Cai nghiện bắt buộc: Cơ hội làm lại cuộc đời cho những người nghiện

22/01/2015 Lượt xem: 208 In bài viết

Gom người nghiện và nghi phạm hình sự sống lang thang

Chỉ sau hơn một tuần đồng loạt ra quân ráo riết truy quét, rà soát phát hiện người nghiện và đối tượng nghi vấn không nơi cư trú ổn định, đã có hơn 1.800 người được đưa về các trung tâm tiếp nhận của TP.HCM để sàng lọc.

Trong đó, lực lượng phối hợp đã xác định khoảng 800 người nghiện ma túy để đưa vào cơ sở hỗ trợ cắt cơn, chăm sóc sức khỏe trước khi đưa đi cai nghiện bắt buộc. Những người sống lang thang, đối tượng nghi nghiện, nghi phạm hình sự… còn lại được chuyển sang trung tâm bảo trợ xã hội để tiếp tục theo dõi, sàng lọc.

Chỉ tính riêng trong đêm đầu ra quân thực hiện cao điểm, TP.HCM đã tập trung được 1.177 người. Qua xét nghiệm, sàng lọc, lực lượng phối hợp cũng đã phát hiện 642 người trong số này nghiện ma túy, không nơi cư trú ổn định và lập biên bản để đưa tới các trung tâm tiếp nhận. Phân theo địa bàn, nơi phát hiện người nghiện nhiều nhất thuộc về các địa bàn nóng, nhức nhối về tệ nạn ma túy ở vùng ven những năm qua là quận 8, quận 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Tuy là lần đầu thực hiện trên diện rộng, nhưng từ khâu kiểm tra phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính với người nghiện đến khi đưa vào cơ sở tiếp nhận và quá trình điều trị, chăm sóc quản lý được thực hiện chặt chẽ, không để xảy ra sơ xuất. Hiệu quả bước đầu trong việc quyết tâm quản lý người nghiện này đã phần nào khiến gia đình người nghiện và chính người nghiện yên tâm ở lại trung tâm và hợp tác tốt trong quá trình cắt cơn, cai nghiện tập trung.

Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM Trần Trung Dũng, do đã được lên phương án kỹ lưỡng từ trước, nên việc tiếp đón số lượng lớn người nghiện để cắt cơn giải độc, chăm sóc sức khỏe đã nhanh chóng vào guồng.

Tại cơ sở cắt cơn, giải độc tập trung ở Trung tâm Bình Triệu, có 30 phòng với sức chứa 600 người; Trung tâm Nhị Xuân có sức chứa đến 1.500 người. Như vậy cùng lúc 2 cơ sở này có thể đảm bảo tiếp nhận hơn 2.000 người nghiện để quản lý tập trung trong thời gian cắt cơn, giải độc kéo dài từ 15-20 ngày theo quy định.

Trong thời gian này, các cơ quan như Công an, Y tế, Sở LĐTB&XH, Tư pháp sẽ hoàn thành hồ sơ gửi tòa án. Tòa sẽ tiến hành xét xử ngay tại các trung tâm, sau đó sẽ có quyết định đưa người nghiện đi cai bắt buộc từ 12-24 tháng.

Để đảm bảo việc kiểm tra, phát hiện người nghiện diễn ra triệt để và thường xuyên, Phó Chủ tịch TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, thành phố đã giao trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương bằng quy định: quận huyện, phường xã nào để xảy ra tình trạng còn 1 người nghiện trên địa bàn, chủ tịch phường xã đó phải chịu sự xử lý của chủ tịch quận, huyện. Nếu trên địa bàn quận, huyện còn bóng dáng ma túy, chủ tịch quận, huyện sẽ phải chịu sự xử lý của cấp thành phố.

Chính quyền thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện hàng ngày phải có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện về cho thành phố vào 15 giờ chiều hàng ngày để kịp thời nắm bắt và điều phối chung hoặc xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh.

Với mục đích xóa triệt để người nghiện ma túy, những người nghiện tự cai tại cộng đồng hoặc có địa chỉ cư trú rõ ràng, TP.HCM cũng đã có kế hoạch đấu thầu thuốc Methadone để từ đầu năm 2015 sẽ thực hiện cai nghiện tại cộng đồng ở 22 quận, huyện cho khoảng 8.000 người nghiện.

Ngoài tổ chức lực lượng đi kiểm tra, truy quét thường xuyên, hiện tại các phường xã cũng đồng loạt tăng cường vận động các ban ngành, đoàn thể, khu phố, tổ dân phố tổ chức sinh hoạt và phát động phong trào toàn dân xây dựng khu phố, ấp không có tội phạm ẩn náu; không có tệ nạn ma túy, mại dâm trong cộng đồng dân cư.

Tai mắt người dân cũng là kênh thông tin quan trọng hỗ trợ cấp phường xã rà soát, phát hiện người nghiện không nơi cư trú ổn định để đưa đi cắt cơn, cai nghiện tập trung.

Vào trung tâm có cơ hội làm lại cuộc đời

Bắt xe đò từ miền Tây lên thành phố, rồi đi xe ôm đến Trung tâm Bình Triệu để thăm con, bà Huỳnh Thị H., không giấu được vẻ lo lắng. Nhưng sau khi được trung tâm giải quyết cho vào thăm gặp con trở ra, bà H. đã vui trở lại. Con trai bà được vào trung tâm ngay những ngày đầu, được hỗ trợ cắt cơn, chăm sóc y tế và sinh hoạt điều độ nên sức khỏe đã dần hồi phục.




Đưa người nghiện về Trung tâm tiếp nhận

"Cháu vào đây chắc sẽ được hỗ trợ cai nghiện thành công và có cơ hội làm lại cuộc đời, tốt hơn cảnh nghiện ngập lang thang vạ vật ở bên ngoài", bà H. tin tưởng. Cùng chung tâm trạng như bà H., nhiều thân nhân người nghiện sau khi được thăm gặp con em đang được đưa vào cắt cơn tại đây đều tỏ ra yên tâm.

Tại địa bàn trọng điểm về ma túy là quận 8, anh Tr., một người mới nghiện ma túy cho biết, sau khi được các đoàn thể ở khu phố và gia đình vận động, tôi đã quyết tâm đăng ký cai nghiện ngay tại cộng đồng. Chỉ mong được chính quyền hỗ trợ tạo công ăn việc làm để sau này có thể đoạn tuyệt hẳn với ma túy.

Về phía chính quyền TP.HCM, nhằm kiểm soát triệt để người nghiện trong cộng đồng, từ đó kéo giảm tỷ lệ tái nghiện và phòng ngừa phát sinh người nghiện mới… cùng với việc nâng cao các dịch vụ cai nghiện để hỗ trợ người nghiện, các cấp chính quyền, đoàn thể ở thành phố cũng đồng loạt thực hiện các biện pháp tuyên truyền vận động người nghiện có nơi cư trú rõ ràng và gia đình tự nguyện đăng ký cai nghiện tại cộng đồng và gia đình.

Từ đó tạo điều kiện cho người nghiện được tiếp cận các dịch vụ cai nghiện tự nguyện và các dịch vụ chăm sóc y tế liên quan cũng như hỗ trợ người nghiện đã cai được học nghề, tìm việc làm, ổn định cuộc sống để có thể đoạn tuyệt với ma túy.

Ngoài số lượng người nghiện mới được đưa vào các cơ sở điều trị cắt cơn, chăm sóc hỗ trợ phục hồi sức khỏe, hiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy của thành phố đang quản lý tập trung 7.470 người nghiện và tổ chức điều trị cho khoảng 1.800 người nghiện bằng Methadone tại cộng đồng.

Theo người đứng đầu Ban Chỉ đạo đề án cắt cơn, cai nghiện bắt buộc của TP.HCM, khi nghiện ma túy, người nghiện sẽ mắc các rối loạn về thể chất và tâm lý, thường kèm theo các triệu chứng về tâm thần. Do đó, muốn cai nghiện thành công trước hết phải điều trị rối loạn tâm lý và các triệu chứng rối loạn tâm thần.

Việc điều trị này đòi hỏi phải có thời gian dài mới có hiệu quả và phải trải qua các giai đoạn: cắt cơn giải độc, điều trị các bệnh phối hợp mất khoảng 3 tháng; điều trị phục hồi tâm lý, sức khỏe hết 9 tháng và thời gian lao động trị liệu, học nghề, chuẩn bị hòa nhập cộng đồng, chống tái nghiện kéo dài 12 tháng.

Thực tế cho thấy, nếu chỉ cai nghiện ở trung tâm trong thời gian 3 hoặc 6 tháng, thì chỉ mới giúp người nghiện cắt cơn, chứ chưa đủ thời gian để tiến hành các giai đoạn phục hồi tiếp theo. Do vậy tỷ lệ tái nghiện thường rất cao nên quy trình cai nghiện bắt buộc tại thành phố phải kéo dài từ 12 đến 24 tháng.

Trước khi tái hòa nhập cộng đồng, người nghiện ma túy này được hướng dẫn lao động, được đào tạo nghề và được chính quyền, đoàn thể, địa phương hỗ trợ để tránh tái nghiện. Với đà này, mục tiêu đến cuối năm 2015 thành phố có 30% số xã phường không còn ma túy; kiềm chế kéo giảm 15% số người nghiện và giảm 10% số người nghiện so với thời điểm trước đó 4 năm sẽ sớm trở thành hiện thực.

 

Trà My
Nguồn CAND

[TT: TBC]