“Bà Mùa A Mềnh” chống “con ma” thuốc phiện
18/08/2014 Lượt xem: 252 In bài viếtNhững ngày “miệt trên” đang mưa lũ, bỗng nghe nhớ ngôi nhà thơm nồng khói pơ mu, nhớ bữa cơm ấm cúng và những lời mời rượu tha thiết của đồng bào Mông, tôi gọi cho Mùa A Mềnh - dân quân ở bản Háng Cháng Lừ (xã Khao Mang, Mù Cang Chải, Yên Bái) thì nghe giọng Mềnh gấp gáp lẫn trong tiếng mưa như xé trời miền núi: “Mình đang ở trên bản giúp bà con, mưa lũ to, sạt lở nhiều quá, phá hỏng hết ruộng nương của bà con rồi…”.
Mùa A Mềnh là thế. Lại nhớ lần đầu tiên tôi lên Háng Cháng Lừ tìm Mềnh cũng vào một ngày mưa tầm tã. Phải gửi xe, cuốc bộ trên đường dốc nhầy nhụa, có khi phải vạch thân ngô cao bằng đầu người mà đi. Nhưng khi tìm tới nơi thì nghe “chắc Mềnh đang đi vận động bà con xa rời con ma thuốc phiện”, điện thoại không gọi được. Mãi mới gặp được Mềnh, nhưng hỏi về thành tích của “gương điển hình tiên tiến” vừa được trao, Mềnh chỉ gãi gãi đầu rồi “lôi” tôi về ngôi nhà ám khói pơ mu đen bóng, từng túm ngô vàng rộm treo lủng lẳng khắp trên gác mái nhà. Trong nhà Mềnh có cái bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái được đóng khung treo ở nơi trang trọng nhất. Tôi để ý thấy người được khen là “Bà Mùa A Mềnh”. Chưa kịp thắc mắc thì Mềnh phân bua: “Trong bằng khen còn viết sai nhé, từ ngày mình trở thành Bà Mùa A Mềnh, ra đường dân bản ai cũng trêu, xấu hổ chết được”.
Dân quân chuyên đi phá cây thuốc phiện
Vừa thấy khách, vợ Mềnh mỉm cười, thoăn thoắt trèo lên cây đào trĩu quả. Rồi chẳng nói chẳng rằng, vợ Mềnh mang rổ đào đặt trước mặt tôi, còn Mềnh chạy vào bếp lấy một con dao to, dài và nặng đặt kịch một cái lên bàn, ra ý bảo tôi gọt đào ăn đi. Tôi cười, gọt một quả đào bằng con dao nặng và to bự ấy rồi ăn ngon lành. Bố mẹ và hai vợ chồng A Mềnh cũng cười vui vẻ, lũ trẻ con nhìn tôi như người “ngoài hành tinh”. Mềnh bảo: “Nhà báo ở đây ăn cơm với gia đình mình nhé”. Ở nhà, Mềnh là một người con ngoan, một người chồng tử tế, một người bố hiền lành của hai đứa con. Hỏi A Mềnh có hay uống rượu rồi ngủ ngoài đường như những người đàn ông khác không? Chị Sùng Thị Mào - vợ của Mềnh hiểu tôi nói nhưng không đủ tiếng Kinh để trả lời cho tròn câu, chỉ lắc đầu bảo: “Không. Mềnh không say rượu đâu, làm ruộng, làm nương giỏi mà”.
Ở bản, A Mềnh vừa làm dân quân, vừa làm phó bí thư đoàn cơ sở Háng Cháng Lừ. Anh tham gia tất cả các công tác ở bản, là cầu nối giữa chính quyền xã với bà con. Từ ngày làm dân quân của bản đến giờ, năm nào, A Mềnh cũng 2 lần tham gia các chiến dịch triệt phá cây thuốc phiện do công an huyện tổ chức. Mỗi chiến dịch đi nhiều ngày, ăn lều ở lán, băng qua nhiều dải núi rừng để tìm phá những vạt cây anh túc mà người dân lén lút trồng. “Nếu người Mông mình còn trồng nhiều cây thuốc phiện nữa, thì đời sống sẽ càng khó khăn hơn vì có cây thuốc phiện, người Mông sẽ bỏ quên cây ngô, cây lúa...” - A Mềnh tâm sự.
Mỗi lần đi triệt phá cây thuốc phiện, Mềnh đều bị ám ảnh bởi thứ cây mọc dễ như cỏ dại, vãi hạt ra là nảy mầm rồi lớn như thổi, tốt bời bời. Những nương cần sa người Mông trồng “trộm”, khuất trong rừng sâu núi thẳm, việc đi truy lùng rất khó khăn. Gặp đoàn cán bộ đi tuần, những kẻ trồng thuốc phiện lẩn trốn. Thế nhưng, việc đi lùng cây thuốc phiện vẫn luôn phải đối mặt với nguy cơ chống trả của tội phạm. A Mềnh bảo: “Mình không sợ đâu. Hoa anh túc đẹp nhưng mà cây anh túc đã giết dần giết mòn bao nhiêu người Mông mình rồi. Mỗi lần đi làm nhiệm vụ là mình chỉ muốn phá sạch, phá tận gốc loài cây ấy thôi”. Anh Giàng A Thinh - xã đội trưởng xã Khao Mang - tiếp lời A Mềnh: “Năm ngoái, A Mềnh nó đi cùng cán bộ sang mãi bên Văn Bàn, Lào Cai mà chỉ phá được 20,5m2 cây thuốc phiện thôi mà. Nó còn mang một nắm cây về báo cáo xã. Bây giờ người Mông trồng cây thuốc phiện cũng ít hơn rồi”.
“A Mềnh nó vận động giỏi lắm”
Cai nghiện thuốc phiện là chuyện không mới với người Mông. Quá khứ, có rất nhiều người Mông không kể già, trẻ, gái, trai đã lần lượt rời núi rừng, rời xa sự u mê tăm tối của bản làng ám khói phù dung để vào trung tâm cai nghiện, mong đuổi được con ma thuốc phiện. Thế rồi, họ lại về, lần lượt tái nghiện nhanh chóng và quay lại cuộc sống đói nghèo, đau khổ vì hút chích. Cũng là người Mông, lại được giao nhiệm vụ làm dân quân của bản, Mùa A Mềnh vừa thương đồng bào của mình, vừa hiểu hơn ai hết sự khó khăn của việc cai nghiện ở các bản người Mông, bởi ma tuý không chỉ là tập tục mà còn là hậu quả của sự ít học, thiếu hiểu biết. Kể về những khó khăn trong công tác cai nghiện ở thôn bản, Mùa A Mềnh tâm sự: “Người Kinh bảo thuốc phiện là con ma (ma tuý). Đấy, thuốc phiện cũng chính là con ma của người Mông mình mà. Người Mông nghiện thuốc phiện dễ, mà cai thuốc phiện thì khó”.
Mềnh rất chăm chỉ đi vận động dân bản. Nói là vận động, thực ra, rảnh rỗi lúc nào là anh lê la vào nhà nọ nhà kia tìm câu chuyện. Anh nói chuyện trồng ngô, chăm lúa, chuyện đi chợ bán con gà con lợn như người Mông vẫn chíu chít nói với nhau suốt ngày. Rồi dần dần anh gợi đến chuyện “con ma tuý”, kể chuyện để bà con hiểu nó là con ma thực sự, con ma ám ảnh và đáng kinh sợ hơn tất cả loại ma. “Mưa dầm thấm lâu đấy nhà báo ạ, giờ bà con người Mông ở Háng Cháng Lừ đã dần biết sợ con ma thuốc phiện rồi, mô hình xã không có thanh niên nghiện ma tuý đã và đang thành hiện thực rồi. Cả mấy thằng nghiện cũ, cũng có thằng cai được rồi. A Mềnh nó vận động giỏi lắm”, anh Thinh - xã đội trưởng vui vẻ kể.
Từ phong trào 3 bỏ (không hút, không trồng, không buôn bán ma tuý) được phát động trong xã, Mùa A Mềnh đã khéo léo đưa chương trình ấy về bản mình, biến phong trào thành hành động thiết thực. Anh tích cực vận động nhân dân, đặc biệt là đoàn viên thanh niên trong bản tham gia chương trình. Mềnh kéo anh em đi làm các nhiệm vụ, các công việc của Đoàn thanh niên như làm đường, sửa chữa đường lên bản, giúp đỡ dân bản, giúp đỡ người cai nghiện... Khi đã có sự gắn kết giữa các thanh niên trong bản với nhau rồi, Mềnh bảo, nói chuyện gì cũng dễ, bây giờ thanh niên của bản đều rất hiểu biết, rất sợ ma tuý rồi. Mùa A Mềnh đã cùng anh em dân quân, vận động và trực tiếp giúp đỡ cai nghiện thành công cho 8 người trong xã. Riêng ở bản Háng Cháng Lừ, Mềnh vẫn đang tiếp tục giúp đỡ cai nghiện cho 3 người nghiện thuốc phiện lâu năm. Mềnh nói kéo dài âm cuối câu, giọng kiên quyết: “Cai được cho họ thì khó lắm, nhưng vẫn phải cai thôi. Từ năm 2011, bản mình đã không còn người nghiện mới rồi. Phải đuổi con ma tuý đi bằng được chứ”.
Mong ước làm cán bộ giúp dân
Xã đội trưởng Giàng A Thinh là người hiểu rõ nhất những việc mà các chiến sĩ dân quân của mình làm được. Anh tự hào kể về Mùa A Mềnh: “Mềnh luôn nhiệt tình tham gia đầy đủ các phong trào trong xã, từ phong trào thi đua của lực lượng vũ trang đến tất cả các chương trình của đoàn thanh niên. Mềnh làm tốt lắm, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc. Nhất là ở bản, có Mềnh ở đấy thì tôi không phải lo đến bản Háng Cháng Lừ nữa rồi”.
Ông Mùa Là Chua - bố của Mùa A Mềnh - đã có thâm niên gần 20 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Khao Mang. Ông Chua đặt nhiều hy vọng vào con trai: “Trước còn làm hội nông dân, tôi đã từng được đi tập huấn một tuần dưới Hà Nội. Được ở tại Trung ương Hội Nông dân, được đi thăm lăng Bác Hồ và nhiều nơi nữa của Hà Nội. Hà Nội đẹp và đông đúc lắm. Tôi luôn kể với các con để chúng phấn đấu học hành, làm việc để được xuống thủ đô đấy”. Biết bố và gia đình đặt nhiều hy vọng vào mình, Mềnh cũng đã dự tính đi học tiếp: “Mình muốn đi học lắm, nhưng mà phải ở nhà làm việc, mùa này nhiều việc lắm. Đợi đến tháng 9 này, mình sẽ cố gắng xin đi học. Không học thì không làm được cán bộ đâu mà. Mình muốn học, muốn giúp được cho dân bản nhiều việc nữa”.
Tôi luôn tin, sự nhiệt huyết với công việc và tấm lòng đáng quý của Mùa A Mềnh sẽ đưa anh đi xa hơn, giúp đồng bào của anh vượt thoát khỏi đói nghèo và tăm tối của bản làng khuất trong mây mù, sương núi.
Lời bình:
Nhân vật ông “Bà Mùa A Mềnh” được tác giả xây dựng với một bút pháp điêu
luyện, hoa mỹ, trau chuốt đến từng dấu phẩy. Không cần phải “giả giọng”
đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn thấy man mác, đậm đà chất Mông, Dao và...
Mù Cang Chải trong từng câu văn, chi tiết. |
Lâm Chí Công
Nguồn laodong.com.vn
[TT: TBC]