Mô hình cai nghiện cụm xã đem lại bình yên cho bản làng
28/10/2014 Lượt xem: 246 In bài viết"Thôn bản có một con nghiện đã đủ lo mất trộm mất cắp rồi, cả xã lại có tới vài chục con nghiện thì làm sao mà bình yên được nếu không có mô hình cai nghiện cộng đồng như thời gian qua", ông Tẩn Kim Vảng, Chủ tịch UBND xã Mường Hum, huyện Bát Xát (Lào Cai) chia sẻ như vậy khi đánh giá về hiệu quả mô hình cai nghiện cộng đồng tại địa phương.
Bắt đầu triển khai từ năm 2004 cho 5 xã thuộc huyện
Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Trung tâm cai nghiện cộng đồng Mường Hum đặt tại xã Mường
Hum, địa điểm thuận lợi nhất cho việc đi lại của người nghiện thuộc vùng cao
phía Tây huyện Bát Xát. Theo bà Lý Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát,
trước đây tại các xã vùng cao huyện Bát Xát tình trạng trồng và hút thuốc phiện
rất phổ biến. Từ khi Nhà nước cấm, việc trồng và buôn bán thuốc phiện đã chấm
dứt, nhưng vẫn tồn tại tình trạng nghiện hút, đặc biệt là lớp trung, cao tuổi.
Ở Mường Hum, ai cũng biết vợ chồng ông Tẩn Phù Ngan và bà Lý Tả Mẩy bởi cả hai
vợ chồng ông đã nghiện thuốc phiện 15 năm. Ma túy làm cho gia đình ông nghèo
nhất bản. Sau nhiều lần bàn bạc, vợ chồng ông Ngan quyết định lên UBND xã xin
cán bộ cho đi cai nghiện. Được cán bộ, các y, bác sỹ giỏi chuyên môn trực tiếp
hỗ trợ điều trị cắt cơn, vợ chồng ông đã cai nghiện trong một thời gian ngắn.
Tiếng lành đồn xa, tin vợ chồng ông Tẩn Phù Ngan và bà Lý Tả Mẩy cai nghiện
thành công đã thôi thúc người dân đến điểm tập trung để cai nghiện. Sau 6 tháng
được các y bác sỹ chăm sóc, động viên, áp dụng các biện pháp cai nghiện tại cộng
đồng, gần chục người trong thôn đã được cai nghiện, chịu khó làm nương rẫy chăn
nuôi trâu bò. Đến nay, hầu hết các đối tượng không chỉ thoát nghèo mà có hộ vươn
lên làm kinh tế khá.
Theo ông Nguyễn Đức Lành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh
Lào Cai, mô hình Trung tâm cai nghiện cộng đồng tại xã Mường Hum, huyện Bát Xát
là một mô hình điểm do cơ quan phòng chống ma túy của Liên hợp quốc và Ủy ban
Dân tộc phối hợp thực hiện. Sau gần 10 năm triển khai cho thấy, đây là mô hình
điểm khá hiệu quả với tỷ lệ tái nghiện sau cai thấp nhất toàn quốc. Vì vậy, năm
2008, mô hình này tiếp tục được mở rộng ra huyện Sa Pa, Thành phố Lào Cai... Tại
các địa điểm này, người nghiện được cai nghiện trong thời gian 6 tháng tại trung
tâm cụm xã. Việc tổ chức đưa người đi cai nghiện được thực hiện theo phương thức
“cuốn chiếu” theo từng thôn, bản để khi tái hoà nhập cộng đồng, người nghiện
không còn bạn nghiện rủ rê, lôi kéo, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai công
tác quản lý sau cai nghiện và kiểm soát địa bàn.
Việc cai nghiện được thực hiện theo quy trình khép kín, từ cắt cơn, tư vấn, lao
động trị liệu, học nghề, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng và quản lý sau cai. Sau 6
tháng, học viên tự bình xét, lựa chọn học viên tích cực, nhà nghèo được vay vốn
tín dụng nhỏ để mua cây trồng, vật nuôi, học nghề tại địa phương. Trung tâm
khuyến nông huyện đến từng xã giúp đỡ làm thủ tục, ký kết, cho vay và thu hồi
lãi.
Sau thời gian cai nghiện, học viên trở về cộng đồng và tham gia sinh hoạt hàng
tuần tại các câu lạc bộ sau cai được thành lập tại mỗi xã. Câu lạc bộ sau cai
với Ban chủ nhiệm có từ 5 - 7 người là thành viên của các tổ chức, đoàn thể
thường xuyên tới thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, tư vấn cho người sau cai nghiện,
kết hợp với các biện pháp khuyến khích bằng lợi ích vật chất cho người sau cai
nghiện và gia đình.
Với sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết của chính quyền các cấp từ tỉnh xuống huyện,
xã và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành trong việc triển khai các
hoạt động cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và cơ chế báo cáo giám sát chặt
chẽ, tới năm 2013, cụm cai nghiện Mường Hum đã tổ chức cai nghiện phục hồi an
toàn cho trên 700 lượt người, chiếm 85% số đối tượng có hồ sơ quản lý; giảm số
người nghiện chích ma túy của huyện xuống còn dưới 100 người; giảm tỷ lệ tái
nghiện sau 3 năm còn 25%.
Đồng thời với việc tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy, công tác kiểm
soát địa bàn được tăng cường với sự tham gia phối hợp của Công an và Đội công
tác xã hội tình nguyện xã, tạo môi trường trong sạch không có ma túy giúp người
nghiện giảm thiểu nguy cơ tái nghiện, đem lại bình yên cho bản làng và no ấm cho
mỗi nhà.
Mô hình này đang được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai nhân rộng
ra các địa phương trong tỉnh.
Hương Thu
Nguồn baotintuc.vn
[TT: TBC]