC]