Gian nan cai nghiện!
17/12/2014 Lượt xem: 238 In bài viếtTheo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), từ ngày 1-1-2014 việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy phải có quyết định của tòa án. Đây được xem là quyết định nhân văn, song theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, do trình tự thủ tục lập hồ sơ phức tạp, qua nhiều cơ quan hành chính từ CA xã, huyện; phòng tư pháp, phòng LĐ-TB&XH đến TAND cấp huyện… nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa người nghiện đi cai.
Thủ tục phức tạp
Cụ thể, Điều 103, 104 Luật XLVPHC quy định, trình tự đưa người nghiện đi cai tại
các cơ sở cai nghiện bắt buộc phải trải qua các bước: Cơ quan CA tiến hành thu
thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở
cai nghiện bắt buộc sau đó chuyển cho trưởng phòng tư pháp cấp huyện. Trong 5
ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, trưởng phòng tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm
tra tính pháp lý của hồ sơ, gửi cho trưởng phòng LĐ-TB&XH cùng cấp. Trong 7 ngày
kể từ ngày nhận hồ sơ, trưởng phòng LĐ-TB&XH cấp huyện ra quyết định chuyển hồ
sơ đề nghị TAND cấp huyện áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai
nghiện bắt buộc.
Tuy nhiên, theo Bộ LĐTB & XH và phản ánh từ nhiều địa phương cho thấy, nếu thực
hiện đúng quy trình thì thời gian từ khi cơ quan lập hồ sơ đề nghị sang đến tòa
án ra quyết định, nhanh nhất cũng phải hơn 1 tháng. Trường hợp không thực hiện
đồng bộ thì có thể kéo dài đến hơn 3 tháng. Trong khi đó Luật cũng quy định, nếu
hết hiệu lực xử lý vi phạm hành chính thì không thể ra quyết định đưa người vào
cơ sở cai nghiện bắt buộc được.
"Đấy là đối với những người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định. Trường hợp
người nghiện ma túy là đối tượng lang thang, không có nơi cư trú thì việc đưa
các đối tượng này đi cai nghiện bắt buộc còn gian nan, phức tạp hơn nhiều”. -
ông Lập cho biết.
Giải pháp nào?
Khắc phục khó khăn hiện thời, một số địa phương như Hà Nội đã đưa ra đề xuất
trong các trường hợp bị CA bắt quả tang sử dụng trái phép chất ma túy, có kết
quả xét nghiệm dương tính với ma túy, có hồ sơ từng đi cai nghiện bắt buộc từ 2
lần trở lên, hoặc tự nguyện viết đơn xin đi cai nghiện bắt buộc, tự công nhận
hoặc có người thân thông báo bằng văn bản về tình trạng nghiện… sẽ đủ điều kiện
đưa vào trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội.
Tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho
rằng, với thực tiễn hiện nay, việc đáp ứng đủ quy trình, thời gian như trong
luật là một thách thức rất lớn. Do đó, nên nghiên cứu lại theo hướng không cần
phải đáp ứng lần lượt các quy trình mà căn cứ trên tình trạng thực tế, người có
thẩm quyền có thể ra quyết định đưa người nghiện đi cai ngay, đảm bảo ứng xử
linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể.
Ở góc độ khác nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, là cơ quan Tư pháp nên Tòa án
có trách nhiệm bảo đảm quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Nếu một công dân nào đó
không vi phạm pháp luật, Tòa án sẽ không có quyền ra quyết định xử lý và ngược
lại nếu người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì đương nhiên phải bị áp dụng
một biện pháp xử lý hành chính tùy theo mức độ đã vi phạm.
"Qua nghiên cứu tòa án ma túy ở Mỹ, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng hình thức
thành lập tòa án ma túy hoặc xử thông qua một tòa án giản lược để giúp người
nghiện đi cai có kết quả. Theo đó, thẩm phán có thể đọc qua tất cả hồ sơ của
người nghiện rồi tham khảo ý kiến của cán sự xã hội tại địa phương về tình trạng
của người nghiện, hỏi thêm ý kiến của người nghiện. Trên cơ sở xem xét các khía
cạnh, nếu thấy người đó vẫn còn tình trạng nghiện ma túy nhưng đã có đi kiểm tra
thường xuyên, đã tuân thủ các quy trình thì tòa tiếp tục cho về cai tại cộng
đồng. Nếu người này không chấp hành quy trình, vẫn tiếp tục nghiện ma túy thì
quyết định cho người này đi cai nghiện tập trung và quyết định này phải thi hành
ngay” - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề xuất.
Hải Thanh
Nguồn daidoanket.vn
[TT: TBC]