Tự ý mua thuốc cai nghiện
Trò chuyện về “lịch sử” nghiện - cai - tái nghiện của mình, Học viên Nguyễn Hữu H hiện đang cai nghiện tại Trung tâm CBGDLĐXH Phú Thọ chia sẻ: “Khi mới bắt đầu nghiện, vì sợ mọi người biết chuyện, tôi quyết định tự cai nghiện tại nhà, lúc đó tôi nghe bạn bè kháo có ba loại thuốc cai nghiện là: Methadone, Buprenorphine, Naltrexone. Đó là tôi nghe người ta nói vậy nhưng cũng chả biết hình dạng của nó. Tôi đã hỏi ở bệnh viện, nhà thuốc nhưng không có bán. Mò mẫm thông tin trên mạng, tôi thấy có người rao bán, tôi đã chuyển 9 triệu đồng để nhận một hộp Naltrexone 28 viên. Khi chuyển tiền vào tài khoản, hỏi lại mấy thằng bạn từng sử dụng loại này, tôi mới giật mình tá hỏa..”. Qua H, chúng tôi biết số điện thoại của người tự xưng là “dược sĩ” chuyên bán các loại thuốc cai nghiện, tuy nhiên khi gọi điện “dược sỹ” qua số 0962820xxx, anh này không đồng ý gặp mặt, mà muốn xin địa chỉ, gửi tiền vào tài khoản, chuyển phát nhanh qua bưu điện.
Chính tâm lý xấu hổ, cùng sự thiếu hiểu biết mà không ít người nghiện ma túy có nhu cầu đã rơi vào “bẫy” đã giăng sẵn của những kẻ trục lợi trên nỗi đau của người bệnh khi họ mua phải thuốc cai nghiện trôi nổi không rõ nguồn gốc, giá thành mà không có hiệu quả như mong muốn.
Trả lời phỏng vấn báo chí về việc sử dụng thuốc cai nghiện tại nhà, PGS -Dược Sĩ Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM cho rằng, việc cai nghiện bằng thuốc phải theo đúng phác đồ và phải theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ có chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu dùng sai có thể gây hậu quả nghiêm trọng do thuốc cai nghiện thực chất cũng bắt nguồn từ ma túy và cũng có các tác dụng phụ như ma túy.
Đến các cơ sở cai nghiện tự phát
Một tháng rưỡi sau khi UBND TP.HCM triển khai chiến dịch truy quét tệ nạn xã hội, 24 quận huyện qua kiểm tra đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp dương tính với chất ma túy, khoảng 1.700 người được đưa vào các cơ sở xã hội. Trong khi người dân đang vui mừng trước kết quả khả quan của chiến dịch “gom” người nghiện, thì cũng là lúc người ta đặt câu hỏi về chất lượng thực sự của các trung tâm “chui” đang hoạt động bất hợp pháp ở thành phố này.
Theo điều tra của báo Tuổi trẻ ở nhiều trung tâm, dù không có bằng cấp, chuyên môn về điều trị cai nghiện ma túy nhưng tại TP.HCM nhiều người vẫn tự xưng là “bác sĩ” để lập cơ sở điều trị cai nghiện “chui” . Hiện tại, rất khó để có thể nắm bắt được trên địa bàn thành phố hiện có bao nhiêu cơ sở tổ chức cai nghiện tự phát, không được cơ quan chức năng cấp giấy phép, vì các cơ sở này quy mô nhỏ lẻ, nằm khuất trong các khu dân cư đông đúc. Theo phản ánh của những học viên tham gia cai nghiện chui thì họ chưa được điều trị cắt cơn theo một phác đồ điều trị nào cả mà chủ yếu là cho uống các loại thuốc hướng thần để vượt qua cơn vật thuốc.
Một người nghiện đang điều trị tại cơ sở trái phép (ảnh: Tuổi trẻ)
Trong vai một người có em trai nghiện ma túy đá đang có nhu cầu cắt cơn, PV đã liên lạc với admin của trang này với nickname L.A.H, anh này “nổ” rằng có thể cai nghiện thành công từ 90%-95%, không vật vã dù chỉ là 1 phút. Khi tiến hành điều trị, học viên ăn ngủ bình thường, 90% các hội chứng không còn nữa và mất cảm giác với ma túy ngay từ ngày đầu. Tuy nhiên khi được hỏi những trường hợp đã thành công ở cơ sở này, người đàn ông chỉ lấp liếm “đã có nhiều trường hợp cai nghiện thành công”.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để cai nghiện và chống tái nghiện một cách bền vững nhất, người nghiện cần đến các trung tâm cai nghiện hoặc các phòng, đơn vị tham vấn sức khỏe cộng đồng để được tham vấn chi tiết, cụ thể, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Bình Nguyên
Nguồn tiengchuong.vn
[TT: TBC]