Gian nan đường về
22/01/2015 Lượt xem: 234 In bài viếtChương trình dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu, doanh nghiệp không tuyển dụng khiến con đường tái hòa nhập cộng đồng của người sau cai gặp khó khăn. Tại hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy” diễn ra tại TP.HCM mới đây, ông Lê Hoàng Đáo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục- Lao động và Xã hội Phước Bình, băn khoăn: “Hiện nhu cầu học nghề của học viên (HV) ngày càng đa dạng, đặc biệt là nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, số ngành nghề trung tâm đào tạo quá hạn chế”.
Học viên không mặn mà
Ông Đáo giải thích thực tế trên khiến nhiều HV không được học đúng sở trường
hoặc ngành nghề yêu thích. Kết quả đào tạo cũng vì thế bị hạn chế. Từ năm 2008
đến nay, Trung tâm Giáo dục Lao động và Xã hội Phước Bình chỉ được cấp 3,5 tỉ
đồng để đầu tư trang thiết bị đào tạo trình độ sơ cấp cho 9 nghề. Số kinh phí và
nghề đào tạo ở trung tâm quá ít so với nhu cầu thực tế. Để đáp ứng nhu cầu học
nghề cho HV, đến nay trung tâm đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề khai giảng 158
lớp nghề cho 3.646 HV (chiếm hơn 95% số HV). “Tôi nghĩ việc đầu tư, mở rộng khu
dạy nghề nhằm đa dạng hóa các ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của người học là cần
thiết” - ông Đáo kiến nghị.
Bảy năm qua, 5.702 HV của Trung tâm Giáo dục Dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị
Xuân (trực thuộc Lực lượng TNXP TP.HCM) cũng được đào tạo nghề. Ông Bùi Thanh
Tuấn, giám đốc trung tâm, cho hay các nghề phù hợp với trình độ học vấn của HV
trước khi vào trung tâm là sửa xe máy, may công nghiệp, điện gia dụng, tin học,
thợ xây, cắt tóc... Tuy nhiên, một số HV thiếu ý thức rèn luyện, học tập. Tình
trạng vi phạm nội quy vẫn xảy ra, gây khó khăn trong quá trình quản lý, dạy
nghề.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận
Bình Thạnh, TP.HCM, trang bị tay nghề để có việc làm ổn định là biện pháp hữu
hiệu giúp người sau cai nghiện đoạn tuyệt với ma túy. Vì vậy, các cơ sở cai
nghiện cần xây dựng chương trình đào tạo các ngành nghề thiết thực, gắn với kinh
tế thị trường. Thế nhưng, công tác này ở địa phương chưa thực hiện hiệu quả. Ông
Ngọc dẫn chứng: “Quận Bình Thạnh đã tổ chức rất nhiều đợt vận động học nghề
nhưng không thành công. Có bạn văn hóa lớp 2 hoặc 3, nếu học nghề (cần trình độ
lớp 7, lớp 8) sẽ rất khó”.
Khó có việc làm
Dù rất mong có việc làm để nuôi sống bản thân khi trở về cộng đồng nhưng nhiều
lao động là người sau cai nghiện đã gặp không ít khó khăn khi tìm việc. Rời
Trung tâm Nhị Xuân gần 2 năm nhưng đến nay chị P.T.N (ngụ quận Bình Thạnh,
TP.HCM) vẫn chưa có công việc ổn định. “Tôi biết nghề may nhưng hầu như không cơ
sở nào chịu nhận khi biết tôi từng nghiện ma túy. Một vài nơi chấp nhận thì sức
khỏe tôi lại không đáp ứng được thời gian làm việc” - chị N. buồn bã.
Theo báo cáo của UBND phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TP.HCM), hiện địa phương này
quản lý 7 người sau cai nghiện. Bốn người trong số trên có việc làm đủ nuôi sống
bản thân nhưng họ chỉ đảm nhận công việc mang tính giản đơn. Ba người còn lại
chưa có việc làm vì nhiều lý do: không có nhu cầu, không đủ sức khỏe để làm việc
hoặc đang học nghề. Còn tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng đang
quản lý 33 đối tượng hồi gia. Chính quyền đã hỗ trợ vốn cho 2 thanh niên thuộc
diện này có hoàn cảnh khó khăn (2 triệu đồng/người); hướng dẫn 8 người vay vốn
từ Quỹ CEP với tổng số tiền 42 triệu đồng. 13 thanh niên cũng được giới thiệu
việc làm. Song, chỉ có 9 người trong số này có việc làm ổn định. Đa số người hồi
gia về địa phương có trình độ học vấn thấp, sức khỏe kém, không có tay nghề hoặc
tay nghề quá yếu gây cản trở trong việc tiếp cận, trao đổi, giới thiệu việc làm.
Thiếu chủ động
Nhiều địa phương phản ánh do tâm lý tự ti, mặc cảm, ít chủ động trong việc liên hệ với địa phương nên số đông người sau cai nghiện khi tái hòa nhập cộng đồng gặp nhiều trở ngại khi tìm việc. Không ít người sau cai có tư tưởng buồn chán, lo lắng hoặc có tư tưởng bất cần, mất phương hướng. Một số người có sức khỏe yếu hoặc nhiễm HIV/AIDS nên không thể tham gia các loại hình lao động và học tập.
Nguồn Báo Người lao động
[TT: TBC]