Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
28/10/2014 Lượt xem: 306 In bài viếtTheo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 đến cuối năm 2013 trên địa bàn tỉnh số người nghiện ma túy đã tăng 734 người. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê được, còn lại số người nghiện ma túy trong cộng đồng chưa tự nguyện khai báo có thể lớn hơn nhiều. Không chỉ số người mà số xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy cũng có chiều hướng gia tăng. Một số địa phương có nhiều người nghiện ma túy là: TP. Buôn Ma Thuột (774 người), huyện Ea H’leo (173 người), huyện Ea Kar (113 người), huyện Krông Buk (87 người) và huyện Krông Năng (60 người)... Trong khi đó, công tác cai nghiện và quản lý sau cai còn nhiều bất cập, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được điều trị cai nghiện trong thời gian qua chiếm tỷ lệ thấp, không đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra.
Thực tế cho thấy những năm qua, biện pháp cai nghiện chủ yếu vẫn là bắt buộc tại trung tâm, việc cai nghiện tại cộng đồng còn hạn chế, số người nghiện tái nghiện sau cai còn nhiều. Theo thống kê cho thấy trên 90% người nghiện ma túy được điều trị cai nghiện đã tái nghiện, tỷ lệ người nghiện hòa nhập với cộng đồng và có việc làm rất thấp (3%-5%). Theo ông Đinh Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh thì một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do chưa có sự quan tâm lãnh đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền. Đặc biệt là chưa có sự quan tâm đúng mức của chính quyền cấp xã, phường trong phối hợp phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ban ngành, đoàn thể đối với công tác cai nghiện tại cộng đồng và quản lý người nghiện ma túy sau cai. Một số địa phương cấp huyện, xã chưa bố trí được kinh phí cho công tác cai nghiện, chính sách về công tác dự phòng và điều trị nghiện chậm đổi mới và thiếu đồng bộ…
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 với mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện nhằm giảm tác hại của người nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và nâng cao sức khỏe nhân dân, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Theo mục tiêu của Đề án, đến năm 2020, 100% cán bộ chính quyền các cấp hiểu biết cơ bản về tác hại nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện; 100% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện. Đặc biệt, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 83% tỷ lệ người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó số người cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm sẽ giảm từ 20% còn 6%, tăng số người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở điều trị tự nguyện từ 80% đến 94%. Trên cơ sở xác định những mục tiêu đó, Kế hoạch đã đề ra một số nhiệm vụ cơ bản như: Giai đoạn đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ lập được các điểm cấp phát thuốc điều trị thay thế tại các địa bàn trọng điểm về ma túy như: huyện Ea H’leo, Ea Kar, Krông Buk, Krông Năng và thực hiện thí điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho người nghiện. Giai đoạn 2016-2020 sẽ thành lập các điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng cho tất cả các xã, phường có trên 50 người nghiện. Giai đoạn này cũng sẽ thực hiện chuyển đổi Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh sang cơ sở điều trị tự nguyện và một phần điều trị bắt buộc dựa trên cơ sở vật chất, tổ chức, nguồn lực hiện có; thành lập 1 cơ sở điều trị nghiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nâng cấp 2 cơ sở cai nghiện tư nhân thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện và hình thành 3-4 cơ sở điều trị nghiện tự nguyện dân lập tại các địa bàn trọng điểm về nghiện ma túy…
Để thực hiện tốt Đề án này, ông Đinh Xuân Tứ cho biết: cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm của gia đình người nghiện và cộng đồng. Phải xác định công tác cai nghiện là một việc làm hết sức khó khăn và lâu dài, vì vậy cần có những biện pháp cụ thể, thông qua đội xã hội tình nguyện ở các địa phương để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghiện ma túy, dự phòng và điều trị nghiện, khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện. Ở các địa phương cần mở những điểm tư vấn trước và sau cai cho đối tượng nghiện ma túy, giúp họ không bị kỳ thị, có cái nhìn tích cực về cuộc sống và có thể tự do lựa chọn phương pháp, hình thức cai nghiện phù hợp…
Nguồn daklak.gov.vn
[TT: TBC]