Nan giải quản lý người nghiện ma túy tại cộng đồng

28/10/2014 Lượt xem: 235 In bài viết

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có khoảng 19 nghìn người nghiện ma túy, trong đó gần 60% số người này đến từ các tỉnh, thành phố khác. 75,5% số người nghiện không có việc làm hoặc việc làm không ổn định.


Theo quy định hiện hành, công tác cai nghiện ma túy tập trung hiện chỉ duy trì khoảng 9. 000 người tại mỗi trung tâm thay vì 30. 000 người như trước đây, đồng thời đẩy mạnh cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (theo Nghị định 94/2010). Tuy nhiên, việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa có những chuyển biến tích cực như các mục tiêu đề ra, dẫn tới số người nghiện ma túy tại địa phương không những không giảm mà còn tăng nhanh đến mức báo động. Đây là vấn đề nan giải của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan công an liên quan đến công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, Đồng thời, cũng là nỗi bất an thường trực của người dân.

Trước đây, việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc do UBND các quận, huyện ra quyết định. Từ ngày 30-12-2013, nhiệm vụ này được trao lại cho ngành tòa án (quy định tại Nghị định 221/2013/NĐ-CP). Song, do chưa có hướng dẫn cụ thể việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nên hầu hết người nghiện đều đang bị “tắc” lại địa phương.

Trước khi đưa vào cơ sở cai nghiện, người nghiện ma túy phải được giáo dục tại địa phương từ ba đến sáu tháng. Sau thời gian này, nếu đối tượng chưa hòa nhập được với cộng đồng thì mới lập hồ sơ đưa đi cai nghiện tập trung. Riêng việc giáo dục tại phường, xã, thị trấn cũng gặp muôn vàn khó khăn. Cụ thể, người nghiện ma túy phải được các bác sĩ là trưởng trạm y tế xã, phường, thị trấn được cấp giấy chứng nhận đủ thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy. Tuy nhiên, tờ giấy chứng nhận này hiện cũng là thủ tục mà nhiều địa phương chưa thực hiện được. Thậm chí, khi có giấy chứng nhận thẩm quyền xác định tình trạng nghiện của công dân thì để kiểm chứng, các công dân phải lưu lại cơ sở y tế từ 6 đến 8 giờ để theo dõi, nhưng bác sĩ lại không có thẩm quyền giữ người nghiện ma túy ở lại.

Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Trần Trung Dũng, với 60% số người nghiện đến từ các địa phương khác, công tác quản lý tại thành phố cũng hết sức phức tạp. Đối với người lang thang sử dụng ma túy, khi bị phát hiện cũng chỉ bị xử phạt hành chính rồi thả ra. Ông Dũng cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần có chính sách cai nghiện đặc thù mới đạt được hiệu quả. Với quy định người nghiện lang thang phải được giao cho tổ chức xã hội quản lý trong thời gian chờ xác minh, nhưng đến nay, tổ chức xã hội cụ thể là tổ chức nào thì quy định mới lại chưa làm rõ. Nếu giao cho các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ hay Hội Cựu chiến binh đều sẽ không mang lại kết quả cao. Sở đang kiến nghị thí điểm giao cho trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu thực hiện chức năng này cho cả thành phố.

Thành phố hiện có khoảng 167 câu lạc bộ thu hút người sau cai nghiện tham gia; có 471 đội công tác xã hội tình nguyện với 1. 689 thành viên. Phần lớn các thành viên tham gia tổ Cán sự xã hội tình nguyện đã tích cực tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa bàn. Đó là lực lượng đã góp phần tích cực bảo đảm sự ổn định về an ninh, trật tự trên địa bàn. Tuy vậy, để công tác cai nghiện, quản lý người nghiện tại cộng đồng có hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những giải pháp hiệu quả và quyết liệt hơn, đồng thời phải phù hợp với thực tế tại địa phương…

 

Xuân Phú

Nguồn nhandan.com.vn

[TT: TBC]