Hướng tới mục tiêu xã hội hóa trong điều trị cai nghiện bằng Methadone

27/10/2014 Lượt xem: 225 In bài viết

Bác sỹ Nguyễn Thị Nghĩa, cán bộ Trung tâm Phòng - chống HIV /AIDS chia sẻ: Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại thành phố Hòa Bình nói riêng đã nhận được sự ủng hộ cao từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và chính người nghiện chích ma túy. Sau 2 năm triển khai, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Về mặt sức khỏe, sau điều trị, trên 50% bệnh nhân tăng cân. Những người có tác dụng phụ trong giai đoạn duy trì giảm nhiều lần so với giai đoạn dò liều. Không có bệnh nhân tử vong, ngộ độc do Methadone trong quá trình điều trị. Sau 1 năm duy trì điều trị, tỷ lệ bệnh nhân dương tính với ma túy dưới 2%. Tỷ lệ bệnh nhân vi phạm pháp luật, trộm cắp lấy tiền mua ma túy sau điều trị giảm xuống dưới 10%. Nhiều bệnh nhân đã tìm được việc làm trong doanh nghiệp, công việc thời vụ hoặc phụ giúp gia đình. Đây là kết quả tốt giúp người nghiện chích ổn định cuộc sống..., quan trọng nhất là hầu hết người bệnh đã có chuyển biến tích cực về thái độ với cuộc sống và những người xung quanh.

Theo cán bộ Trung tâm Phòng - chống HIV /AIDS, chúng tôi đến tổ 6, phường Tân Hòa thăm gia đình Đinh Thanh H. là 1 trong 60 bệnh nhân có chuyển biến tích cực về sức khỏe vừa ra khỏi chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Nhìn nước da đã trở lại hồng hào, dáng điệu nhanh nhẹn, khỏe mạnh của H., ai trong đoàn công tác cũng cảm thấy vui mừng. Niềm hạnh phúc hiện rõ trong ánh mắt, nụ cười của người vợ trẻ. Chị Nguyễn Thị T., vợ H. cho biết: Sau khi được tham gia chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại thành phố Hòa Bình, anh H. như đã biến thành con người khác, sức khỏe ổn định, biết yêu thương bố, mẹ, vợ, con... Đáng mừng nhất, H. đã tránh xa bạn bè xấu, tìm cho mình công việc tại cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn.

Hiệu quả điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là không thể phủ nhận. Song trong quá trình triển khai, cơ sở vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cũng theo bác sỹ Nguyễn Thị Nghĩa, do nhiều bệnh nhân đã tìm được việc làm nên thay vì đến cơ sở điều trị vào mỗi buổi sáng, họ muốn duy trì liều điều trị vào thời gian rỗi để không ảnh hưởng đến công việc. Song thực tế nguồn nhân lực tại cơ sở điều trị rất hạn chế, chỉ có 4 cán bộ chuyên trách, 8 cán bộ kiêm nhiệm. Theo đó, trung bình mỗi bác sỹ quản lý gần 100 bệnh nhân. Với mỗi người bệnh, họ đều phải khám, đánh giá sức khoẻ người bệnh trước và trong điều trị..., thậm chí là cả tư vấn tâm lý, đặc biệt là với những bệnh nhân đang trong giai đoạn dò liều. Do đó, cơ sở vẫn chỉ duy trì được khám, cấp Methadone cho bệnh nhân vào buổi sáng. Bên cạnh đó, là sự bỏ bê, bất hợp tác của không ít gia đình người bệnh, khiến cho tình trạng người bệnh bỏ liều, gián đoạn trong điều trị có dấu hiệu tăng. Tính đến hết tháng 8 đã ghi nhận 66 trường hợp. Chưa kể đến cũng chính từ sự bất hợp tác của gia đình trong quản lý người bệnh đã dẫn đến việc số ít bệnh nhân qua tư vấn tâm lý cho biết dù đang duy trì liều điều trị Methadone song vẫn sử dụng thêm ma tuý tổng hợp, đặc biệt là ma tuý đá...

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà cơ sở điều trị Methadone thành phố Hòa Bình đang tính đến là khi các dự án kết thúc, việc sử dụng Methadone thay thế các chất dạng thuốc phiện sẽ không còn được miễn phí như hiện nay, liệu phương pháp điều trị này có còn phát huy được hiệu quả khi không có sự đồng thuận từ phía gia đình người bệnh? “Hướng đến xã hội hóa điều trị cai nghiện bằng Methadone là giải pháp duy nhất cũng là mục tiêu gần mà cơ sở điều trị Methadone thành phố Hòa Bình phải hướng tới. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở điều trị - gia đình người bệnh cần được xem là yếu tố tiên quyết” - Bác sỹ Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định.

 

Nguồn baohoabinh.com.vn

[TT: TBC]